Đây là ý kiến của nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ tại Hội thảo “Báo chí với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí” do báo Nhân Dân, Hội Nhà báo và UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 28-4.
Đánh giá báo chí góp phần rất lớn vào công tác chống tham nhũng và tạo áp lực mạnh đối với các cơ quan tố tụng nhưng ông Độ cho rằng báo chí cũng cần phải góp phần tạo nên một xã hội nhân văn.
Ông Độ nhớ lại: "Vụ án ở Bình Phước liên quan đến hai thanh niên giết 6 người trong gia đình (báo chí gọi là thảm sát Bình Phước - PV). Sau đó khoảng một tuần, có hơn 400 bài báo viết về vụ án đó và các báo đều miêu tả một cách rùng rợn.
Cùng thời gian đó có vụ đánh bom ở Pháp. Tôi quan sát, so sánh hai nước thì ở Việt Nam, báo chí lúc nào cũng có mặt tại gia đình nạn nhân, miêu tả chi tiết và đòi hỏi phải điều tra, phải tử hình mà không hề có một bông hoa. Ở Pháp thì nhiều hoa, nến tưởng niệm các nạn nhân...".
Ông Trần Văn Độ cho rằng: "Còn án tử hình, xã hội sẽ không thể nhân văn"
Sau khi kể chuyện, ông Độ cho biết khi xây dựng BLHS chính ông cũng là người đề nghị bỏ án tử hình.
“Với tội tham nhũng, tôi đã kiến nghị không cần tử hình đâu. Chỉ cần pháp luật nghiêm minh, 100 người tham nhũng thì phải xét xử cả 100 người, tuyên phạt 5-7 năm tù là được rồi. Còn vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải thu hồi lại tài sản tham nhũng” - ông Độ nói.
Bởi theo ông Độ, tử hình một người là vấn đề rất quan trọng vì điều đó liên quan đến những người thân, dòng họ, danh dự của người còn sống.
“Một xã hội mà suốt ngày có án tử hình thì không thể nhân văn, không thể đồng lòng để phát triển” - ông Độ nói và mong muốn báo chí định hướng dư luận nhận thức như vậy.
Ở góc độ khác, ông Độ cũng cho rằng khi đề cập đến hiện tượng tham nhũng, nhiều báo đặt vấn đề “phải chăng chế tài không đủ mạnh”. Nhưng theo ông, điều đó không đúng. Việt Nam vẫn là nước có án tử hình và có tỉ lệ tử hình rất cao. Nhưng vấn đề là đôi khi pháp luật không theo kịp công lý. Áp lực của báo chí khiến cho công lý đôi khi cũng khó thực hiện.
Dẫn ra vụ án Lê Văn Luyện, ông Độ phân tích: “Vụ Lê Văn Luyện có tới trên 4.000 bài báo. Có đại biểu Quốc hội là GS-TS Luật học thậm chí còn đứng ra giữa Quốc hội đòi hạ tuổi vị thành niên xuống 16 tuổi để tử hình Lê Văn Luyện”.
Theo ông Độ, pháp luật đôi khi không theo kịp công lý, cho nên Hiến pháp 2013 lần đầu tiên quy định tòa án phải bảo vệ công lý. Bởi theo ông, có nhiều sự việc nếu xét theo pháp luật thì chắc chắn có tội nhưng nếu xét theo công lý thì chưa chắc. Ông Độ lấy vụ cướp bánh mì tại TP.HCM để làm ví dụ cho luận điểm này.
“Báo chí tham gia các vụ án, khi phỏng vấn luật sư thì cứ nói phải tội này, tội kia. Nếu tòa xử khác đi là suy nghĩ ngay tòa có tiêu cực. Điều đó làm mất đi uy tín của cơ quan bảo vệ công lý. Nếu vụ án mà tòa đang xử lý thì báo chí không nên xử thay tòa” - ông Độ nói.
Một vấn đề khác được ông Độ đề cập là việc tôn trọng quyền riêng tư. Theo ông Độ, ở các nước khi đưa hình ảnh về một phiên tòa, báo chí thường phác họa hoặc chụp ảnh sau lưng bị cáo.
“Nhưng ở ta, báo chí cứ vô tư đăng ảnh các bị cáo trước phiên tòa. Điều này ảnh hưởng không tốt và không tôn trọng quyền riêng tư” - ông Độ nói.