Vụ ‘Công an bị tố gài bẫy trong vụ cướp’: Không được thúc đẩy tội phạm

Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về tính đúng đắn của vấn đề sử dụng “biện pháp nghiệp vụ”.

Luật sư HOÀNG NGỌC BIÊN, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nguyên điều tra viên cao cấp, Thanh tra Bộ Quốc phòng:

Luật không cho phép “gài bẫy”

Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) 2003 không có quy định cho phép công an thực hiện các biện pháp như đưa tiền cho người bị hại rồi “gài bẫy” để bắt người có một số hành vi nhưng chưa cấu thành tội phạm như trưởng công an huyện đã nêu. Do đó, biện pháp “gài bẫy” được coi là hành vi trái pháp luật và có dấu hiệu cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án với mục đích làm oan người khác.

Khoản 5 Điều 135, Điều 137 Bộ luật TTHS 2003 quy định khi lấy lời khai của người bị hại dưới 16 tuổi phải có mặt người đại diện hợp pháp của người đó. Thực hiện việc lấy lời khai của Vân mà không có mặt người giám hộ là vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng nên lời khai không được sử dụng làm chứng cứ buộc tội.

Bộ luật TTHS năm 2015 có hiệu lực ngày 1-7-2016 mới cho phép áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và khi áp dụng thì điều tra viên chỉ được:“Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử”.

Và chỉ được áp dụng các biện pháp này trong giới hạn vài loại tội (xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền; tội phạm có tổ chức đặc biệt nghiêm trọng). Khi tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được sự phê chuẩn của VKS. Đây là một điểm mới để công khai hóa các hoạt động điều tra nghiệp vụ.

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG,Đoàn Luật sư TP.HCM:

Hoạt động tố tụng phải công khai

Từ góc độ pháp luật hình sự, khó có khả năng Nhà nước và ngành công an cho phép sử dụng loại “biện pháp nghiệp vụ” tạo điều kiện và thúc đẩy hành vi phạm tội xảy ra. Giải thích của trưởng công an huyện cũng đã gián tiếp thể hiện sự không chắc chắn và không hiểu luật. Bởi lẽ nếu là biện pháp nghiệp vụ được pháp luật cho phép thì phải nêu rõ quy định tại văn bản nào, điều luật nào, tiến hành loại hoạt động gì. Không thể cứ lúng túng “có thể, có thể...”.

Hơn nữa, nếu đã là quy định của luật TTHS và lại “trong hoạt động tố tụng” hình sự thì đều là (và phải) công khai. Mọi việc phải căn cứ vào thực tế khách quan của hành vi xảy ra trên thực tế, không được thúc đẩy hành vi phạm tội của người khác. Hơn nữa, quan hệ giữa bị cáo và nạn nhân là quan hệ tình cảm, thậm chí ăn chung và xài tiền chung, việc đưa tiền nếu có là cho mục đích sửa xe thì hoàn toàn không có hành vi trấn, cướp.

Việc không tìm hiểu, xác minh kỹ mối quan hệ giữa hai gia đình, giữa bị can và bị hại, lấy lời khai trẻ dưới 16 tuổi thiếu người giám hộ… cho thấy việc điều tra có quá nhiều sơ hở, nóng vội và áp đặt theo định kiến chủ quan. 

Trưởng công an huyện đổ trách nhiệm chính sang cho cơ quan công tố là thiếu cầu thị. Bởi lẽ nếu có sai phạm trong hoạt động TTHS, đặc biệt là làm oan hoặc điều tra kết luận thiếu chính xác (có sai)... thì các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm liên đới, trong đó trách nhiệm đầu tiên thuộc CQĐT.

Luật sư HÀ HẢI, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Chứng minh tội phạm phải sử dụng biện pháp hợp pháp

Theo báo đăng, cả bị hại và bị cáo đều khai bị cáo đánh bị hại là vì ghen tuông, không hề có việc bị cáo đánh bị hại đến khả năng tê liệt ý chí, không chống cự được để cướp tiền. Đối chiếu với Điều 133 BLHS về tội cướp tài sản thì hành vi của bị cáo cũng chưa đáp ứng được mặt khách quan của tội phạm. CQĐT và VKS chưa xác định được sự thật khách quan vì chưa làm rõ quan hệ của Vân và Tiến, chưa làm rõ lời khai của cha mẹ Vân và Tiến làm cơ sở cho kết luận điều tra.

Theo Điều 10 Bộ luật TTHS thì CQĐT, VKS “phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”. Mọi biện pháp hợp pháp có nghĩa là biện pháp đó phải được quy định trong Bộ luật TTHS. Cơ quan chức năng chỉ có thể được quyền áp dụng các quy định của pháp luật, làm những điều pháp luật cho phép. Chưa thấy có quy định nào cho phép điều tra viên khi chưa làm rõ các tình tiết vụ việc mà đã lấy 800.000 đồng đưa cho cô bé chưa thành niên để tạo lập chứng cứ. Do đó công luận có cơ sở khi cho rằng đã có sự gài bẫy.

Theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 Bộ luật TTHS về chứng cứ thì “dàn cảnh” không phải là một trong những cách thu thập chứng cứ được Bộ luật TTHS quy định. Chứng cứ phải là những gì có thật. 800.000 đồng do công an đưa để bị hại đưa cho bị cáo nhằm khép tội cướp tài sản không được xem là chứng cứ bởi chỉ là một sự dàn dựng để tạo nên tội cho người khác. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Trong trường hợp này CQĐT và VKS không chứng minh được tội phạm, không đủ chứng cứ buộc tội. Vụ việc có dấu hiệu oan sai, kéo dài vụ án bằng cách trả hồ sơ nhiều lần sẽ khiến tình trạng bị cáo thêm khốn khổ và tốn kém ngân sách, dễ khiến dư luận hiểu rằng đó là cách giúp hai cơ quan tiến hành tố tụng cố buộc cho được tội.

Luật gia NGUYỄN THANH LƯƠNG, Hội Luật gia TP.HCM:

Cần cho bị cáo tại ngoại

Theo thừa nhận của trưởng công an huyện thì “trước đó bị can có một số hành vi nhưng chưa cấu thành tội phạm”. Diễn biến câu chuyện cho thấy sau khi công an huyện đưa tiền cho Vân để đưa cho Tiến thì tội phạm đã hoàn thành và Tiến bị bắt. Như vậy là thúc đẩy hành vi phạm tội, không đúng với bản chất sự việc và ý thức chủ quan của Tiến về hành vi cướp. Bởi theo như báo phản ánh, giữa Vân và Tiến có quan hệ tình cảm từ năm 2013, bị hại không hợp tác điều tra, trong khi mẹ (đồng thời là người giám hộ đương nhiên) của Vân đã khẳng định không có việc Tiến cướp tài sản của con bà.

Trưởng công an huyện cho rằng đây là biện pháp nghiệp vụ để làm căn cứ đấu tranh, tạo điều kiện cho vụ việc được nhanh chóng kết luận nhằm xác định có phạm tội hay không. Lập luận này không thuyết phục và có dấu hiệu bao che hành vi sai phạm.

Theo tôi, cần thay đổi điều tra viên và mời người giám hộ để khắc phục tình trạng bị hại vắng mặt. Đồng thời, thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Tiến nhằm phòng tránh và hạn chế gây ra oan sai.

‘Chúng tôi mất cả hai đứa con!’

Bà Nguyễn Thị Thừa, mẹ của cháu Nguyễn Thị Bích Vân (16 tuổi) - người bị hại trong vụ án kể: Ngày 29-11-2015, ba ngày sau khi TAND huyện Diên Khánh tuyên phạt Tiến bảy năm tù về tội cướp tài sản, Vân đột ngột bỏ nhà đi trốn. Nó gọi điện thoại về, giọng hoảng hốt nói có hai chú công an huyện đến nhà bảo nó trốn đi. Chứ nếu ở nhà, khai báo lung tung sẽ bị bắt ở tù thay cho thằng Tiến. Tui năn nỉ nó về, bảo sự việc có sao con cứ khai vậy, mẹ nhờ luật sư rồi, không ai bắt bỏ tù đâu. Nhưng nó không tin, nó nói con đã khai đúng như vậy, anh Tiến đâu có cướp gì của con nhưng vẫn bị tòa tuyên bảy năm tù.

Người nhà cho biết từ lúc bỏ trốn, lâu lâu Vân mới gọi điện thoại về một lần nhưng không nói chỗ ở. Khi người thân gọi lại thì điện thoại không liên lạc được. Mấy tháng nay người nhà đi tìm Vân khắp nơi nhưng vẫn không thấy. “Không biết giờ này con tui ở đâu?” - bà Thừa khóc.


Bà Tô Thị Huệ (mẹ Phạm Minh Tiến) chuẩn bị đồ đạc đi thăm nuôi con mình đang bị tạm giam. Ảnh: TẤN LỘC

Hằng ngày những người thường xuyên chia sẻ với bà Thừa chính là những người thân của Phạm Minh Tiến. Hai gia đình đã nói chuyện với nhau, chờ Vân đủ tuổi sẽ tổ chức đám cưới. Do Vân chưa đủ tuổi nên hai gia đình không cho hai đứa trẻ ở cùng nhà nhưng hằng tháng Tiến vẫn đưa tiền cho mẹ Vân nấu cơm cho mình ăn buổi trưa để đi làm thợ ống nước. Tiền làm được Tiến đưa Vân giữ để xài chung.

Bà Huệ kể: “Bữa con Na (tên thường gọi của Vân) gọi vào điện thoại tui nhờ nhắn thằng Tiến ra đầu đường lấy tiền đi nộp phạt, sửa xe, tui còn dặn con Na đừng đưa nhiều, để dành mà xài. Khi thấy tô cơm ăn dở của thằng Tiến để ngoài cổng, linh tính báo chuyện chẳng lành, tui chạy ra đường thì thấy công an đang chở hai đứa về huyện. Tui vội vã chạy đến nơi thì thấy hai đứa ngồi khóc. Con Na kể: “Mấy chú công an đưa con 800.000 đồng bảo đưa cho anh Tiến, khi con đang đưa thì anh Tiến bị bắt. Giờ mấy chú công an lấy tiền lại rồi”” - bà Huệ uất nghẹn.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Vân một mực nói rằng Tiến đánh mình vì ghen tuông do đang nói chuyện mà có người thanh niên khác gọi đến chứ không phải để cướp. Cả chiếc điện thoại và 800.000 đồng đều do Vân tự nguyện đưa. Bà Tô Thị Diên Minh (dì ruột của Tiến) kể: “Sau ngày tòa xử thằng Tiến bảy năm tù, con Na về khóc mãi. Nó cứ hỏi làm sao minh oan cho thằng Tiến”.

“Nếu con tôi phạm tội, hãy bỏ tù nó để người ta cải tạo nên người. Nhưng nếu nó không làm gì phạm pháp mà bắt giam nó là giết chết cuộc đời nó. Tôi đau đớn lắm vì cùng lúc như mất cả hai đứa con!” - bà Huệ nghẹn ngào nói với PV.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới