Ngày 18-1, phiên sơ thẩm xét xử vụ án chạy thận khiến chín người tử vong tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ năm. Đại diện VKS tập trung làm rõ vị trí, vai trò của bị cáo Hoàng Công Lương tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Ký để chia sẻ và chia sẻ nhưng không ký
Theo cáo trạng, Lương biết rõ ngày 28-5-2017 đơn nguyên thận nhân tạo sẽ sửa chữa hệ thống RO số 2. Ngày xảy ra sự cố (29-5-2017), Lương là bác sĩ (BS) duy nhất trong ba BS tại đơn nguyên (gồm Lương, BS Nguyễn Mạnh Linh và BS Phạm Thị Huyền) có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận.
Cáo trạng cho rằng việc Lương ra y lệnh cũng như ký xác nhận vào y lệnh của hai BS còn lại có hiệu lực quyết định đối với ca chạy lọc máu cho 18 bệnh nhân. Do vậy, Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị tại thời điểm trên.
Để làm rõ cáo buộc trên, đại diện VKS đưa ra các câu hỏi đối với ông Hoàng Công Tình, trưởng khoa Hồi sức tích cực BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trước tòa, ông Tình cho biết Lương được phân công nhiệm vụ điều trị tại đơn nguyên thận nhân tạo. Giữa Lương và hai BS còn lại trong đơn nguyên đều có quyền ra y lệnh như nhau. Tuy nhiên, trong số này chỉ duy nhất Lương có chứng chỉ về kỹ thuật lọc máu.
Kiểm sát viên tiếp tục đặt vấn đề nếu như cả ba BS đều có quyền ra y lệnh như nhau thì tại sao Lương lại phải ký vào y lệnh của hai BS kia, ngược lại hai BS kia có ký vào y lệnh của Lương hay không? Ông Tình nói vì Lương có tuổi đời và tuổi nghề cao hơn nên thường được hỏi để chia sẻ kinh nghiệm, việc ký vào y lệnh như trên chỉ là một cách để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn.
Còn nhớ tại phiên sơ thẩm hồi tháng 5-2017, việc Lương ký xác nhận vào y lệnh của đồng nghiệp cũng từng gây nóng hội trường xét xử. Chủ tọa cho biết trong bệnh án của một số bệnh nhân do hai BS Hằng và Linh phụ trách có chữ ký của Lương nhưng trong bệnh án các bệnh nhân mà Lương phụ trách thì không có chữ ký của ai khác.
Được trực tiếp xem qua các bệnh án, Lương xác nhận đúng là chữ ký của mình. Bị cáo cho hay việc ký như vậy là để chia sẻ chuyên môn và trách nhiệm với đồng nghiệp, nếu có sai sót gì thì sẽ cùng chịu.
Tuy nhiên, khi bị chủ tọa “vặn” tại sao ở các bệnh án do hai BS phụ trách lại không có chữ ký của Lương để chia sẻ, bị cáo ngập ngừng một khoảnh khắc và nói “không biết”.
Bị cáo Hoàng Công Lương. Ảnh: TP
Thử đối chiếu quy trình chạy thận ở BV Bạch Mai
Đáng chú ý, trong buổi chiều 18-1, HĐXX đã mời một số chuyên gia của BV Bạch Mai tới tòa gồm: GS Nguyễn Gia Bình (Chủ tịch Hội Hồi sức chống độc Việt Nam), GS Phạm Minh Thông (Phó Giám đốc BV Bạch Mai), PGS-TS Đỗ Vũ Gia Tuyển (Trưởng khoa Thận tiết niệu BV Bạch Mai) và TS Nguyễn Hữu Dũng (Trưởng khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai).
Tại tòa, các chuyên gia này cho rằng chưa có tài liệu nào hướng dẫn đưa hóa chất HF vào người, tại BV Bạch Mai không được sử dụng HF như BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
GS Nguyễn Gia Bình khẳng định sau khi xảy ra sự cố, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xử lý theo đúng phác đồ mà Bộ Y tế ban hành và đã làm đúng quy trình.
PGS-TS Đỗ Vũ Gia Tuyển cho biết việc khử khuẩn đường ống ở BV Bạch Mai là do khoa Thận nhân tạo theo sự phân công của BV. Về kỹ thuật lọc, kiểm tra nước, ở nước ngoài có kỹ sư chuyên về lâm sàng, BS và điều dưỡng không liên quan. Ở Việt Nam hiện chưa có chức danh kỹ sư lâm sàng, tùy từng BV có sự phân công khác nhau.
Ông Tuyển cho hay khoa Thận tiết niệu chỉ vận hành, còn việc bảo hành, bảo trì sẽ do nhân viên của phòng vật tư cùng với nhân viên khoa Thận nhân tạo làm. Về nguyên tắc, phòng vật tư khi đã bàn giao thì phải đảm bảo chất lượng hệ thống.
Về phía mình, TS Nguyễn Hữu Dũng nói rằng khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai có bố trí kỹ thuật viên và điều dưỡng chuyên phụ trách về nước RO. Người này có thể là điều dưỡng, có thể là kỹ thuật viên nhưng được trưởng khoa phân công và nhất định phải có hiểu biết về đường nước.
Trả lời câu hỏi sau khi sửa chữa thì làm thế nào xác định chất lượng nguồn nước để chạy thận, ông Dũng cho biết điều này tùy ở BV, còn tại Bạch Mai chỉ cần có biên bản bàn giao là sẽ tiến hành.
VKS cũng đặt tình huống rằng với trường hợp BS là người đề xuất sửa chữa, biết nguồn nước bị can thiệp thì trước khi ra y lệnh có phải kiểm tra, xác minh lại nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh hay không. Ông Dũng cho hay BV mặc định người cung cấp nước RO phải đảm bảo.
Hôm nay, 19-1, phiên xử tiếp tục.
Ký khống biên bản sau khi có người chết Cáo trạng của VKS cáo buộc Hoàng Công Lương khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng vật tư thiết bị y tế) thông báo rằng hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong, dù chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước và thực tế chưa có việc bàn giao hệ thống RO số 2 nhưng Lương đã chủ quan ra y lệnh và ký xác nhận y lệnh điều trị của hai BS khác. Điều này dẫn tới việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến các bệnh nhân chạy lọc thận tử vong. Cáo trạng còn cho biết sau khi sự cố xảy ra, Trần Văn Sơn mới lập biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa ghi hồi 18 giờ 35 phút ngày 28-5-2017, ghi đại diện Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn do Bùi Mạnh Quốc ký và phòng vật tư thiết bị y tế do Trần Văn Sơn ký. Đồng thời, Sơn cũng lập biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa giữa phòng vật tư thiết bị y tế do Sơn ký đưa cho điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng và điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng đưa cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp ký nhận. Tại tòa, Trần Văn Sơn thừa nhận việc ký khống văn bản như trên. TUYẾN PHAN |