Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đang vào quá trình cao điểm của đợt đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, dự luật này đang gặp phải sự giằng xé đan xen giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe.
Đó là một trong những đánh giá của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tại Hội thảo đánh giá tác động kinh tế-xã hội liên quan đến dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chiều 15-11.
Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng nhiều mong muốn của Bộ Y tế trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia chưa đạt được. ẢNH: HP
Theo ông Quang, ngày 9-11 vừa qua, bộ trưởng Bộ Y tế đã đọc Tờ trình tại Quốc hội, bên cạnh đó Quốc hội cũng đã lập ra tổ để thảo luận. Tuy nhiên, dự luật này vẫn là sự giằng xé đan xen giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe.
Ông này cho rằng nếu người ta chỉ nhìn vào lợi ích kinh tế mà quên đi lợi ích sức khỏe sẽ thì luật sẽ đi theo một hướng khác.
“Ngày xưa rượu bia còn được xem là nét văn hóa nhưng giờ sử dụng rượu bia ở VN thành vấn nạn, đang ở mức báo động, nhất là với các thế hệ trẻ. Luật Phòng, chống tác hại rượu bia chỉ góp phần định hướng cho việc sử dụng rượu, bia văn minh hơn” - ông Quang lý giải.
Đưa dẫn chứng về những tác hại khủng khiếp mà rượu bia đang gây ra hiện nay, ông Phạm Việt Cường, Trường ĐH Y tế công cộng, cho biết sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa, gây nhiều hệ lụy về sức khỏe, xã hội cho giới trẻ.
Sử dụng rượu, bia ở trẻ em và thanh thiếu niên ảnh hưởng đến não bộ nghiêm trọng hơn với người lớn. Đồng thời, tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao.
Theo nghiên cứu của học viện cảnh sát tại 11 tỉnh năm 2015 thì phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%...
Tỉ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ. Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất một lần. |