Vụ án ông Nguyễn Hữu Tín: UBND TP.HCM chỉ đạo khẩn

Theo một nguồn tin, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã nhận được chỉ đạo khẩn của UBND TP.HCM liên quan đến những kiến nghị của luật sư về vụ án ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên phó chủ tịch UBND TP HCM), ông Đào Anh Kiệt (nguyên giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) và nhiều bị can khác. Những người này bị khởi tố cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (theo khoản 3 Điều 219 BLHS).

Cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định giao đất vàng số 15 Thi Sách cho Vũ “nhôm”. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cụ thể, các luật sư gửi bốn văn bản đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu và giải mật tài liệu liên quan đến vụ án hình sự mà ông Nguyễn Hữu Tín, ông Đào Anh Kiệt cùng nhiều bị can khác trong vụ án nêu trên. 

Sau khi xem xét các kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đã chỉ đạo Sở Tư pháp TP.HCM chủ trì, phối hợp với Công an TP.HCM nghiên cứu các đề nghị của luật sư, thống nhất tham mưu cho UBND TP.HCM xem xét các đề nghị này theo đúng pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

Trước đó, TAND TP.HCM đã tiếp nhận hồ sơ truy tố từ VKS chuyển qua, tòa đang thụ lý xem xét và chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử.

Quá trình tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra đến nay, các luật sư cho rằng nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên kiến nghị tòa án trả hồ sơ. Trong đó, luật sư nhấn mạnh về kết luận giám định tư pháp sử dụng trong hồ sơ là chưa làm rõ và không đúng sự thật khách quan dẫn đến nội dung của cáo trạng truy tố các bị cáo chưa chính xác, thiếu căn cứ.

Có luật sư đề nghị tòa xem xét tính pháp lý của các tài liệu, văn bản mật trong vụ án để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải mật nhằm phục vụ cho quá trình xét xử. Theo luật sư, tất cả tài liệu, văn bản có trong hồ sơ của vụ án, bao gồm cả các tài liệu mang dấu “mật”, buộc phải được công khai tại phiên tòa để làm rõ sự thật khách quan của vụ án nhằm làm căn cứ cho HĐXX nhận định và tuyên án.

Luật sư viện dẫn theo Điều 25 BLTTHS 2015 thì “tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Như vậy, khi phiên tòa được xét xử công khai, nhiều người tham dự phiên tòa thì các tài liệu, văn bản mật sẽ bị tiết lộ. Ngoài ra, việc xét xử công khai là hành vi tự động giải mật đối với các tài liệu, văn bản mật có trong vụ án. Trong trường hợp này, người bào chữa có thể sử dụng công khai các tài liệu có trong vụ án mà không vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Còn đối với trường hợp tòa án xét xử kín và tuyên án công khai, người bào chữa phải thực hiện hai quyền và nghĩa vụ mà pháp luật hình sự quy định. Cụ thể là không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (điểm e khoản 2 Điều 73 BLTTHS 2015).

Đồng thời, người bào chữa có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo (Điều 26 và điểm a khoản 2 Điều 73 BLTTHS 2015).

Như vậy, người bào chữa có nghĩa vụ đồng thời có quyền được đưa ra các chứng cứ, được sử dụng các tài liệu có trong hồ sơ (kể cả các tài liệu mật) để làm rõ sự thật khách quan của vụ án nhưng tuyệt đối không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước…

Từ đó luật sư đề nghị cơ quan xét xử có hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong việc sử dụng các tài liệu, văn bản mật (chưa được giải mật) đối với người bào chữa trong quá trình xét xử vụ án, để người bào chữa có các hành vi tố tụng hợp pháp tương ứng đối với cả hai hình thức xét xử công khai và xét xử kín. Cụ thể, về hình thức, cách thức, phạm vi sử dụng… (như công khai nêu tên văn bản, trích dẫn văn bản tại tòa…).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm