VPF bất hòa với một số CLB

Ngày 23-7, là hạn chót cho các CLB đóng góp ý kiến khác với đề xuất của VPF cho hoãn V-League đến tháng 2-2022 và giải hạng Nhất, Cúp Quốc gia cũng đá vắt sang năm sau.

Bầu Đức và các CLB không hài lòng khi các CLB không được VPF tôn trọng. Ảnh: ANH HỮU

Biểu quyết, rò rỉ thông tin rồi mới đến CLB

Đáng nói là ngay trước khi gửi phiếu lấy ý kiến cho 27 CLB V-League và hạng Nhất, các nhà tổ chức đã tung tin nghe ngóng từ dư luận với phương án hoãn giải hơn nửa năm mà các đội bóng đều không biết. Đến ngày 20-7, các đội bóng mới nhận công văn của VPF nhưng trước đó bốn ngày, tin tức hoãn giải sang năm đã tràn lan. Thế nên mới có chuyện có PV lấy thông tin từ VPF phỏng vấn lãnh đạo CLB Hải Phòng và ông này lập tức đề nghị giải tán VPF vì cách làm không giống ai và không tôn trọng các CLB.

Mọi thứ xuất phát từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khó lường và chưa kiểm soát ở nhiều địa phương, trong lúc VPF phải lệ thuộc vào quyết định của các cơ quan chức năng khác có đồng ý hay không. Thêm vào đó, VPF trần tình kế hoạch thi đấu của đội tuyển quốc gia trải dài ở đầu mỗi tháng (từ tháng 9-2021 cho đến đầu năm sau) cùng thời gian thực hiện quy định cách ly khiến bóng V-League không thể lăn.

Thực chất VPF đã rất nỗ lực tìm tòi giải pháp duy trì các giải đấu quốc gia sao cho hợp lý nhất, với ý tưởng ưu tiên thời gian và nguồn lực cho thầy trò HLV Park Hang-seo đá vòng loại cuối World Cup 2022. Tuy nhiên, thay vì VPF đưa ra những khó khăn về việc không có thời gian dự kiến 23 ngày để hoàn thành giải đấu cho các CLB góp ý hoặc phản biện thì lại để rò rỉ thông tin ra ngoài và… thăm dò.

Nếu đúng quy trình thì VPF không bị các CLB lên án như thế

Thái độ của VPF đã gây ra một làn sóng phản ứng của người trong cuộc khiến cho thiện chí của các nhà tổ chức bị hiểu nhầm là chỉ chăm chút cho quyền lợi của mình. Bầu Đức đã gay gắt phản ứng VPF không tôn trọng CLB là chủ thể của cuộc chơi và rất cần tiếng nói lẫn sự chia sẻ của họ trong trường hợp bất khả kháng. Ông bầu phố núi nói VPF chỉ có trách nhiệm tổ chức giải đấu và hoàn toàn không có quyền phán quyết về vận mệnh của mùa giải.

Thực tế VPF cũng vì sốt sắng lo lắng cho đội tuyển quốc gia theo yêu cầu của VFF và rất bị động về khả năng dự báo thời điểm bóng lăn, dù không bao giờ muốn hủy giải để giữ gìn lợi ích cho mình. Nhưng đáng ra VPF cần tham khảo mọi ý kiến của CLB, thậm chí là các chuyên gia của nhiều ngành có liên quan để chọn ra nhiều phương án mang tính khả thi hơn kiểu áp đặt mà người trong cuộc ấm ức mỉa mai “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.

Dĩ nhiên, VPF không có quyền tự quyết mà ít nhất phải trình báo mọi kế hoạch dự kiến hoạt động của mình cho VFF và các cấp cao hơn nữa, đặc biệt là các cơ quan chức năng trong mùa dịch bệnh COVID-19. Nhưng giá như thái độ và cách ứng xử của VPF thân thiện hơn với các CLB thì chắc hẳn không rơi vào hoàn cảnh làm ơn mắc oán hoặc bên trọng bên khinh vì phải lệ thuộc vào nhiều thứ lẫn nhiều cấp.•

 

VFF chuyền xuống, VPF lại đá lên VFF

Sau khi thu thập đầy đủ những ý kiến đóng góp và đề xuất từ 27 CLB cùng các cổ đông, ban điều hành VPF sẽ tổng hợp rồi trình cho VFF ra quyết định cuối cùng theo số đông. Cũng cần biết VFF là cổ đông lớn nhất với 35,4% cổ phần.

Có một số đề xuất giải pháp gây chú ý từ các CLB là nên trao cúp vô địch cho đội HA Gia Lai đang dẫn đầu V-League sau 12 lượt trận và dừng giải để tránh thiệt hại cho đội bóng phải nuôi quân suốt nửa năm; có ý kiến tổ chức trận chung kết cho HA Gia Lai và đội xếp thứ nhì Viettel để chọn ra nhà vô địch của mùa giải 2020; quan điểm khác là cần tổ chức giải tập trung cách ly các vòng đấu còn lại, xen kẽ giữa những trận đấu của các đội tuyển quốc gia. Đặt trường hợp đến thời điểm không thể thi đấu, ban tổ chức sẽ công nhận thứ hạng cho ba đội dẫn đầu để tham gia các cúp châu Á sang năm và không có đội rớt hạng... TT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới