Vụ án rắn hổ trâu hay hổ chúa

(PLO)- Bị buộc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm do mua rắn hổ chúa, người phụ nữ cho rằng mình chỉ mua rắn hổ trâu.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo VKSND huyện Cư Jút (Đắk Nông) xác nhận viện vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Lê Thị Xuân (59 tuổi, ngụ thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút) về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm theo điểm a khoản 1 Điều 244 BLHS.

Bị truy tố vì mua động vật quý hiếm

Cáo trạng xác định sáng sớm 25-5-2021, một người đàn ông không rõ lai lịch gọi điện thoại hỏi bà Xuân có mua rắn hổ trâu không. Bà Xuân hỏi lại rắn to không, có giấy tờ không thì người đàn ông này trả lời rắn nặng 2 kg, có giấy tờ.

Bị can Lê Thị Xuân cho rằng mình chỉ mua rắn hổ trâu, không phải rắn hổ chúa. Ảnh: HT

Bà Xuân đồng ý mua, cả hai thỏa thuận gặp nhau tại một cửa hàng cám gạo trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Ea Tling. Sau đó, bà Xuân chạy xe máy đến cửa hàng cám gạo hỏi mua cám nhưng không có nên bà này đi ra. Khi ra đến cửa, bà Xuân thấy người đàn ông mang rắn đến bán. Người đàn ông đưa cho bà Xuân một bao tải, bên trong có một con rắn.

Sau khi thỏa thuận, bà Xuân mua con rắn nặng 2 kg với giá 430.000 đồng. Bà Xuân đưa cho người bán tờ 500.000 đồng, yêu cầu trả lại 70.000 đồng tiền thừa. Người đàn ông hỏi bà có mua luôn hai con kỳ đà không thì bà từ chối.

Lúc này, người đàn ông không trả lại tiền thừa cho bà Xuân mà bỏ cả bao đựng hai con kỳ đà lại rồi bỏ đi. Sau khi người bán bỏ chạy, bà Xuân bỏ hai bao đựng rắn, kỳ đà lên xe máy rồi chạy về hướng tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, bà Xuân vừa chạy thì bị công an bắt giữ.

Kết quả giám định cho thấy con rắn mà bà Xuân mua là rắn hổ chúa, cùng hai con kỳ đà vân đều thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm.

Theo VKSND huyện Cư Jút, quá trình điều tra, bị can Lê Thị Xuân nhiều lần thay đổi lời khai, khai báo quanh co, không đúng sự thật, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, giải quyết vụ án.

Trong giai đoạn truy tố, bị can không thừa nhận các chữ ký, viết trong biên bản giám định tại chỗ mẫu động vật ngày 26-5-2021 do Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật lập tại Công an huyện Cư Jút, biên bản làm việc không xác định giá trị tang vật ngày 26-5-2021. Bà Xuân cho rằng các hình ảnh chụp bị can với các cá thể động vật có trong hồ sơ vụ án là hình ảnh cắt ghép, không đúng sự thật…

Kêu oan vì cho rằng chỉ mua rắn hổ trâu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bị can Xuân cho rằng mình bị oan. Bà cho biết thời gian qua bà đã gửi nhiều đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan đề nghị can thiệp, làm rõ sự việc.

Theo bà Xuân, khi bắt giữ bà, Công an tỉnh Đắk Nông không lập biên bản, không niêm phong vật chứng tại hiện trường theo quy định.

“Từ lúc người đàn ông gọi cho tôi đến lúc tôi trả tiền mua rắn, hai bên đều xác định đây là rắn hổ trâu. Giá 400.000 đồng một con thì chỉ có rắn hổ trâu chứ rắn hổ chúa phải đến mấy triệu” - bà Xuân nói.

Theo bà Xuân, bà đã cung cấp số điện thoại của người bán rắn, đề nghị cơ quan điều tra làm rõ người này là ai, đồng thời đối chất với bà nhưng đến nay cơ quan điều tra chưa làm rõ.

“Tôi muốn đối chất để làm rõ tôi mua rắn hổ trâu hay hổ chúa. Còn đối với hai con kỳ đà, tôi không mua. Khi thấy người bán rắn bỏ chạy, tôi đuổi theo để lấy lại tiền thừa và trả lại bao đựng kỳ đà. Truy tố tôi như thế là oan ức” - bà Xuân nói.

Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cần làm rõ nhiều vấn đề trong vụ án này để đảm bảo tính khách quan. Trong đó, cần làm rõ người bán rắn cho bà Xuân là ai, đang ở đâu để đối chất với bà, từ đó làm rõ thêm sự việc.

Quá trình điều tra, truy tố đều đảm bảo khách quan

Liên quan vụ việc này, một lãnh đạo VKSND huyện Cư Jút cho biết: “Từ lúc bắt giữ đến quá trình điều tra, truy tố đều đảm bảo khách quan. Còn việc kêu oan là quyền của công dân khi họ thấy chưa thỏa mãn, chính xác. Các chứng cứ, tài liệu thu thập trong hồ sơ đảm bảo khách quan, đúng theo quy định của pháp luật”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới