Vụ bà bán bún có 1.000 tỉ đồng: Trả két sắt, ngân hàng bị kiện

Đó là thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được trong vụ bà P. (quận Tân Phú, TP.HCM) chết đột ngột để lại khối tài sản to lớn trị giá khoảng 1.000 tỉ đồng. Ông Ph. (em bà P.), đại diện cho các anh em ở nước ngoài, đã gửi đơn khởi kiện đòi Sacombank tiếp tục cho thuê ba ngăn tủ sắt ở ngân hàng để chứa khối tài sản của bà P., đồng thời không được tự ý mở ngăn tủ sắt và giao cho bên thứ ba khi không có sự đồng ý của ông hoặc quyết định mở của cơ quan có thẩm quyền. TAND quận 3 đã nhận đơn kiện của ông Ph.

Bên muốn gửi, bên muốn rút

Như Pháp Luật TP.HCMđã thông tin, bà P. chết vào tháng 3-2011. Bà không có chồng, chỉ có người con gái nuôi hợp pháp là chị L. (sinh năm 1987). Do bà không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình nên giữa các anh chị em của bà P. và chị L. đã xảy ra tranh chấp.

Theo kết quả kiểm kê, bà P. để lại 100 lượng vàng, số lượng lớn tiền mặt VNĐ và 1 triệu USD, nhiều kim cương, 23 cuốn sổ tài khoản (trong đó có nhiều sổ ghi số tiền hàng chục tỉ đồng). Bà còn đứng tên chủ quyền nhiều nhà xưởng, đất đai ở quận Tân Phú (TP.HCM), tỉnh Bình Dương, Tây Ninh... Các anh em bà P. không đồng ý cho chị L. hưởng trọn khối tài này, viện lẽ mình cũng có công sức tạo lập tài sản.

Vụ bà bán bún có 1.000 tỉ đồng: Trả két sắt, ngân hàng bị kiện ảnh 1

Vụ bà bán bún có 1.000 tỉ đồng: Trả két sắt, ngân hàng bị kiện ảnh 2

Các vi bằng và hồ sơ thể hiện khối di sản của bà P. Ảnh: PL

Trong khi chờ giải quyết tranh chấp, ông Ph. và chị L. cùng ký hợp đồng thuê ba ngăn tủ sắt ở Sacombank để chứa toàn bộ tài sản. Thời hạn thuê là 12 tháng (tính từ tháng 3-2011). Theo vi bằng do thừa phát lại lập tại nhà bà P. vào tháng 3-2011, chỉ khi nào có sự đồng ý của hai bên thì tài sản mới được rút ra. Hoặc khi có yêu cầu của tòa án hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hai bên phải cùng nhau rút ra giao cho các cơ quan này. Mọi nhu cầu sử dụng tài sản đều phải có sự đồng ý bằng văn bản của chị L. (hoặc người do chị L. ủy quyền) và ông Ph. Hoa lợi thu được từ di sản giao cho chị L. và ông Ph. cùng quản lý cho đến khi các bên hoàn tất thủ tục khai nhận di sản hoặc khiếu kiện.

Rắc rối phát sinh khi gần hết hạn thì chị L. muốn thanh lý hợp đồng và rút tài sản ra. Ngược lại, ông Ph. muốn gia hạn hợp đồng để chờ anh em ở Đức về mang theo chứng từ thể hiện công sức đóng góp của họ đối với khối tài sản.

Ngày 30-5, Sacombank và ông Ph, chị L. có cuộc họp bàn về việc thanh lý hợp đồng vì thời hạn thuê đã hết và ngân hàng không muốn cho thuê nữa. Tuy nhiên, các bên đã không thống nhất được cách xử lý.

Ngày 31-5, ngân hàng ra thông báo thanh lý hợp đồng với lý do: Thời hạn thuê đã hết và hai bên có ý kiến khác nhau về việc gia hạn hợp đồng. Vậy có phải là ngân hàng tự giao trả tài sản cho người muốn thanh lý hợp đồng là chị L.? Tiếc là đến nay Sacombank vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về việc này. Chính vì thế, ngày 2-6, ông Ph. đã gửi văn bản khiếu nại ngân hàng. Trong đơn, ông nêu các tài sản mà ông đồng đứng tên gửi giữ trong các két sắt đến nay không biết ai đang quản lý. Khi ông liên hệ bộ phận thuê két sắt thì được thông báo “không còn giữ và không có trách nhiệm”. Họ không giao cho ông văn bản nêu rõ nội dung giải quyết cụ thể mà chỉ nói rằng “chị L. có trách nhiệm trao đổi về việc xử lý tài sản với ông”. Từ sự tù mù này, ông Ph. đã nộp đơn khởi kiện ngân hàng ra tòa với hai nội dung nêu ở trên.

Người bảo ngân hàng đúng, người bảo sai

Theo một chuyên gia ngân hàng, các ngân hàng được quyền thanh lý hợp đồng cho thuê tủ sắt khi có một trong các điều kiện sau: Hết hạn hợp đồng, theo yêu cầu của bên thuê, khi bên thuê vi phạm một trong các thỏa thuận trong hợp đồng… Như vậy, khi bên thuê có mâu thuẫn thì ngân hàng được quyền lấy lại tủ để tiếp tục kinh doanh, cho thuê.

Ông Ngô Văn Sáu (Phó phòng Pháp chế và Xử lý nợ Ngân hàng Đại Tín) cho rằng: Khi hợp đồng thuê tủ sắt đã hết hạn và ngân hàng đã thực hiện việc thông báo cho khách hàng theo đúng trình tự thì ngân hàng có quyền thanh lý hợp đồng. Dù trong thông báo gửi bên thuê ngân hàng không nói rõ đã bàn giao tài sản hay chưa nhưng căn cứ vào ý “chị L. có trách nhiệm trao đổi về việc xử lý tài sản với ông Ph.” thì có thể hiểu ngân hàng đã bàn giao tài sản cho chị. Ông Ph. có quyền khởi kiện chị L. yêu cầu chia di sản, đòi tài sản hoặc chia phần vốn góp.

Luật sư Trịnh Công Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng đồng tình: Theo quy trình thì bên thuê mang tài sản tới ngân hàng, làm hợp đồng thuê xong thì ngân hàng giao két, khách hàng bỏ tài sản vào két, niêm phong lại và bỏ vào ngăn tủ sắt. Ngân hàng không có nghĩa vụ biết tài sản trong tủ có gì và cũng không phải trả lời đã xử lý tài sản thế nào.

Tuy nhiên, Thẩm phán Hoàng Văn Trung (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) lại cho rằng “việc làm đã nêu của ngân hàng đã vi phạm quyền quản lý tài sản của ông Ph.”. Cụ thể, theo Thẩm phán Trung, trong trường hợp không thỏa thuận được việc gia hạn hay thanh lý hợp đồng thì ngân hàng nên tiếp tục gia hạn hợp đồng. Sau đó, ngân hàng có thể khởi kiện người không đồng ý thanh lý (ông Ph.) để tòa án quyết định việc chấm dứt hợp đồng.

Luật sư Huỳnh Tiến Sỹ (Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý: “Các bên phải căn cứ vào các quy định trong hợp đồng để giải quyết. Về nguyên tắc, hai người cùng ký hợp đồng thuê thì cả hai phải cùng ký hợp đồng thanh lý, cùng nhận tài sản và trả ngăn tủ cho ngân hàng. Nếu chỉ có một người thì ngân hàng không được bàn giao tài sản. Ông Ph. cần giữ lại bảng liệt kê danh mục tài sản để làm cơ sở khởi kiện trách nhiệm của ngân hàng nếu tài sản có thất thoát”.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm