Vụ cô gái dừng đèn đỏ bị tông tử vong: Cần làm rõ trách nhiệm của phụ huynh!

(PLO)- Vụ việc nhóm thanh thiếu niên đi xe với tốc độ cao, tông tử vong cô gái dừng đèn đỏ, gây bức xúc dư luận, đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của phụ huynh.

Vừa qua, sự việc một nhóm thanh thiếu niên phóng xe máy với tốc độ cao, lạng lách ở Hà Nội khiến cô gái dừng đèn đỏ tử vong tại chỗ gây bức xúc dư luận.

Bạn đọc mong cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm để răn đe, tránh các trường hợp tương tự xảy ra. Bên đó cần, cần xem xét trách nhiệm của cha mẹ, những người đã giao xe cho người không đủ tuổi lái xe gây tai nạn chết người.

Nhóm thanh thiếu niên gây tai nạn giao thông khiến nạn nhân dừng đèn đỏ tử vong. Ảnh: Cắt từ clip.

Xử lý nghiêm!

Bạn đọc Thanh Phong lo lắng: “Dường như đây là một vụ đua xe. Thực trạng đua xe trái phép ở các TP lớn hiện nay diễn ra rất phổ biến và đáng báo động. Sự việc ngày hôm nay chính là hồi chuông lớn để các cơ quan chức năng có những động thái cũng như những biện pháp mạnh tay hơn để hạn chế và chấm dứt tình trạng đua xe này. Thật sự đây là nỗi bất an của người dân mỗi khi ra các đường”.

Bạn đọc Nguyễn Tú Nguyên bày tỏ: “Xin gửi lời chia buồn đến gia đình của nạn nhân xấu số. Pháp luật hiện rất khoan hồng với đối tượng trẻ vị thành niên để chúng có thể thay đổi, về với xã hội làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, càng nhân nhượng, càng khoan hồng lại càng có nhiều chuyện xảy ra. Do đó, trường hợp này cần phải xử lý nghiêm để tránh trường hợp tương tự. Đồng thời, việc xử lý nghiêm cũng là động thái trả lại công bằng cho gia đình nạn nhân”.

“Xem trên mạng lan truyền tấm ảnh thái độ của những trẻ vị thành niên này mà tôi không cảm nhận được chút nào là hối hận. Thay vào đó là sự lạnh nhạt, thờ ơ, vô cảm. Hy vọng cơ quan chức năng có thể xử lý nghiêm minh vụ việc, bảo đảm đúng người, đúng tội theo đúng quy định của pháp luật", bạn đọc Minh Triết nêu quan điểm.

Nhóm thanh thiếu niên tại cơ quan công an. Ảnh: PLO

Làm rõ trách nhiệm của cha mẹ, người giao xe

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Mai cho biết: “Cơ quan chức năng cần xác định rõ tình tiết, vai trò của của phụ huynh hoặc người giao xe khác trong vụ việc này. Vì sao có những trẻ chưa đủ tuổi nhưng điều khiển xe phân khối lớn? - Ở đây không chỉ là trách nhiệm quản lý con cái với vai trò phụ huynh mà còn là trách nhiệm của công dân trong việc giao xe, cần tuân thủ đúng pháp luật về giao thông đường bộ”.

“Nếu người lớn thực sự không hề biết được con em mình lấy xe đi, cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Nhưng nếu biết mà vẫn giao xe thì cần xử lý nghiêm. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp khi xảy ra sự việc rồi nhiều bậc phụ huynh kiếm cớ nói không biết. Thế nhưng xin thưa, phụ huynh cũng phải có trách nhiệm, hành vi đến đâu, chịu trách nhiệm đến đó" - bạn đọc Trần Thị Nga phân tích.

“Thực tế cho thấy, vấn nạn chạy xe tốc độ cao, lạng lách, đua xe chủ yếu diễn ra trong giới trẻ, vì vậy trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình. Trẻ vị thành niên hiện đang ở độ tuổi rất hiếu động, dễ nổi loạn, nên việc quan tâm từ phía gia đình là rất cần thiết. Hơn nữa, trẻ vừa mới lớn chưa hiểu biết về pháp luật nhiều nên cần được giáo dục. Như vậy, gia đình và cả nhà trường phải có giải pháp cũng như có trách nhiệm trong việc quan tâm, giáo dục trẻ, giúp trẻ học và hiểu không chỉ kiến thức sách vở mà cả kiến thức đời sống, xã hội, pháp luật” - bạn đọc Lý Thuỳ Dung nói.

Còn theo bạn đọc Văn Hải: “Một số cha mẹ dẫu biết quy định pháp luật, nhưng lại cố tình vi phạm, giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. May mắn không có gì xảy ra nhưng nếu không may lại giống trường hợp ở Hà Nội. Chưa kể trẻ chưa có kiến thức về pháp luật khi tham giao thông thì làm sao đảm bảo an toàn cho bản thân và người đi đường.

Ở TP.HCM và một số địa phương khác hiện nay có tình trạng CSGT đến tận trường để kiểm tra và xử phạt việc học sinh chạy xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi đến trường. Đây cũng là một cách kiểm soát khá hay vì giúp hạn chế tình trạng trẻ điều khiển xe không đúng quy định”.

Trách nhiệm pháp lý của phụ huynh đến đâu?

Phụ huynh có nghĩa vụ giáo dục, giám sát và kiểm soát hành vi của con mình. Nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ, cho phép con sử dụng phương tiện khi chưa đủ điều kiện lái xe, phụ huynh có thể bị xem xét trách nhiệm, tùy vào hậu quả của hành vi.

Điều 30 Nghị định 100/2019 quy định chủ phương tiện (xe máy) mà giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện lái xe (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng) thì bị phạt từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, Điều 264 BLHS 2015 có quy định: Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Ngoài ra, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 586 và 587 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cha mẹ có trách nhiệm bồi thường một phần hoặc toàn bộ trong trường hợp con chưa thành niên gây thiệt hại cho người khác.

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới