Vụ chở thuê xe máy cũ bị tội: Viện kiểm sát đề nghị y án sơ thẩm

(PLO)- Theo đại diện VKS, Bảo và Nghi là hai mắt xích quan trọng trong đường dây vận chuyển trái phép xe máy qua biên giới nên đề nghị tuyên y án sơ thẩm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-6, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, theo Điều 189 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hai bị cáo tiếp tục kêu oan

Phiên tòa được mở do có kháng cáo kêu oan của các bị cáo Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Huỳnh Công Đình Nghi đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 13/2022 (ngày 17-2) của TAND huyện Tân Biên. Riêng bị cáo Nguyễn Thanh Giàu (đầu vụ) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Đại diện VKS phát biểu quan điểm tại phiên tòa. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

Đại diện VKS phát biểu quan điểm tại phiên tòa. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

Trước đó, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì HĐXX phúc thẩm gồm ba nữ thẩm phán là các bà: Phạm Thị Thanh Giang (chủ tọa), Lê Thị Thu Trang và Nguyễn Thanh Minh Châu.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, HĐXX đã có sự thay đổi. Cụ thể, bà Giang vẫn ngồi ghế chủ tọa nhưng hai nữ thẩm phán còn lại được thay thế bởi các ông Hồ Văn Cường, Phạm Văn Diệp.

Trình bày tại tòa, hai bị cáo Bảo, Nghi cùng khẳng định không hề có sự thỏa thuận trước đó với Giàu về việc vận chuyển ba xe máy cũ.

Theo diễn biến của vụ án, ngày 27-9-2020, khi xe được mang đến khu vực xã Tân Lập (huyện Tân Biên) thì Giàu nhờ Quốc, Kiệt vận chuyển về nhà Giàu.

Sau đó, ngày 28-9-2020, Giàu thuê Bảo chở xe về TP.HCM rồi Bảo điều tài xế là Nghi lái ô tô từ TP.HCM đến nhà Giàu để nhận xe. Nghĩa là trước đó không hề có sự thỏa thuận nào liên quan đến việc chuyển mô tô qua biên giới.

Bảo, Nghi cho rằng mình chỉ là đồng phạm với Giàu khi và chỉ khi chứng minh được sự thỏa thuận trên. Tuy nhiên, kết luận điều tra và cáo trạng đều không chứng minh được.

Ngoài ra, Bảo chỉ cử tài xế là Nghi chở thuê các xe máy cũ từ Tây Ninh về TP.HCM, vận chuyển hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam nên không thể nào bị tội trên.

Do đó, theo hai bị cáo này, việc TAND huyện Tân Biên kết tội họ là oan.

Riêng bị cáo Giàu, tại tòa, đã thừa nhận hành vi phạm tội và cơ bản đồng ý với bản án của cấp sơ thẩm.

Tại phiên phúc thẩm, hai bị cáo Bảo, Nghi tiếp tục khẳng định không hề có sự thỏa thuận trước đó với Giàu về việc vận chuyển ba xe máy cũ.

VKS cho rằng không oan

Phát biểu tại phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh Tây Ninh cho rằng hai bị cáo Bảo và Nghi là mắt xích quan trọng trong đường dây vận chuyển trái phép xe máy qua biên giới nên cấp sơ thẩm kết tội các bị cáo là có căn cứ và đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, vị chủ tọa thông báo sẽ tuyên án vào 14 giờ hôm nay (30-6).

Trước đó, xử sơ thẩm vào ngày 17-2, TAND huyện Tân Biên đã tuyên chấp nhận đề nghị đổi tội danh truy tố đối với các bị cáo Nguyễn Thanh Giàu, Nguyễn Lê Anh Quốc, Trịnh Văn Kiệt, Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Huỳnh Công Đình Nghi từ tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 BLHS) sang tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 BLHS).

Từ đó, HĐXX đã tuyên phạt Giàu hai năm tù, phạt tiền Quốc 200 triệu đồng theo khoản 2 Điều 189 BLHS; phạt tiền Kiệt 20 triệu đồng, Bảo 25 triệu đồng, Nghi 20 triệu đồng theo khoản 1 Điều 189 BLHS.

Nhận chở thuê cuốc xe từ Tây Ninh về TP.HCM giá 2,5 triệu đồng thì đồng phạm cái nỗi gì!

Theo hồ sơ, Giàu (31 tuổi, ngụ huyện Tân Biên) mua ba mô tô ở Campuchia về Việt Nam. Khi xe được mang đến đám rừng thuộc khu vực xã Tân Lập (huyện Tân Biên) thì Giàu nhờ Quốc và Kiệt vận chuyển về nhà Giàu.

Đến ngày 28-9-2020, Giàu liên hệ với nhà xe do Bảo (33 tuổi, ngụ TP.HCM) làm chủ để vận chuyển về TP.HCM với giá 2,5 triệu đồng. Quá trình thỏa thuận, Giàu không nói, Bảo cũng không hỏi về nguồn gốc và giấy tờ xe.

Sau đó, Bảo điều tài xế là Nghi lái ô tô từ TP.HCM lên nhà Giàu để nhận xe. Khi nhận xe, Nghi cũng không kiểm tra giấy tờ do Bảo nói để chủ xe giải quyết.

Đến tối 28-9-2020, Công an huyện Tân Biên kiểm tra xe, Nghi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nên bị tạm giữ tất cả phương tiện.

Bình luận về vụ việc này, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng: Muốn xử lý Bảo, Nghi đồng phạm với Giàu thì phải chứng minh hành vi của Bảo và Nghi thuộc một trong các trường hợp:

(1) Có sự thỏa thuận trước đó giữa Giàu với Bảo, Nghi về việc vận chuyển ba xe máy đã qua sử dụng.

(2) Hành vi của Bảo, Nghi tham gia khi tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới chưa kết thúc.

Đối với trường hợp thứ nhất, theo diễn biến của vụ án, xe được mang qua biên giới về nhà Giàu vào ngày 27-9-2020 nhưng đến ngày 28-9-2020, Giàu mới thuê Bảo chở xe về TP.HCM. Nghĩa là trước đó, không hề có sự thỏa thuận nào liên quan đến việc chuyển mô tô qua biên giới.

Nói cách khác, để có thể xử lý Bảo, Nghi là đồng phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phải chứng minh có sự thỏa thuận này. Tuy nhiên, kết luận điều tra và cáo trạng đều khẳng định không hề có sự thỏa thuận trước đó giữa Giàu với Bảo, Nghi về việc vận chuyển ba xe máy cũ qua biên giới.

Đối với trường hợp thứ hai, Bảo và Nghi đã thực hiện việc chở thuê ba xe máy cũ từ Tây Ninh về TP.HCM khi mà tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã kết thúc (tội phạm do các bị cáo Giàu, Quốc, Kiệt thực hiện).

Các hành vi sau đó liên quan đến hành vi này không thể đồng phạm về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng phạm chỉ có thể xảy ra khi tội phạm chưa kết thúc.

Ngày 28-9-2020, Giàu mới thuê Bảo chở xe về TP.HCM. Do đó, Bảo và Nghi tham gia vận chuyển khi hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã kết thúc rồi nên Bảo và Nghi không phải đồng phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm