Vụ chia thừa kế không hết tài sản: Giải quyết sao mới đúng?

(PLO)- Các ý kiến đều cho rằng tòa hủy án để xét xử lại hoàn toàn có cơ sở bởi việc chia thừa kế của cấp sơ thẩm là không đúng luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 6-3 có bài “Bị hủy án vì chia thừa kế không hết tài sản”, một số ý kiến đã bày tỏ quan điểm đối với việc chia thừa kế của tòa.

Tách vụ án là không đúng

TS Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng: Khi phân chia di sản thừa kế, tòa án cần đánh giá về nhu cầu sử dụng đất của các đồng thừa kế để xác định hình thức phân chia bằng hiện vật hay giá trị tài sản, dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính ổn định.

Việc TAND quận Thốt Nốt chia phần đất bị đơn đang sử dụng ổn định theo đúng yêu cầu của bị đơn (dù ít hơn phần diện tích đáng lẽ bị đơn được chia thừa kế) là phù hợp với nguyên tắc nêu trên và phù hợp với quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự.

Cạnh đó, tòa án cần xác định di sản thừa kế và thực hiện việc phân chia dựa trên di sản thừa kế đã xác định. Trường hợp này, các đương sự chỉ có yêu cầu chia toàn bộ di sản thừa kế, việc tòa án tách một phần di sản thừa kế để giải quyết ở vụ án khác là không đúng với Điều 5, Điều 42 BLTTDS.

Tòa cần phân chia toàn bộ di sản thừa kế trong cùng vụ án để giải quyết một cách triệt để yêu cầu của đương sự. Nếu phần đất đó có liên quan đến các chủ thể khác về ranh giới hoặc chuyển đổi đất thì tòa án triệu tập những người có liên quan tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Mặt khác, việc tòa án nhận định có bốn đồng thừa kế không yêu cầu chia thừa kế nên không xét đến phần thừa kế của những người này là chưa phù hợp với quy định của BLTTDS.

Bởi lẽ theo khoản 4 Điều 68 BLTTDS, tất cả đồng thừa kế không khởi kiện, không bị kiện sẽ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và tòa án cũng phải giải quyết, phân chia thừa kế đối với những người này để đảm bảo giải quyết vụ án triệt để và đảm bảo quyền lợi của các đồng thừa kế.

Theo ThS - luật sư Nguyễn Văn Dũ, trường hợp có đủ cơ sở để tách một thửa đất ra thành một vụ án khác thì việc giải quyết vụ án hiện tại không được liên quan đến diện tích đất của vụ án được tách...

Không thể thi hành án

Đồng quan điểm, ThS - luật sư Nguyễn Văn Dũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng việc tòa án cấp sơ thẩm tính tổng diện tích đất 36.500 m2 là di sản của hai cụ để lại làm cơ sở cho việc tính diện tích đất của mỗi người được chia là đúng.

Tuy nhiên, sau khi tính và công nhận phần diện tích của bị đơn được hưởng 21.900 m2, nguyên đơn và bốn người liên quan được hưởng 1.800 m2/người thì tòa lại tách một thửa đã được sử dụng để tính tổng diện tích và tính phần của mỗi người ra thành một vụ kiện khác là không đúng quy định.

“Một thửa đất đã được sử dụng để chia thừa kế trong một vụ án thì không được tiếp tục khởi kiện vụ án khác để chia thừa kế vì yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất này đã được giải quyết trong vụ án trước.

Nếu các đương sự khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất bị tách vụ án thì tòa án sau này có quyền căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện với lý do: Sự việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án” - ThS - luật sư Nguyễn Văn Dũ nêu quan điểm.

Cũng theo ông Dũ, thửa đất bị tách đã được chia thừa kế trên số liệu nhưng chưa chia trên thực địa thì sẽ được xem là tài sản chung của những người được chia.

Nếu các đương sự không thỏa thuận được việc chia đất trên thực địa hoặc thỏa thuận chia từng phần cho từng người không phù hợp với quy định của pháp luật đất đai thì chỉ còn cách khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung bằng giá trị hoặc hiện vật, chứ không phải là một vụ chia di sản thừa kế mới.

Trường hợp có đủ cơ sở để tách một thửa đất ra thành một vụ án khác theo quy định tại khoản 2 Điều 42 BLTTDS thì việc giải quyết vụ án hiện tại không được liên quan đến diện tích đất của vụ án được tách. Đồng thời không được sử dụng diện tích của thửa đất bị tách thành vụ án khác làm cơ sở cho việc chia phần thừa kế trong vụ án hiện tại.

Nếu không đủ điều kiện để tách vụ án hoặc cần thiết phải giải quyết tất cả vấn đề trong cùng vụ án mới đảm bảo tính toàn diện, khách quan, triệt để thì không được tách một thửa đất ra vụ án khác.

Cả hai chuyên gia cùng cho rằng nếu tòa không chia cụ thể diện tích đất cho các đương sự thì không biết đất của từng người nằm ở vị trí nào, ranh giới cụ thể ra sao, nghĩa là không thể thi hành án được. Và việc cấp phúc thẩm hủy án là hoàn toàn có cơ sở.

Tòa phúc thẩm hủy án

Cha mẹ bà H có chín người con. Ông bà qua đời, để lại năm thửa đất. Bà H muốn tách quyền sử dụng phần đất đang ở và sử dụng nhưng ông T không đồng ý nên bà khởi kiện, yêu cầu chia di sản thừa kế trên cho các anh chị em.

TAND quận Thốt Nốt xử sơ thẩm, công nhận di chúc của cụ ông (cho ông T thừa hưởng toàn bộ di sản của cha và phần ông được hưởng trong phần di sản của cụ bà để lại) là hợp pháp. Tòa tính tổng diện tích năm thửa đất là hơn 36.500 m2, phần của bị đơn là hơn 21.900 m2 (12/20 tổng khối di sản).

Tám phần còn lại, tòa chia mỗi phần tương ứng hơn 1.800 m2. Nhưng tòa lại cho rằng ba người con khác và những người thừa kế thế vị không có yêu cầu chia thừa kế.

Cạnh đó, một trong hai thửa đất ở huyện Vĩnh Thạnh chưa xác định được ranh với thửa còn lại và có sự đổi đất canh tác giữa những người trong nhà với nhau. Do đó, tòa tách phần di sản là thửa đất trên ra để giải quyết trong vụ kiện khác khi có tranh chấp.

Ngoài ra, tòa nhận định do bị đơn và bốn người khác thống nhất nhận chung tài sản rồi sẽ tự phân chia nên cho bốn người này nhận chung phần di sản hơn 4.000 m2.

TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm