Vô ý làm mất chứng cứ, xử lý sao?

Gần đây, nhiều người dân đã khiếu nại cơ quan chức năng làm mất tài liệu, chứng cứ mình đã nộp khiến vụ án rơi vào bế tắc. Vấn đề đặt ra: Theo quy định hiện hành, phải xử lý trách nhiệm của người vô ý làm mất chứng cứ như thế nào?

Mới đây, trong phiên xử một vụ tranh chấp tài sản thừa kế tại TAND huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), ông U. (bị đơn) đã đưa ra một chứng cứ mới là giấy cam đoan của hai người anh (nguyên đơn) đồng ý giao quyền sử dụng đất cho ông.

Bỗng dưng mất tài liệu

Cầm tờ giấy cam đoan trên tay, chủ tọa quay sang hỏi hai người anh của ông U. là có biết gì hay không. Hai người này một mực phủ nhận, khẳng định chữ ký trong giấy cam đoan không phải là của họ. Thấy vậy, ông U. đề nghị tòa hoãn xử để trưng cầu giám định chữ ký.

Chủ tọa đồng ý, giao tờ giấy cam đoan cho thư ký phiên tòa để làm thủ tục lập biên bản giao nhận chứng cứ. Nửa tiếng sau, ông U. quay lại gặp thư ký phiên tòa để lấy biên nhận thì thư ký lục tung hồ sơ vẫn không thấy tờ giấy cam đoan đâu...

Tương tự, vừa qua, ông C. cũng gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM khiếu nại về việc một giám định viên Phân viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát phía Nam) đã làm mất chứng cứ quan trọng trong vụ án mà ông là bị đơn.

Vô ý làm mất chứng cứ, xử lý sao? ảnh 1

Trước đó, ông C. bị người khác kiện ra TAND quận 12 (TP.HCM) yêu cầu phải trả 3 tỉ đồng và hơn 500 lượng vàng. Kèm theo đơn khởi kiện là giấy vay mượn có chữ ký của ông. Cho rằng chữ ký này không phải của mình, ông C. đề nghị tòa trưng cầu giám định. Tòa tiến hành thủ tục trưng cầu giám định tại Phân viện Khoa học hình sự. Sau đó, song song với việc trả kết quả giám định thì tổ chức này cũng gửi một văn bản sang tòa cho biết giám định viên đã vô tình làm thất lạc bản gốc giấy vay mượn.

Nghi ngờ giám định viên không khách quan, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, ông C. đã nộp đơn lên Cục Điều tra VKSND Tối cao đề nghị làm rõ.

Quy định chưa cụ thể

Chuyện cán bộ tố tụng, giám định viên… làm mất chứng cứ, tài liệu của đương sự đã không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, cho đến nay, việc xử lý trách nhiệm của các cán bộ liên quan đều không rõ ràng, trừ các trường hợp cố tình phi tang, hủy hoại chứng cứ nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án. Hầu hết các trường hợp không chứng minh được lỗi cố ý, các cơ quan thường đóng cửa nhắc nhở rút kinh nghiệm, kỷ luật nội bộ mà rất hiếm khi thấy có chuyện xử lý hành chính hay hình sự.

Theo ThS Nguyễn Trương Tín (giảng viên ĐH Luật TP.HCM), thực tế này có nguyên nhân là do quy định hiện hành chưa rõ ràng.

Cụ thể, pháp luật hành chính chưa có quy định nào điều chỉnh hành vi này. Pháp luật hình sự có tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS) nhưng thực tế lại khó áp dụng. Bởi lẽ để xử lý hình sự thì phải chứng minh được hành vi phạm tội vô ý hay cố ý, mục đích, động cơ là gì, hậu quả xảy ra nghiêm trọng như thế nào, chứng cứ quan trọng tới đâu… Nếu những điều này còn chưa rõ mà nóng vội khởi tố thì có thể làm oan.

Cạnh đó, cán bộ và cơ quan chức năng cũng có thể bị khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa thấy có vụ nào người dân khởi kiện. Vì để yêu cầu bồi thường, ngoài việc phải có văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền, đương sự còn phải tự chứng minh cho được rằng chứng cứ, tài liệu bị mất là bản gốc, rất quan trọng, quyết định thắng - thua, ảnh hưởng đến toàn bộ vụ án...

Xác định lỗi để xử lý?

Theo kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao), trước mắt, khi xử lý hành vi làm thất lạc chứng cứ, tài liệu vụ án, cần xác định rõ những điểm sau: Chứng cứ, tài liệu bị mất là bản gốc hay bản sao, làm mất do nguyên nhân khách quan hay chủ quan, do lỗi vô ý hay cố ý, hậu quả của việc làm mất ra sao, có ảnh hưởng đến toàn bộ vụ án hay không...

Ông Thêm cho rằng nếu cán bộ vô tình làm mất chứng cứ nhưng có thể khôi phục lại thì chỉ nên xử lý kỷ luật nội bộ. Còn nếu gây hậu quả nghiêm trọng như vì vậy mà vụ án phải đình chỉ, gây thiệt hại vật chất lớn thì có thể xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS). Nếu cố tình phi tang, hủy hoại chứng cứ thì có thể xử lý hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (Điều 300 BLHS) nếu thỏa mãn các dấu hiệu của tội này.

Về lâu dài, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM), luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều cho rằng pháp luật hành chính, dân sự, hình sự cần quy định cụ thể về hành vi vô ý làm thất lạc chứng cứ, tài liệu, hồ sơ vụ án cùng chế tài để dễ dàng vận dụng.

Thoát tội nhờ chưa gây hậu quả nghiêm trọng

Năm 2004, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã truy tố nguyên Trung tá Công an quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) Hoàng Minh Công về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, ông Công được phân công giải quyết vụ Phạm Mai lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, ông Công đã vô tình làm mất 181 bút lục, vốn là các tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của Mai.

Tại phiên xử ông Công, tòa đã triệu tập phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đến để làm rõ sai phạm của ông Công ảnh hưởng đến vụ án Phạm Mai như thế nào. Vị này cho biết các tài liệu mà ông Công làm mất chỉ là bản phôtô, có thể làm lại nên chỉ cần xử lý nội bộ theo quy định ngành. Từ đó, tòa nhận định ông Công tuy có hành vi thiếu trách nhiệm nhưng chưa tới mức gây hậu quả nghiêm trọng nên không phạm tội.

Những vụ tương tự

Năm 2010, TAND tỉnh Phú Yên đã gửi toàn bộ hồ sơ vụ Lê Huệ bị truy tố về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên lên TAND Tối cao để xin ý kiến hướng dẫn vì phức tạp. Bộ hồ sơ gửi đi gồm hai tập: một tập có 944 bút lục, một tập có 531 bút lục. Tuy nhiên, sau đó TAND Tối cao chỉ chuyển trả tập hồ sơ 531 bút lục, còn tập bút lục kia thì không thấy đâu.

Sau đó, Văn phòng TAND Tối cao có văn bản báo cáo cho biết chưa tìm được tập hồ sơ 944 bút lục. TAND Tối cao cũng đã nhận trách nhiệm trong việc làm thất lạc tập hồ sơ này. Để tiếp tục giải quyết vụ án, TAND tỉnh Phú Yên đề nghị VKS tỉnh, công an tỉnh cho sao lục số tài liệu còn thiếu. Hai cơ quan này không chấp nhận vì làm như vậy sẽ không đảm bảo chứng cứ pháp lý, sẽ rất khó khăn để kết án do bị cáo một mực kêu oan. Cuối cùng, ba cơ quan thống nhất đề nghị TAND Tối cao tiếp tục truy tìm tập hồ sơ còn thiếu. Tòa tỉnh sẽ mở phiên xử khi nhận đủ số tài liệu gốc. Chờ mãi vẫn chưa thấy tài liệu đâu nên vụ án của bị can Huệ vẫn mãi nằm im một chỗ.

 Năm 2009, sau khi tuyên hủy các quyết định sơ, phúc thẩm trong vụ bà L. kiện người quen đòi lại hơn 30.000 m2 đất, TAND Tối cao đã giao lại hồ sơ vụ án cho TAND TP Phan Thiết (Bình Thuận) theo đường bưu phẩm bảo đảm của Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel. Không ngờ nhân viên của công ty này làm việc ẩu nên đã làm thất lạc cả bộ hồ sơ.

Sau đó, TAND TP Phan Thiết đã mời bà L. đến làm việc, giải thích việc thất lạc và đề nghị bà làm lại đơn khởi kiện mới. Bà L. không đồng ý vì tất cả chứng cứ quan trọng đều nằm trong hồ sơ bị thất lạc và yêu cầu TAND Tối cao phải sớm có giải pháp khắc phục việc này.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm