Hôm nay (28-1), TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ anh Trần Văn Hiền bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT trên đường Lê Trọng Tấn, phường Tân Kỳ, quận Tân Phú (TP.HCM) xảy ra hồi tháng 4-2013.
10 giờ 10
Thay mặt HĐXX, thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt tuyên đọc bản án. Theo đó, bản án sơ thẩm và biên bản nghị án sơ thẩm có thành phần người tiến hành tố tụng không trùng khớp. Đây là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Kết luận về việc nạn nhân lúc té ngã có đội mũ bào hiểm hay không của bản án sơ thẩm cũng không trùng khớp với biên bản thực nghiệm hiện trường và các chứng cứ khác. Do đây là những tình tiết quan trọng mà cấp phúc thẩm không khắc phục được nên HĐXX phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm để giao VKS cấp sơ thẩm điều tra lại theo thủ tục chung.
Bị cáo Tòng (ngồi ngoài) và Bằng tại phiên tòa sáng nay
Hai bị cáo trong vụ này là Lê Thanh Bằng và Võ Văn Tòng. Ở phiên xử sơ thẩm, TAND quận Tân Phú đã tuyên phạt Bằng 12 năm tù, Tòng bốn năm tù, cùng về tội cố ý gây thương tích.
Theo cáo trạng, khoảng 9 giờ tối 9-4-2013, anh Hiền chạy xe trên đường Lê Trọng Tấn (trước bãi xe Thanh Bằng, 512 Lê Trọng Tấn, của bị cáo Bằng) thì bị tổ CSGT Công an quận Tân Phú chặn lại kiểm tra nồng độ cồn. CSGT lập biên bản tạm giữ xe do hơi thở của anh Hiền có nồng độ cồn vượt quá quy định.
Anh Hiền đưa tiền xin được bỏ qua nhưng CSGT từ chối. Đôi bên xảy ra cự cãi rồi anh Hiền đón xe ôm về nhà. Chạy được khoảng 500m thì Bằng và Tòng đuổi theo, uy hiếp bắt người lái xe ôm dừng lại rồi đánh anh Hiền ngã xuống đường. Anh Hiền tử vong sau đó.
Theo kết quả giám định, anh Hiền tử vong do chấn thương sọ não. Khi biết tin, hai bị cáo Bằng và Tòng đã ra công an đầu thú.
Vụ việc vẫn còn nhiều điểm nghi vấn như tại thời điểm xảy ra sự việc có dày đặc các cuộc gọi và tin nhắn đến số điện thoại của hai bị cáonhưng không xác định danh tính các chủ thuê bao. Đồng thời, nội dung tin nhắn và hội thoại vào điện thoại hai bị cáo nhà mạng đã không còn lưu trữ. Điều cần làm rõ là nội dung các cuộc trao đổi này và có hay không mối quan hệ giữa CSGT và hai bị cáo Bằng, Tòng.
Bằng và Tòng tại phiên xử sơ thẩm
Các bị cáo được đưa vào phòng xử
8 giờ 50
HĐXX vào làm việc. Thay mặt HĐXX, thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt (chủ tọa phiên tòa) tuyên đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử và phổ biến quyền, nghĩa vụ cho bị cáo, người bị hại và những người tham gia phiên tòa khác.
9 giờ 00
Chủ tọa tuyên bố kết thúc phần thủ tục, chuyển sang phần xét hỏi và tóm tắt nội dung bản án sơ thẩm.
Gia đình người bị hại kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vì có căn cứ cho rằng bỏ lọt tội phạm.
Trong khi đó, bị cáo Bằng cho biết mình kháng xáo xin giảm nhẹ hình phạt và số tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Bị cáo Bằng cho biết, do bực tức chuyện gia đình cộng với việc thấy anh Hiền cự cãi với tổ CSGT nên Bằng mới rủ Tòng đánh anh Hiền. Khi chuẩn bị đi ra thì anh Hiền kêu xe ôm bỏ đi. Thấy vậy, bị cáo Bằng mới cùng Tòng lấy xe máy rượt theo. Khi chặn được đầu xe, bị cáo đánh tổng cộng ba cái vào mặt anh Hiền. Anh Hiền có nói "đại ca tha cho em". Bị cáo Bằng nói: "sao hồi nãy mày cự cãi nhiều lắm mà".
9 giờ 30
Tòa: Anh Hiền lúc ngã xuống có đội mũ không?
Bị cáo Bằng: Dạ không
Tòa: Vậy lời khai của bị cáo là mâu thuẫn vì ở cấp sơ thẩm bị cáo nói anh Hiền có đội mũ bảo hiểm, phía trong có mũ lưỡi trai.
Để làm rõ thêm tình tiết này, Tòa hỏi thêm bị cáo Tòng nội dung trên thì Tòng nói lúc ngã anh Hiền không có đội mũ.
Bị cáo Bằng đang trả lời câu hỏi của tòa
Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa đưa ra hình ảnh thực nghiệm hiện trường, trong đó thể hiện anh Hiền lúc ngã có đội mũ. Trong tình tiết này, lời khai của các bị cáo không chính xác, gây ảnh hưởng đến tính chất, nội dung của vụ án.
Việc anh Hiền có đội mũ bảo hiểm không rất quan trọng vì gia đình nạn nhân khẳng định lúc té anh Hiền có đội mũ bảo hiểm. Như vậy, nếu có mũ anh Hiền sẽ không bị chấn thương sọ não. Đây chính là tình tiết mà gia đình nạn nhân cho rằng anh Hiền chết không phải vì té đập đầu. Đồng thời qua đó, gia đình nạn nhân cùng cho rằng có sự liên quan mật thiết giữa các bị cáo và các CSGT. Vụ án này bị kéo dài hơn hai năm, nhiều lần trả hồ sơ cũng vì lời khai của bị cáo mâu thuẫn.
9 giờ 40 Luật sư tham gia xét hỏi
Gia đình bị hại kiên quyết kháng cáo vì muốn xác định rõ có hay không việc các bị cáo làm theo sự xúi giục của người khác vì giữa người bị hại va Bằng-Tòng không hề có mâu thuẫn, hai bị cáo không có một lý do gì để đánh anh Hiền đến mức thiệt mạng.
Luật sư bảo vệ cho gia đình nạn nhân tham gia xét hỏi. Chi tiết về chiếc nón bảo hiểm lại được nhắc lại. Trong khi Bằng khai không nhìn rõ anh Hiền có đội mũ không thì Tòng khẳng định lúc té xuống bị cáo thấy anh Hiền mở mắt và cái mũ bảo hiểm nằm trên đầu (khác hẳn với lời khai trước đó của Tòng).
Bằng vẫn cho rằng mình đánh anh Hiền vì áp lực mâu thuẫn gia đình, trong người khó chịu. Tuy nhiên, luật sư không đồng tình với lời khai này.
Luật sư hỏi bị cáo có đồng tình với kết quả thực nghiệm điều tra không. Bằng đồng ý, luật sư không hỏi gì thêm.
9 giờ 45 Kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại Tòa nêu quan điểm. Tại phiên Tòa phúc thẩm, tình tiết anh Hiền té xuống có đội mũ hay không có nhiều mâu thuẫn giữa các lời khai và các chứng cứ trong hồ sơ. Đây là tình tiết quan trọng cần làm rõ thêm nên đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
Luật sự bảo vệ phía bị hại đồng tình với kiến nghị của VKS, đề nghị HĐXX hủy bản án để làm rõ cơ chế hình thành vết thương dẫn đến cái chết của nạn nhân.
Bị cáo, đại diện người bị hại không tham gia tranh luận.
9 giờ 50
Bị cáo được nói lời sau cùng. Bị cáo Bằng nói rằng do nóng nảy, thiếu bình tĩnh mà bị cáo đã gây ra mất mát to lớn cho gia đình anh Hiền. Tuy nhiên, bị cáo không có cố ý tước đoạt mạng sống anh Hiền nên mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
9h55 HĐXX vào nghị án.
10 giờ 10
Thay mặt HĐXX, thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt tuyên đọc bản án. Theo đó, bản án sơ thẩm và biên bản nghị án sơ thẩm có thành phần người tiến hành tố tụng không trùng khớp, đây là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Kết luận về việc nạn nhân lúc té ngã có đội mũ bảo hiểm hay không của bản án sơ thẩm không trùng khớp với biên bản thực nghiệm hiện trường và các chứng cứ khác. Do đây là những tình tiết quan trọng mà cấp phúc thẩm không khắc phục được nên quyết định hủy bản án sơ thẩm để giao VKS cấp sơ thẩm điều tra lại theo thủ tục chung.
HĐXX phúc thẩm quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.