Xử vụ cô giáo Dung ở Nghệ An: 'Hỏi xoáy, đáp xoay' giữa đại diện VKS và bị cáo

(PLO)- Bị cáo Dung tiếp tục kêu oan và cho rằng “nếu tôi có tội thì kho bạc và phòng tài chính huyện cũng liên quan”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-6, TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Lê Thị Dung và Nguyễn Thị Hương về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Bị cáo Dung và bị cáo Hương tại phiên tòa. Ảnh: ĐẮC LAM

Bị cáo Dung và bị cáo Hương tại phiên tòa. Ảnh: ĐẮC LAM

Bị cáo Lê Thị Dung (quê Thanh Hóa, nguyên giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên), bị cáo Nguyễn Thị Hương (57 tuổi, quê Hà Tĩnh, nguyên kế toán Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên).

Bị cáo Dung tiếp tục cho rằng bản thân không có tội và kêu oan. Đứng trước bục khai báo, bị cáo Dung cho rằng kế hoạch thu, chi tài chính của đơn vị (Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên) đầu năm và báo cáo quyết toán cuối năm đều chịu sự giám sát thu chi của Phòng Tài chính UBND huyện Hưng Nguyên cũng như Kho bạc, do đó hai đơn vị này phải liên đới chịu trách nhiệm.

“Bản thân tôi, tuy tôi phải chịu trách nhiệm ở đơn vị là cao nhất. Tuy nhiên, về vấn đề này, suốt mấy năm qua Sở GD&ĐT kết luận chúng tôi không sai phạm, vậy tai sao lại nói chúng tôi chiếm đoạt?” - bị cáo Dung nói.

Toàn cảnh phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: ĐẮC LAM

Toàn cảnh phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: ĐẮC LAM

Ở phần tranh luận, bị cáo Dung trả lời đại diện VKSND tỉnh Nghệ An là ở vụ án này “không có thiệt hại”.

“Vì sao bị cáo cho rằng không có thiệt hại?" - đại diện VKSND tỉnh Nghệ An hỏi.

Bị cáo Dung trả lời: “Vâng ạ. Đó là công sức lao động của tôi nói riêng và của cán bộ giáo viên khác nói chung”.

Đại diện VKSND tỉnh Nghệ An hỏi tiếp: “Trong quá trình bị cáo làm bí thư chi bộ, phụ cấp 0,3 có được nhận không?". Bị cáo Dung trả lời: "Dạ có ạ. Không phải mình tôi mà cả ba người”.

VKS hỏi: “Đối với các khoản học cao học theo chế độ của nhà nước, bị cáo được nhận những nội dung gì?”. Bị cáo Dung: “Tôi được nhận học phí và hỗ trợ về tài liệu học tập…”.

“Bị cáo đã được nhận tiền tài liệu, nhận tiền học phí khi đi học cao học thì việc thay đổi sang tiết dạy để thanh toán thêm một lần nữa, nhận thức của bị cáo về vấn đề này thế nào?” - vị công tố hỏi tiếp.

Bị cáo Dung trình bày, trở lời lại phiên tòa phúc thẩm.

Bị cáo Dung trả lời: “Thưa quý tòa, việc tiền hỗ trợ không chỉ cho riêng tôi, trước đó đã có những người khác cũng đã được hưởng theo quy chế”.

Đại diện VKS: “Nhận thức của bị cáo cho rằng là hỗ trợ đúng không?”.

Bị cáo Dung: “Vâng ạ. Theo quy chế ạ, xây dựng trong quy chế rồi”.

Đại diện VKS: “Việc mình quy đổi các hoạt động đó sang tiết dạy căn cứ vào đâu?”

Bị cáo Dung nói: Căn cứ vào Nghị định 43 và Thông tư 71, đơn vị có quyền xây dựng chi tiêu nội bộ khi có nguồn tài chính đảm bảo và hỗ trợ thêm cho người đi học để nâng cao trình độ chuyên môn. Nhưng nói thật với quý Tòa chứ nhiều người không muốn đi học đâu ạ”.

Đại diện VKS: “Bị cáo đưa quy định, lấy tiết dạy quy đổi vào trong chuyên môn, sau đó chuyển vào trong chi tiêu nội bộ và đã có ý kiến chưa thống nhất của cán bộ, công nhân viên mà bị cáo quyết thì mình có thấy được cái gì đó đúng hay chưa đúng của pháp luật không?”.

Bị cáo Dung: “Thưa quý Tòa, không có chuyện là không thống nhất ý kiến của cán bộ công nhân viên, mà quy chế đã được thông qua và đã gửi lên cho các cấp”.

Đại diện VKS giải thích: “Đây là hai việc khác nhau, nếu bị cáo nói thẳng vào trong chi tiêu nội bộ theo Nghị định 43 và theo quy định của Thông tư 71 hướng dẫn thì những trường hợp mà bị cáo định mức nhà nước chưa quy định, nội dung mà nhà nước chưa quy định liên quan đến đặc thù của đơn vị bị cáo có quyền định mức chi tiêu. Ví dụ như bị cáo ghi thẳng vào quy chế chi tiêu nội bộ là hỗ trợ đi học, hỗ trợ công tác phí hỗ trợ về các công việc phát sinh. Nhưng bị cáo đã đụng đến công tác chuyên môn, quy định tiết dạy, giờ dạy vào trong quy chế chi tiêu nội bộ thì phải áp dụng theo đúng quy định của pháp luật,. Mình không thể tự lấy nội dung của mình để mình tự quy định thêm tiết dạy được. Nhưng nếu bị cáo ghi thẳng rằng quy chế chi tiêu nội bộ sẽ chi hỗ trợ cho người đi học, người làm công tác bí thư chi bộ, cho các hoạt động khác của nhà trường thì điều đó pháp luật cho phép”.

Phiên tòa đang tiếp tục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm