Tối 13-6, TAND tỉnh Nghệ An đã phạt bị cáo Lê Thị Dung (nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) 15 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo được giảm án vì đã khai nhận đầy đủ…, thể hiện bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình. Nhận định của cấp phúc thẩm cho thấy dù bị cáo Dung kêu oan cũng không làm mất đi tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.
Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của các luật sư, giảng viên luật xung quanh việc “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là một tình tiết giảm nhẹ hay là hai tình tiết giảm nhẹ khác nhau được quy định trong cùng một điểm của điều luật?
Bị cáo Lê Thị Dung (bên phải) tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: ĐẮC LAM |
TS LÊ NGUYÊN THANH, giảng viên khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM:
Nếu vừa “thành khẩn” vừa “ăn năn” thì mức độ giảm nhẹ sẽ cao hơn
Thực tiễn xét xử thường gắn hai nội dung thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải với nhau để áp dụng chung cho tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS. Vì vậy, nếu bị cáo có khai đúng, khai đủ giúp chứng minh sự thật vụ án nhưng không nhận tội thì vẫn không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.
Nếu xem “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” là hai tình tiết giảm nhẹ độc lập, có ý nghĩa độc lập thì:
“Thành khẩn khai báo” có tác dụng giúp cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi trong chứng minh vụ án. Chỉ cần người phạm tội khai báo trung thực, đầy đủ những gì liên quan đến hành vi phạm tội, mặc dù không nhận tội thì họ vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Việc không nhận tội là do nhận thức của họ về tội phạm.
“Ăn năn hối cải” thể hiện ở thái độ và nhận thức của người phạm tội, có ý nghĩa đánh giá khả năng giáo dục cải tạo sau này nên cũng có tác dụng giảm nhẹ riêng biệt. Đương nhiên, người phạm tội không nhận tội thì cũng không có cơ sở để được hưởng tình tiết này.
Vì là hai nội dung độc lập, ý nghĩa khác nhau nên trong trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo (tương đương với thật thà khai báo trong BLHS 1985) nhưng họ không nhận tội, theo tôi cũng nên cho họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Khi áp dụng, tòa cần ghi rõ chấp nhận nội dung giảm nhẹ nào. Đương nhiên, nếu đáp ứng cả hai nội dung thì mức độ giảm nhẹ sẽ cao hơn.
Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Chỉ cần “thành khẩn khai báo” là có thể được giảm nhẹ
Nếu phân tích kỹ điều luật sẽ thấy rõ điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS quy định là “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, chứ không quy định “thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải”. Vì vậy, thành khẩn khai báo là một tình tiết và ăn năn hối cải là một tình tiết khác được quy định trong cùng một điểm. Chỉ cần bị cáo thành khẩn khai báo toàn bộ sự thật khách quan của vụ án thì vẫn áp dụng điểm s cho bị cáo.
Ví dụ như điểm i khoản 1 Điều 51 quy định tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Như vậy, thuộc trường hợp rất nghiêm trọng cũng không áp dụng được; hoặc phạm tội ít nghiêm trọng nhưng không phải mới phạm tội lần đầu thì cũng không áp dụng điểm này được… vì luật có quy định chữ “và” giữa hai ý.
Ngoài ra, theo giải đáp trên cổng thông tin điện tử VKSND Tối cao thì “thành khẩn khai báo” được hiểu là người phạm tội trong quá trình tố tụng đã khai báo đầy đủ và đúng sự thật những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.
“Ăn năn hối cải” được hiểu là sau khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, giày vò lương tâm về hành vi phạm tội không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Theo VKSND Tối cao, cần hiểu nếu người phạm tội đáp ứng một trong hai điều kiện “thành khẩn khai báo” hoặc “ăn năn hối cải” hoặc đáp ứng cả hai điều kiện này thì cũng chỉ được áp dụng một tình tiết giảm nhẹ.
Áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tích cực hợp tác” mới đúng
Theo Công văn hướng dẫn số 212 ngày 13-9-2019 của TAND Tối cao thì: Tình tiết “người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” được hiểu là trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới (điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS).
Tuy nhiên, việc bị cáo Lê Thị Dung đã khai nhận đầy đủ về việc xây dựng quy chế, kê khai quy đổi để được thanh toán, số tiền đã nhận, đúng với các tài liệu có tại hồ sơ vụ án giúp cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi, nhanh chóng giải quyết vụ án (theo nhận định của cấp phúc thẩm) thì phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS mới phù hợp với quy định tại khoản 8 Điều 2 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Luật sư NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
ThS NGUYỄN ĐỨC HIẾU, giảng viên bộ môn luật Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Tòa giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho bị cáo
Theo tôi, người phạm tội phải đáp ứng đủ cả hai tình tiết thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải thì mới được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trường hợp bị cáo kêu oan thì không thể xem xét tình tiết trên.
Chẳng hạn như bị cáo thành khẩn khai báo nhưng việc khai báo này theo hướng bị cáo đang kêu oan và cho rằng mình vô tội. Trong khi VKS buộc tội và tòa án tuyên bị cáo này có tội thì không thể áp dụng “thành khẩn khai báo” để làm căn cứ giảm nhẹ. Và gần như những vụ án nếu bị cáo kêu oan, chối tội mà tòa áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” và nếu muốn hưởng tình tiết đó thì bị cáo phải nhận tội.
Đối với vụ án cô giáo Dung ở Nghệ An, có thể tòa án đang “giải thích và áp dụng pháp luật” theo hướng có lợi cho bị cáo. Bởi pháp luật bên cạnh phải tuân theo pháp chế xã hội chủ nghĩa thì cũng phải đảm bảo tính công bằng. Nhiều tội hiện nay trong BLHS thì vấn đề hình phạt so với hậu quả, tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm gây ra còn chưa hoàn thiện về tính công bằng. Có những tội hậu quả lớn nhưng hình phạt thấp nhưng cũng có những tội hậu quả chưa lớn nhưng hình phạt khá nghiêm khắc. Điều này đặt ra trách nhiệm cho nhà làm luật và cả TAND Tối cao trong việc hoàn thiện pháp luật về hình sự.
Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM:
Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là một tình tiết giảm nhẹ
Tại tòa phúc thẩm, cô Dung vẫn kêu oan, cho rằng mình không phạm tội. Cô Dung vẫn trình bày việc xây dựng quy chế là đúng. Việc trình bày này để chứng minh việc không phạm tội như trình bày tại tòa sơ thẩm. Điều này không phải là việc khai báo thành khẩn để nhận tội. Vì vậy, tòa phúc thẩm nhận định cô Dung khai và trình bày việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ là tình tiết thành khẩn khai báo là không phù hợp.
Giả sử cô Dung trình bày, khai báo việc xây dụng quy chế đó là có nhưng áp dụng quy chế đó chưa đúng đắn dẫn đến vi phạm pháp luật và nhận tội thì tòa phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS thì mới phù hợp.
Khoản 1 Điều 51 BLHS quy định nhiều tình tiết giảm nhẹ, mỗi tình tiết ở một điểm. Vì vậy, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Không bị coi là phạm tội nhiều lần
Theo cơ quan tố tụng, khi làm giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, bị cáo Lê Thị Dung đã xây dựng, ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ không đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc lập chứng từ kế toán sai, thanh toán sai quy định hơn 44,7 triệu đồng trong hai năm học 2014-2015 và 2015-2016.
Ngày 24-4, TAND huyện Hưng Nguyên phạt bị cáo Dung năm năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Dung liên tục kêu oan.
Ngày 13-6, TAND tỉnh Nghệ An giảm án cho bị cáo Dung xuống còn 15 tháng tù vì hành vi phạm tội của bị cáo Dung là liên tục kéo dài. Việc cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết phạm tội hai lần trở lên là chưa đúng, gây bất lợi cho bị cáo.