Ngày 15-10, liên quan vụ cháu bé bị mẹ ruột nhiều lần đánh đập gây thương tích ở TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, người nhà cho biết chiều 14-10, cháu T đã được đưa vào BV Sản - Nhi tỉnh Hậu Giang để các bác sĩ chăm sóc sức khỏe.
Đến sáng nay, cháu T đã đi lại được, tuy nhiên, cháu vẫn còn khá yếu, nhút nhát và còn sợ gặp người lạ.
Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn
Ông BTT (ngụ ở xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), chia sẻ: “Hoàn cảnh cháu T rất khó khăn. Cháu nhập viện nhưng gia đình không có đủ tiền đóng viện phí. Sáng nay, có mạnh thường quân tìm đến thăm, tặng bánh, sữa, mì gói... Mong là sẽ có nhiều mạnh thường quân hỗ trợ để cháu có thể vượt qua khó khăn này”.
Ở diễn biến khác có liên quan, sau khi vụ việc cháu bé bị mẹ ruột nhiều lần đánh đập được các phát hiện, đại diện các cơ quan tố tụng của TP Vị Thanh cũng đã làm việc với bà K (mẹ ruột cháu T).
Làm việc với lực lượng làm nhiệm vụ, bà K kể trước có làm đám cưới với một người đàn ông nhưng không đăng ký kết hôn. Khi bà mang thai cháu T, người này đã bỏ đi và đến nay không liên lạc được. Từ đó, gánh nặng gia đình phụ thuộc vào thu nhập bấp bênh của bà.
Cũng theo lời bà K, trước đây, cháu T sống với ông bà ngoại, nhưng rồi đến năm cháu 3 tuổi thì ông bà mất nên cháu trở về sống với bà K.
Khoảng nửa năm trước, do hoàn cảnh khó khăn, nên bà chuyển từ quê ở huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) đến TP Vị Thanh sinh sống, kiếm việc làm thuê. Tại đây, bà K sống cùng nhà trọ với một người chị ruột bị khuyết tật và hai con nhỏ trong đó có cháu T.
Nói về nguyên nhân đánh đập cháu T, bà K kể thời gian qua, bản thân bà không có việc làm. Thêm vào đó, cháu T hay bỏ ăn, không chơi đùa, chỉ ngồi một góc ở trong phòng, thức đến khuya mới ngủ. Do bực tức nên bà nhiều lần dùng tay, cây, nón bảo hiểm... đánh vào người cháu T gây thương tích.
Liên quan vụ việc này, lãnh đạo phòng Bảo trợ xã hội - trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang), cho hay trước mắt sở sẽ đề nghị UBND xã Vị Tân tiến hành các trình tự, thủ tục theo Nghị định số 56/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Theo đó, khẩn trương tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe của cháu T, qua đó, xem xét cần thiết có phải tách cháu T và người bạo hành ra trong thời gian này hay không?
Cạnh đó, sở cũng sẽ đề nghị các đoàn thể ở địa phương phối hợp chăm sóc, đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho cháu T cho đến khi cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng.
Đừng trút hết tội lỗi lên đầu trẻ thơ
Chuyện cha mẹ trong phút nóng giận, bốc đồng ra tay đánh con không phải là chuyện mới. Tựu trung lại, cho dù vì lý do gì mà người lớn cũng không thể ra tay đánh trẻ nhỏ, bởi lẽ điều này sẽ để lại ấn tượng, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ.
Pháp luật nước ta có nhiều văn bản luật và văn bản dưới luật quy định xử lý rất nghiêm vấn đề này.
Cụ thể, theo Điều 52 Nghị định 144/2021 của Chính phủ, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình; bị phạt từ 10-20 triệu đồng nếu sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình.
Còn theo Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2025 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Quy chiếu các quy định từ xử phạt hành chính đến phạt tù vào trường hợp bà Nguyễn Thị K nhiều lần đánh đập con ruột ở TP Vị Thanh (tỉnh Hậu giang), cho thấy bà K có thể sẽ bị phạt tiền và nặng hơn sẽ bị phạt tù. Tuy nhiên, qua hoàn cảnh của bà K cho thấy cả hai hình thức trên đều đẩy hoàn cảnh gia đình bà vào thế rất khó.
Nếu phạt tiền, thì hiện bà K thất nghiệp, do đó, vấn đề đặt ra là “lấy tiền đâu đóng phạt cho cơ quan chức năng?”. Còn nếu phạt tù thì hai đứa con nhỏ của bà K ai sẽ là người nuôi dưỡng trong thời gian bà chấp hành án?
Đây sẽ là bài toán khó cho chính quyền địa phương ở tỉnh Hậu Giang. Bởi nếu làm nghiêm theo quy định pháp luật thì sẽ vô hình chung đẩy một gia đình rơi vào bi kịch. Còn nếu thi hành pháp luật không nghiêm sẽ không đủ sức răn đe các trường hợp khác tương tự.
Qua thông tin từ vụ việc cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến hành vi sai trái của bà K chính là tâm lý không ổn định. Đang lúc không có tiền trang trải cuộc sống, rồi nhìn lại con mình thì thấy điều bất thường. Tình huống này, với những bậc cha mẹ khác có lẽ họ sẽ đưa ra phương án khác để xử lý.
Nhưng, với bà K, một người ít học, trước khó khăn của cuộc sống đã hành xử theo kiểu “giận cá chém thớt”. Chính bản thân bà cũng không nắm hết các quy định của pháp luật và không lường được hậu quả do hành vi bộc phát của mình.
Vụ việc một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh, là bài học sâu sắc cho các bậc cha mẹ: “Hãy bình tĩnh để xử lý chuyện khó khăn trong cuộc sống và hơn hết đừng trút hết tội lỗi lên đầu trẻ thơ”.