Vòng 22 Nuti Café V-League 2018: Chơi không nổi thì nghỉ!

Hà Nội đã sớm vô địch khiến đấu trường V-League chỉ còn hấp dẫn cuộc đua trốn rớt hạng nhưng thực tế cũng chẳng còn gay cấn nữa bởi định mệnh dường như đã an bài. Cần Thơ và Nam Định sau thời kỳ đầu gắng gượng chơi cho giống với bóng đá chuyên nghiệp đã buông xuôi bất lực vì “cơm áo không đùa với khách thơ”.

Không tính các đội lệ thuộc vào bầu sữa của một ông bầu kiểu Đỗ Quang Hiển sẽ chơi cho đến khi… cạn sữa, rất nhiều đội bóng đang đá V-League chỉ mang hồn chuyên nghiệp, da nghiệp dư. Cũng không chỉ có hai địa phương Nam Định và Cần Thơ thiếu tiền lẫn thiếu cơ chế phát triển bóng đá chuyên nghiệp thực sự, bởi còn nhiều CLB khác như TP.HCM, Sài Gòn… ăn bữa nay lo bữa mai với một tương lai vô định.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải sắp trở thành tân chủ tịch VFF đã từng chất vấn các nhà làm bóng đá Việt Nam rằng vì sao V-League có đến 14 đội, trong khi hạng nhất chỉ có 10 đội? Nó không đi theo quy trình phát triển như ở các cường quốc bóng đá hiện đại với cách chọn lọc những đội đá giải vô địch quốc gia phải đúng chuẩn chuyên nghiệp. Điều mà nhiều người nghe rồi nói để xem ông thứ trưởng khi ngồi vào ghế chủ tịch VFF rồi thì sẽ khắc phục thế nào.

Cần Thơ (áo sậm), đội bóng từng được liệt vào danh sách khó khăn nhưng giá mua cầu thủ ngoại lại trên trời. Ảnh: HUY PHẠM

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nói thẳng các giải đấu ở Việt Nam không giống ai bởi người ta xây dựng theo hình tháp, còn ta thì tự phát theo hình… siêu mẫu. Ông ví von V-League như vòng 1 cô người mẫu, còn hạng nhất thì không khác cái eo, sang đến các hạng khác thì phình vô tội vạ.

Đã từng có những CLB mua suất bán phần để chơi hoặc bỏ V-League khi “hết xôi, rồi việc”, hay miễn cưỡng lên hạng mà chưa sẵn sàng cho một cuộc chơi sòng phẳng và tử tế. Hai đội cuối bảng Cần Thơ và Nam Định cố tình giấu giếm sự mệt mỏi của mình cho đến khi cầu thủ chịu không nổi mới vỡ lẽ họ quá sức chịu đựng. Các món nợ lương, thưởng, tiền lót tay của CLB kéo dài là nguyên nhân chính gây nên những đôi chân mỏi và cái đầu thiếu sức sống.

Ông Đoàn Minh Xương nói sự thật mất lòng với các CLB: Nếu không đủ sức và chưa hội tụ đầy đủ yếu tố làm bóng đá chuyên nghiệp thì nên nghỉ để không còn gánh nặng vất vả. Thế nhưng nhiều địa phương vẫn bị thầy dùi làm chuyên nghiệp, vì có chuyên mới có những khoản phết phẩy, chuyển nhượng, lại quả khủng. Quan trọng hơn là chính cách làm bóng đá ăn xổi của các nhà quản lý và điều hành khi chấp thuận cho CLB chơi bóng chuyên nghiệp mà bản thân không chuyên nghiệp đã làm cho giải đấu xuống giá.

V-League thà có ít đội mà hay còn hơn đông mà không tinh!

Sau vòng 20 V-League, đội Cần Thơ chìm xuống đáy bảng đã vội vã mời về người cũ Vũ Quang Bảo thay thế HLV Đinh Hồng Vinh để trục vớt con tàu đắm. Đấy chỉ là một giải pháp tình thế theo kiểu… mê tín, bởi ông Bảo dẫu có tài giỏi cách mấy cũng không thể vực dậy niềm tin của cầu thủ đã tan vỡ.

Chính ông Bảo sau trận thua SHB Đà Nẵng 1-2 ở vòng 21 cũng than thở rất khó vực dậy tinh thần cầu thủ trong hoàn cảnh bị nợ tiền nong. Và trận tiếp Quảng Nam ngày 15-9 (VTV6 trực tiếp 17 giờ) mang tính chất sống còn với Cần Thơ, hoặc rớt hạng, hay giỏi lắm sẽ chơi trận tranh vé vớt.

Tương tự, Nam Định làm khách Thanh Hóa ngày 16-9 (BĐTV trực tiếp 17 giờ) lành ít dữ nhiều bởi chủ nhà đang muốn tranh ngôi á quân. Thầy trò Nguyễn Văn Sỹ đã nghèo nàn về lực lượng còn buộc lòng phải thanh lý một ngoại binh do vi phạm kỷ luật. Nên chỉ cần Thanh Hóa chơi đúng sức thì Nam Định chắc chắn không có điểm mang về nhà.

Các trận đấu khác vòng 22 V-League: Ngày 15-9: Hải Phòng - Sài Gòn (BĐTV trực tiếp 17 giờ); ngày 16-9: TP.HCM - HA Gia Lai (VTV6 trực tiếp 18 giờ).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới