Vụ 5 CA đánh chết nghi can: Nhiều thông tin lần đầu tiên được công bố

Sáng nay (10-4), ngày làm việc thứ tư, phiên tòa sơ thẩm xử lại vụ năm công an đánh chết nghi can xuất hiện nhiều thông tin lần đầu tiên được công bố trong vụ án này. Đó là việc nhiều cán bộ công an biết việc còng tay, bắt giữ anh Ngô Thanh Kiều là trái pháp luật nhưng vẫn quyết tâm bắt giữ, đến khi nạn nhân bị đánh chết mới tìm cách… hợp thức hóa thủ tục.

Không có lệnh vẫn còng cho… chắc ăn!

Trả lời xét hỏi của HĐXX, các nhân chứng là cán bộ Công an TP Tuy Hòa đều thừa nhận việc bắt giữ Ngô Thanh Kiều hoàn toàn không có lệnh.

Sáng 12-5-2012, ông Lê Đức Hoàn (thượng tá, Phó Công an TP Tuy Hòa thời điểm đó) cử một tổ công tác do ông Nguyễn Trần Nguyên Phúc (cán bộ Công an TP Tuy Hòa) chỉ huy, đến xã Hòa Đồng để nắm tình hình gia đình anh Kiều. Lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Công an xã Hòa Đồng, do HĐXX công bố, cho biết tổ công tác đã yêu cầu ông Thắng làm một giấy mời anh Kiều đến Công an xã Hòa Đồng làm việc trong ngày 12-5-2012 với lý do “Kiều tham gia giao thông gây va quẹt rồi bỏ chạy”.

Tuy nhiên, khi đến nhà đưa giấy mời thì anh Kiều không có nhà nên tổ công tác yêu cầu ông Thắng sửa giấy mời từ ngày 12 thành ngày 13-5-2012, sửa địa điểm làm việc từ trụ sở Công an xã Hòa Đồng thành Công an huyện Tây Hòa. Lúc 3g sáng hôm 13-5-2012, các cán bộ công an TP Tuy Hòa, Công an tỉnh Phú Yên, Công an huyện Tây Hòa, Công an xã Hòa Đồng đến nhà anh Kiều để “kiểm tra hành chính”. Trong lúc anh Kiều đang ngồi ở ghế salon tiếp các cán bộ công an, ông Nguyễn Văn Lai (cán bộ Công an huyện Tây Hòa) đã dùng còng số 8 khóa tay anh Kiều rồi đưa đến Công an xã Hòa Đồng.

Theo lời khai của ông Lai, ngày 12-5-2012, khi đến làm việc tại Công an huyện Tây Hòa, các cán bộ Công an TP Tuy Hòa nói rằng “đồng bọn trong nhóm trộm cắp của Kiều là Trần Minh Cường đã khai nhận rồi”. Trong khi đó, theo lời khai của nhân chứng Cường tại phiên tòa là đến 7g30 ngày 13-5-2012, sau khi anh Kiều đã bị bắt, Cường mới đến đầu thú tại Công an TP Tuy Hòa và đến chiều cùng ngày mới khai ra các vụ trộm.

Cũng theo nhân chứng Lai, tổ công tác yêu cầu Công an huyện Tây Hòa phối hợp bắt giữ Kiều đưa về Công an TP Tuy Hòa để làm việc. Ông Lai cho rằng ông còng tay anh Kiều theo yêu cầu của ông Nguyễn Hồ Chu Toàn. Trong khi đó, lời khai của ông Toàn không đề cập việc yêu cầu ông Lai còng tay anh Kiều, mà cho rằng ông Lai tự nói “Còng nó lại cho chắc ăn!”. Ông Toàn thừa nhận: “Khi chúng tôi đến nhà Kiều thì không có lệnh dẫn giải về công an xã”. Thế nhưng, Kiều vẫn bị bắt đi.

Trong lời khai của mình, trưởng Công an xã Hòa Đồng - Nguyễn Văn Thắng thừa nhận: “Theo quy định, trước khi kiểm tra hộ khẩu phải có kế hoạch, nội dung kiểm tra trình chủ tịch UBND xã xem xét, ra quyết định. Tuy nhiên, việc chúng tôi kiểm tra nhà Kiều không có lệnh của cơ quan có thẩm quyền. Tôi thừa nhận mình làm không đúng pháp luật”.

Còn ông Nguyễn Văn Lai, người trực tiếp còng tay bắt giữ anh Kiều, thanh minh: “Do Công an TP Tuy Hòa bảo đồng bọn Kiều đã khai nhận nên tôi nghĩ rằng họ đã có đầy đủ hồ sơ, tôi mới còng tay Kiều lại. Tôi là bạn học của Kiều, tôi rất ái ngại nhưng các anh bảo tôi còng thì tôi còng!’. Còn ông Trương Quốc Dũng (cán bộ Công an TP Tuy Hòa) thừa nhận: ‘Tôi thấy việc bắt, còng tay là không đúng quy định của pháp luật nhưng tôi không có ý kiến gì”.


Các bị cáo nghe các nhân chứng trình bày về việc bắt giữ nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Ảnh: TẤN LỘC 

Chạy đua hợp thức hóa sai phạm

Theo lời khai của ông Nguyễn Hồ Chu Toàn, sau khi anh Kiều bị đánh chết, Lê Đức Hoàn cùng một đội trưởng đội điều tra của Công an TP Tuy Hòa chỉ đạo ông Toàn cùng Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, cán bộ Công an TP Tuy Hòa, bị cáo trong vụ án này) khẩn cấp lên xã Hòa Đồng để hợp thức hóa việc bắt giữ anh Kiều. “Lúc 21g ngày 13-5-2012, khi tôi đang ở BV Đa khoa Phú Yên thì Quang gọi điện bảo tôi về cơ quan gấp. Anh Lê Đức Hoàn và anh Tụ (đội trưởng một đội điều tra-PV) chỉ đạo tôi và Quang lên Công an huyện Tây Hòa cố gắng làm lại giấy triệu tập Kiều” (trích lời khai của nhân chứng Toàn).

Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cho rằng cây gậy cao su để trên bàn khi lấy lời khai nạn nhân đã bị thất lạc. Ảnh: TẤN LỘC 

LS Nguyễn Văn Thắng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành- nguyên trinh sát Công an TP Tuy Hòa) nhắc lại lời khai của nhân chứng Võ Công Phi (cán bộ Công an TP Tuy Hòa) với Công an tỉnh Phú Yên trước đây là trong ngày 13-5-2012 ông Phi có đến xã Hòa Đồng gửi cho vợ anh Kiều một giấy triệu tập. Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Phi không thừa nhận những gì đã khai trước khi Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao vào làm việc.

Không phải vật chứng thực sự của vụ án?

Theo đề nghị của luật sư Võ An Đôn (bảo vệ cho vợ của bị hại), HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành ra tòa để xác định vật chứng là hai chiếc còng số 8, cây gậy cao su do cơ quan điều tra thu giữ, được chủ tọa phiên đưa ra. Bị cáo Thành khẳng định dứt khoát đây không phải là cây gậy cao su để trên bàn trong phòng lấy lời khai Ngô Thanh Kiều. "Cây gậy vật chứng đó không phải là cây gậy tôi cầm trong phòng lấy lời khai anh Kiều. Khi Cơ quan Điều tra của VKSND Tối cao vào điều tra, cây gậy cao su đó đã bị thất lạc. Cây gậy cao su làm vật chứng còn rất mới, chắc chắn là lấy cây khác thay thế vào"- bị cáo nói. Riêng hai chiếc còng số 8 là vật chứng, Thành cho rằng không thể xác định đó có phải là chiếc còng đã còng tay Kiều hay không vì các còng số 8 đều giống nhau.

Chủ tọa phiên tòa đưa ra tang vật là chiếc còng số 8 và chiếc gậy cao su khi bắt giữ nạn nhân. Ảnh: TẤN LỘC 

Ngoài ra, lần đầu tiên, bị cáo Thành cũng khai trước tòa một thông tin mới là có ba cán bộ Công an TP Tuy Hòa có sắm roi điện cho cá nhân là ông Võ Công Phi, hai bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy), Đỗ Như Huy (nguyên trung úy). Thông tin này được đưa ra nhằm làm rõ nghi vấn của gia đình bị hại là trên thi thể nạn nhân có nhiều vết thương nghi bị cháy do roi điện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới