Sáng 16-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Có nhiều quan điểm và đáng chú ý nhất có lẽ là ý kiến của ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương).
ĐB Phạm Trọng Nhân nói rằng hãy đến những nơi cấp cứu mọi người sẽ không vô cảm với vấn đề phòng, chống tác hại của bia, rượu
“Vợ mất chồng, con mất cha cũng vì bia, rượu mà ra. Phải trả nó về đúng bản chất nguy hại mà nó gây ra bởi nó sẽ lấy đi vĩnh viễn những người thân của chúng ta” - ĐB Nhân mở đầu bảy phút nêu ý kiến của mình.
Theo ĐB Nhân, những tác hại của bia, rượu là đã quá rõ ràng và đương nhiên ngay cả việc quảng cáo rượu, bia cũng phải cấm. Nhưng ĐB Nhân thậm chí còn đi xa hơn: “Phải cấm vĩnh viễn quảng cáo trên báo nói, báo hình, báo giấy…”.
Dẫn ra “thành tích” uống bia đứng đầu Đông Nam Á, ĐB Nhân băn khoăn: “Thật khó mà tự hào về thành tích uống bia, rượu đứng đầu Đông Nam Á của Việt Nam. Phải chăng do tính có sẵn của nó, có thể mua bia, rượu ở bất cứ đâu?.... Ở các thành phố, các khu đô thị còn có cả những con phố ăn nhậu sẵn sàng phục vụ” - ĐB Nhân nói.
Đề cập đến những nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ khi từ đầu nhiệm kỳ luôn luôn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung cho phát triển để “GDP nhích lên từng tí một” - ĐB Nhân nói: “Có khi GDP nhích lên và được coi là kỳ tích, trong khi đó, rượu, bia lại làm tổn hại tới 1,3% GDP mỗi năm, ấy là chưa kể những tác hại lâu dài mà nó mang lại”.
ĐB Nhân nhận định: “Không ít ý kiến đổ những tác hại ấy cho người dùng và ngành rượu bia cứ như là một chủ thể vô can. Thậm chí còn dùng các mỹ từ và truyền thống văn hóa để cổ súy cho việc tiêu dùng bia, rượu”. Theo ĐB Nhân, ngành rượu, bia không thể là chủ thể vô can vì tính sẵn có của nó mà bất kể ai cũng có thể tiếp cận, uống bia, rượu và bị tác hại.
“Tranh luận là cần thiết nhưng xin hãy một lần đến những nơi cấp cứu người tai nạn vì rượu bia hay một lần nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng vì bia, rượu. Chúng ta bảo vệ sức khỏe của nhân dân hay bảo vệ khoản thu 50.000 tỉ đồng/năm? Vậy mà không ít người lại cổ súy cho “văn hóa uống”. Tôi đánh giá cao Bộ và tinh thần tranh đấu cho dự luật này” - ĐB Nhân nói.
ĐB Nhân cũng nhắc tới cam kết phòng bệnh hơn chữa bệnh và ông lưu ý: “Không nên ngụy biện bằng “uống có trách nhiệm” hay gì khác. Không nên cài cắm hay đánh tráo khái niệm. Đã đến lúc phải hành động để đưa đất nước ra khỏi những vị trí không lấy gì làm tốt đẹp”.
Trước đó, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) trong phát biểu của mình đã đề cập tới “uống có trách nhiệm”, cũng như cảnh báo những vấn đề về cấm quảng cáo, cấm bán rượu bia trên Internet sẽ làm ảnh hưởng tới hệ thống pháp luật và cách mạng công nghiệp 4.0
ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) phát biểu sau đó rất chia sẻ với ĐB Nhân và ban soạn thảo. Bà thừa nhận thói quen uống rượu, bia đã có từ lâu đời, hiện đang đóng góp 50.000 tỉ đồng/năm cho ngân sách và tạo ra việc làm cho 220.000 người. Tuy vậy, ĐB Yến nói: “Nhưng bia, rượu ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết. Làm sao để hạn chế tác hại của rượu bia và lợi ích hài hòa của DN là một bài toán quá khó”.
Tuy vậy, ĐB Yến cũng như nhiều ĐB trước đó, dù ý kiến còn khác nhau nhưng đều tựu chung rằng: “Ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết”.
Được biết trong danh sách các đại biểu đăng ký phát biểu còn có những người thể hiện cho những xu hướng trái ngược nhau.