"Với khái niệm này thì tôi hiểu ông Trịnh Xuân Thanh đang đi du lịch" - ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh, đã ví von như vậy khi cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng nay 19-9.
Ông Bộ cho rằng dự thảo luật này nghiêng về việc quản lý công dân nước ngoài vào Việt Nam và người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài, còn người Việt Nam đi du lịch ở trong nước thì ít đề cập.
Cụ thể, ông Bộ dẫn khái niệm về du lịch được quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo luật như sau: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá một năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.
Ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh.
“Tôi chuyên xét xử án hình sự, với ngôn ngữ thể hiện trong dự thảo, nếu với tư cách luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, tôi sẽ trả lời là ông Thanh đi du lịch, mà lại không thể hiện được bản chất của du lịch" - ông Bộ nói.
Theo ông, bản chất của du lịch là hoạt động rời khỏi nơi cư trú của mình nhưng phải hợp pháp. Còn dự thảo luật không nêu được vấn đề của hai bản chất đó, dẫn tới khái niệm này dưới góc độ xét xử án hình sự có thể được giải thích sai.
Luật du lịch được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 -6-2005 (gọi tắt là Luật Du lịch), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch năm 1999. Sau 10 năm áp dụng, luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi nhằm tạo điều kiện phát triển ngành du lịch, cũng như đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) có 10 chương, 79 điều, được bố cục theo hướng hợp lý hơn so với Luật Du lịch hiện hành. |