Theo kết quả nghiên cứu của Green Việt (Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng), số lượng đàn voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà hiện vẫn còn hơn 1.300 cá thể.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Viết Phương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, cho rằng con số này không thuyết phục.
Ông Phương nói: “Các nghiên cứu trước đây cho thấy số lượng voọc ở Sơn Trà chỉ có khoảng 300-700 cá thể, trong khi kết quả nghiên cứu của Green Việt lại lên đến 1.300 con. Không thể có chuyện tăng nhanh chóng, bất thường như thế được”.
Theo Green Việt, hiện nay trên bán đảo Sơn Trà có hơn 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu. Ảnh: Green Việt
Ông Phương cho biết Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng sẽ có đề xuất nghiên cứu về đa dạng sinh học ở bán đảo Sơn Trà. Trong đó có điều tra, thống kê về số lượng voọc chà vá chân nâu cũng như đặc tính, tập quán của loài linh trưởng này.
Về vấn đề trên, ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Green Việt, phân tích: “Hiện nay chưa có cơ sở để kết luận cá thể voọc ở Sơn Trà tăng hay giảm. Bởi vì trước đây, các đợt khảo sát, điều tra chỉ thực hiện ở một vài khu vực trên bán đảo nên đưa ra những con số khác nhau. Lần này, chúng tôi điều tra gần như toàn bộ bán đảo Sơn Trà nên ghi nhận đầy đủ hơn”.
Phương pháp điều tra số lượng voọc của Green Việt. Ảnh: Green Việt cung cấp
Theo ông Vỹ, phương pháp nghiên cứu do Green Việt thực hiện là một trong những phương pháp khoa học tiến bộ được nhiều tổ chức nghiên cứu về linh trưởng trên thế giới áp dụng nên độ chính xác rất cao. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã chia hình thành nhiều lô và tiến hành khảo sát cùng lúc với tổng chiều dài 139 km tại 150 điểm trên bán đảo Sơn Trà. Kết quả ghi nhận được 1.335 cá thể voọc chà vá chân nâu tương ứng với 237 đàn.
Ông Vỹ bày tỏ thêm: “Kết quả điều tra vừa qua cho thấy công tác bảo vệ đàn voọc ở Sơn Trà trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả. Đồng thời nó cũng có nghĩa, với số lượng voọc nhiều như thế, chúng ta vẫn còn có cơ hội để bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này. Vấn đề là phải điều chỉnh lại quy hoạch, không thể biến Sơn Trà thành trung tâm lưu trú, nghỉ dưỡng".
Các công trình lưu trú, nghỉ dưỡng mọc lên ở bán đảo Sơn Trà gây lo ngại sẽ phá vỡ đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến môi trường sống của voọc. Ảnh: TRUNG THANH
Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Ngọc Thành, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, người có nhiều năm nghiên cứu về voọc chà vá ở Sơn Trà, cho rằng không cần thiết phải điều tra lại về số lượng voọc ở Sơn Trà.
“Sơn Trà có 1.300 hay 700 cá thể cá thể voọc chà vá chân nâu không quan trọng. Vấn đề cần quan tâm là công tác bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này trước nguy cơ môi trường sống bị tác động bởi những dự án lưu trú, nghỉ dưỡng…” - TS Thành nhấn mạnh.
TS Thành lo ngại việc biến Sơn Trà thành “trung tâm lưu trú, nghỉ dưỡng” sẽ phá vỡ môi trường sống của loài voọc chà vá chân nâu. Lúc đó, công tác bảo tồn loài linh trưởng này sẽ vô cùng khó khăn.
Theo các chuyên gia, quy hoạch Sơn Trà cần phải điều chỉnh để bảo vệ cảnh quan và đàn voọc quý hiếm ở bán đảo này. Ảnh: TRUNG THANH
“Có không ít ý kiến cho rằng việc xây biệt thự, resort trong khu vực tính từ mặt nước biển lên độ cao 200m không ảnh hưởng gì đến đa dạng sinh học nói chung và không ảnh hưởng đến đàn vọoc ở Sơn Trà. Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là khu vực có đa dạng sinh học phong phú nhất. Đây cũng là vùng tìm kiếm thức ăn quan trọng của voọc nên càng phải được bảo vệ nghiêm ngặt” -TS Thành phân tích.
TS Thành bày tỏ thêm: “Voọc ở Sơn Trà được gọi là “nữ hoàng” trong các loài linh trưởng vì có nhiều màu sắc rất tươi, rất đẹp. Đây lại là nơi duy nhất trên thế giới chúng ta có thể bắt gặp loài linh trưởng này ngoài tự nhiên dễ dàng như thế. Do đó, cần phải bảo vệ đàn voọc quý hiếm, không phải chỉ cho Việt Nam mà còn cho nhân loại”.