Chiều mai (29-12), TAND tỉnh Hậu Giang sẽ tuyên án phúc thẩm (lần ba) đối với Huỳnh Hữu Nhơn (33 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gòi, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), bị cáo buộc tội cướp tài sản.
Trước đó, sau phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị hủy án để điều tra lại.
Vụ án xảy ra từ tháng 4-2016, trải qua ba lần xét xử sơ thẩm, hai lần tòa phúc thẩm tuyên hủy án. Bị cáo Trần Văn Rồi đã chấp hành án xong, nay ra tòa với tư cách người làm chứng; còn bị cáo Nhơn liên tục kêu oan.
Bị cáo Nhơn tại phiên tòa phúc thẩm lần ba. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Hai lần hủy án vì chứng cứ buộc tội quá yếu
Pháp Luật TP.HCM gọi đây là vụ “cướp xuyên không” bởi ngay từ đầu bị cáo Nhơn kêu oan rằng thời điểm xảy ra vụ án, Nhơn chở mía thuê ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, cách hiện trường khoảng 100 km. Nhiều nhân chứng xác nhận việc này, trong đó có chủ thu mua mía.
Theo hồ sơ, các cơ quan tố tụng huyện Phụng Hiệp đều cáo buộc rằng chiều 17-4-2016, Rồi chạy xe máy chở Nhơn, cả hai cướp của người bán vé số một túi xách. Nhơn lấy 1,05 triệu đồng, chia cho Rồi 300.000 đồng, còn túi xách và 15 tờ vé số Nhơn ném xuống sông. Sau đó, Rồi bị bắt và khai đi cướp cùng Nhơn.
Bản án sơ thẩm lần một và lần hai của TAND huyện Phụng Hiệp phạt Nhơn bốn năm tù, Rồi ba năm sáu tháng tù. Cả hai bản án đều bị cấp phúc thẩm hủy do có nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ. Lời khai của nhóm nhân chứng buộc tội Nhơn tại tòa có nội dung hoàn toàn trái ngược lời khai của chính họ tại cơ quan điều tra.
Tòa sơ thẩm lần ba tiếp tục kết án Nhơn bốn năm tù dù kết quả điều tra lại chưa đáp ứng triệt những vấn đề mà tòa phúc thẩm yêu cầu làm rõ.
Tại phiên phúc thẩm lần ba, VKS đề nghị hủy án để điều tra lại. Đặc biệt, Rồi là nhân chứng quan trọng chứng minh Nhơn phạm tội nhưng gần sáu năm nay, lời khai của Rồi có nhiều điểm mâu thuẫn và bất hợp lý; lời khai vào buổi sáng mâu thuẫn với lời khai vào buổi chiều, câu trước trái ngược với câu sau, mâu thuẫn với hồ sơ vụ án về thời gian, phương tiện gây án…
Đừng mang tâm lý “hủy án là thượng sách” Theo Điều 13 BLTTHS 2015, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì cơ quan tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Vụ án này phức tạp, với nhiều tình tiết quan trọng chưa được làm sáng tỏ, đặc biệt là các căn cứ để buộc tội Nhơn, trong khi bị cáo liên tục kêu oan và đưa ra chứng cứ ngoại phạm. Trải qua quá trình tố tụng gần sáu năm, tòa cần đưa ra phán quyết dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội chứ không thể kéo dài vụ án với tâm lý “hủy án là thượng sách.” Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai |
Tòa phúc thẩm cần mạnh dạn tuyên vô tội
LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) nhận định về vụ án: Dù điều tra nhiều lần nhưng các chứng cứ buộc tội còn rất yếu, kết quả điều tra không làm rõ mâu thuẫn trong các tình tiết quan trọng như đặc điểm nhận dạng, phương tiện phạm tội, lời khai của người làm chứng…
Ngược lại, nhiều nhân chứng đã làm chứng việc Nhơn đang chở mía thuê ở Kiên Giang tại thời điểm mà cơ quan tố tụng cáo buộc Nhơn đi cướp ở Phụng Hiệp, Hậu Giang. Đây là tình tiết gỡ tội quan trọng cần được xem xét để xác định sự thật khách quan.
Mọi hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện nhanh chóng, chính xác mọi hành vi phạm tội; làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội… có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án một cách đúng đắn.
Đây không phải là vụ án bắt quả tang. Cơ quan tố tụng nếu muốn không chấp nhận lời khai gỡ tội của nhóm nhân chứng ở Kiên Giang thì phải chứng minh được họ khai không đúng. Hơn nữa, việc kết tội cũng không thể căn cứ vào lời khai còn nhiều mâu thuẫn của nhóm nhân chứng buộc tội ở Hậu Giang.
Trên thực tế, phiên tòa phúc thẩm lần ba tiếp tục cho thấy có nhiều sự mâu thuẫn về thời gian phạm tội, kết luận điều tra và cáo trạng không trả lời được đầy đủ các vấn đề mà cấp phúc thẩm (lần hai) đã yêu cầu.
“Trải qua nhiều lần điều tra lại, chứng cứ buộc tội vẫn không chắc chắn. Vậy theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, nếu không đủ chứng cứ chứng minh Nhơn có mặt tại địa điểm chiếm đoạt tài sản thì tòa cần tuyên Nhơn không phạm tội. Không thể tiếp tục kéo dài vụ án, làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của Nhơn, cũng như ảnh hưởng niềm tin của người dân vào cơ quan tố tụng” - luật sư Quân nói.
Đã đến lúc đưa ra phán quyết độc lập, khách quan Dựa vào những tình tiết, diễn biến của phiên tòa, hai khả năng có thể xảy ra: Cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại hoặc hủy án sơ thẩm, tuyên bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án. Theo tôi, dưới góc độ những người xét xử ở cấp phúc thẩm, lựa chọn hủy án để điều tra lại là lựa chọn mang tính an toàn. Nhưng đã đến lúc tòa án phải đưa ra phán quyết cuối cùng để xác định số phận pháp lý của một con người, phán quyết ấy đòi hỏi sự độc lập, dựa vào các căn cứ pháp lý vững chắc và các nguyên tắc bao gồm: Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án: Cốt lõi của nguyên tắc này đó là trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Trong vụ án này, cấp phúc thẩm đã chỉ rõ nhiều vi phạm của cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên, các lần điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm trước đó vẫn chưa khắc phục được những thiếu sót và dường như chưa xác định các chứng cứ xác định sự vô tội của bị cáo (tình tiết ngoại phạm). Nguyên tắc suy đoán vô tội: Nguyên tắc này buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh lỗi của người bị buộc tội và các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phải theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Nếu lỗi không được chứng minh, đồng nghĩa với “sự vô tội được chứng minh” và chứng cứ để buộc tội nếu không bảo đảm các thuộc tính khách quan, thu thập đúng trình tự, thủ tục thì không được sử dụng là chứng cứ buộc tội. Đây là dấu hiệu quan trọng để xác định nguyên tắc thượng tôn pháp luật phản ánh bản chất của nhà nước pháp quyền hay không. Bản án kết tội phải dựa trên các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa; nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ về chứng cứ buộc tội đều phải được kiểm tra, làm rõ. Nếu không chứng minh làm rõ được thì những nghi ngờ này được hiểu và giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội. ThS CAO NGỌC SƠN, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang |