Ngày 29-12, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba).
HĐXX cho biết với vai trò là chủ mưu, số tiền bị cáo Luyện chiếm đoạt của các bị hại đặc biệt lớn, không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác mà còn phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của Nhà nước nên cần có mức hình phạt nghiêm khắc nhất. Do đó, tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng về tội này, các bị cáo khác nhận mức án 10-20 năm tù.
Chiếm đoạt hơn 2.446 tỉ đồng của 4.548 bị hại
HĐXX nhận định Nguyễn Thái Luyện với chức vụ chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba là người chủ mưu, cầm đầu, giữ vai trò điều hành xuyên suốt, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Công ty Alibaba và 22 pháp nhân thành viên. Hệ thống Alibaba đã lập ra 58 dự án không có thật, chiếm đoạt hơn 2.446 tỉ đồng của 4.548 bị hại.
Người chỉ đạo đập xe đoàn cưỡng chế bị phạt thêm 12 năm tù
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nhân viên pháp lý Công ty Alibaba, người từng kêu gọi công nhân đập phá xe của đoàn cưỡng chế) bị tuyên phạt 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp với bốn năm sáu tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản (do TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên ngày 27-11-2019), tổng cộng bị cáo này phải chấp hành mức án 16 năm sáu tháng tù.
Cụ thể, để khuếch trương vị thế, tạo vỏ bọc là một công ty có quy mô lớn, điều kiện tài chính dồi dào, Luyện đã tăng vốn điều lệ Alibaba từ 1 tỉ đồng lên 1.600 tỉ đồng. Sau khi kiện toàn bộ máy công ty, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo cho người thân hoặc nhân viên thân tín đứng ra nhận chuyển nhượng số lượng lớn đất nông nghiệp, sau đó các cá nhân này ủy quyền cho các công ty thành viên lập ra các dự án không có thật rồi bán và trực tiếp thu tiền của khách hàng.
Ngoài ra, theo quy định tại Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định 43/2014 thì khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện như: Phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hằng năm; chủ đầu tư phải hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng (đường, điện, cấp thoát nước…) theo kế hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt…
Tuy nhiên, đối chiếu với các tài liệu trong hồ sơ vụ án và lời khai nhận của Nguyễn Thái Luyện tại phiên tòa, xác định bị cáo không có bất kỳ văn bản nào xin phép chủ trương đầu tư đối với tất cả 58 dự án. Đất thực hiện tại các dự án vẫn là đất nông nghiệp, chưa được chuyển mục đích sang đất ở. Ngoài ra, Công ty Alibaba cũng chưa thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng mà chỉ dừng ở việc chặt cây, san lấp mặt bằng, gắn biển quảng cáo, phân lô, bán nền dự án và tự vẽ bản vẽ chi tiết 1/500.
Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm tại tòa ngày 29-12. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh bị phạt thêm 12 năm tù. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Do đó, VKS xác định toàn bộ 58 dự án không có thật là hoàn toàn có căn cứ.
Ngoài ra, từ năm 2018 đến năm 2019, cơ quan chức năng đã có tám văn bản xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực đất đai. UBND các địa phương cũng liên tục cắm các biển cảnh báo tại các khu đất với nội dung không có dự án, đề nghị bà con cảnh giác… Thậm chí nhiều bị cáo còn chứng kiến và biết được sự kiện ngày 13-6-2019, các nhân viên của Công ty Alibaba chống đối đoàn cưỡng chế tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo HĐXX, dù biết rõ các dự án chưa được cấp phép nhưng các bị cáo khác là nhân viên của Nguyễn Thái Luyện vẫn bất chấp thực hiện theo chỉ đạo. Thực hiện quảng cáo, rao bán đất nền dự án nên VKS truy tố các bị cáo có hành vi giúp sức cho Nguyễn Thái Luyện là có căn cứ.
HĐXX cũng nhận định hành vi khách quan và khách thể của tội phạm mà các bị cáo hướng tới đều không phải là yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về sử dụng đất đai, nên không chấp nhận đề nghị đổi tội danh.
Vợ Nguyễn Thái Luyện lãnh 30 năm tù
HĐXX cũng xác định trong quá trình xét xử, số lượng bị hại quá đông, có sai sót về mặt con số nhưng không làm thay đổi tội danh và điều khoản truy tố. Đồng thời, số lượng bị hại và số tiền chiếm đoạt không vượt quá giới hạn truy tố ban đầu nên không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của luật sư.
Về tội rửa tiền, HĐXX nhận định với các vị trí mà mình đang đảm nhiệm, các bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) và Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty Alibaba) có đủ nhận thức và biết rõ toàn bộ nguồn tiền thu về của Công ty Alibaba là từ các dự án không có thật bán cho các khách hàng.
Ngoài ra, trong quá trình khám xét trụ sở công ty, bị cáo Mai và Thắng cũng chứng kiến việc này. Bị cáo Lực tuy không chứng kiến nhưng đã được bị cáo Mai gọi điện thoại yêu cầu tới trụ sở Công ty Alibaba mở két sắt để công an thu giữ tài sản. Như vậy, các bị cáo biết rõ số tiền 13 tỉ đồng có nguồn gốc từ việc phạm tội mà có và đây là nguồn tiền bất hợp pháp.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai là người giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu chi của Công ty Alibaba và các công ty trong hệ thống. Ngoài ra, Mai còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty Law Firm (công ty thành viên) và là chủ đầu tư của 28 dự án, tạo điều kiện cho bị cáo Luyện chiếm đoạt hơn 475 tỉ đồng của 1.172 bị hại.
Ngoài ra, sau khi vụ án bị khởi tố, bị cáo Mai còn chỉ đạo Nguyễn Thái Lực rút 13 tỉ đồng tiền mặt từ ngân hàng để sử dụng, đến nay vẫn chưa thu hồi được.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt Võ Thị Thanh Mai 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù về tội rửa tiền. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Cũng trong vụ án này, bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng là người duy nhất được HĐXX tuyên phạt ba năm tù về tội rửa tiền nhưng cho hưởng án treo vì là người giữ vai trò đồng phạm thứ yếu. Ngoài ra, bị cáo Thắng còn có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bản thân đang mắc bệnh hiểm nghèo nên không cần thiết bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù.•
Vợ chồng Nguyễn Thái Luyện liên đới bồi thường hơn 2.446 tỉ đồng
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên bị cáo Mai và Luyện có trách nhiệm bồi thường hơn 2.446 tỉ đồng cho 4.548 bị hại. Đối với 20 thỏi kim loại màu vàng đã được cơ quan giám định xác định không phải vàng, đề nghị trả lại cho bị cáo Luyện.
Đối với các thửa đất đang kê biên, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang bị thu giữ và các tài sản khác như tiền mặt, xe… thì tiếp tục kê biên, thu giữ để đảm bảo thi hành án.
Đối với các bị cáo trong vụ án cũng mua đất tại các dự án của Công ty Alibaba nhưng không được xác định là bị hại và các khách hàng khác chưa được xác định là bị hại thì có quyền khởi kiện bằng một vụ án dân sự.