Ngày 14-1, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên về các biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Trong những ngày qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp bảo hộ công dân, đảm bảo công bằng, quyền và lợi ích hợp pháp cho Đoàn Thị Hương”.
Cũng theo bà Hằng, chiều ngày 12-3-2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah. Tiếp đó, ngày 13-3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng có thư gửi Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thomas. Ngày 14-3-2019, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã gặp Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Zamruni Khalid, đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, khách quan, trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã thăm lãnh sự đối với Đoàn Thị Hương ngay sau phiên tòa ngày 11-3.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời báo chí ngày 14.3
Tại phiên tòa sáng nay, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cũng trực tiếp tham dự phiên tòa để kịp thời hỗ trợ công dân Đoàn Thị Hương khi cần thiết. Đại sứ Lê Quý Quỳnh đã gặp và thăm hỏi, động viên Đoàn Thị Hương ngay sau khi kết thúc phiên tòa.
“Cần phải nói thêm rằng, ngay từ khi vụ việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp xúc với công dân Đoàn Thị Hương và gia đình, giải thích, hỗ trợ pháp lý, tìm luật sư, tìm kiếm nhân chứng theo đúng quy định của pháp luật sở tại và thông lệ quốc tế. Đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thường xuyên tiếp xúc với Đoàn Thị Hương và có mặt tại các phiên tòa, sẵn sàng hỗ trợ Đoàn Thị Hương khi cần thiết. Việt Nam cũng nhiều lần nêu vụ việc trong trao đổi các cấp kể cả cấp cao với Malaysia, đề nghị phía Malaysia xét xử công bằng, đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương.”, bà Hằng nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước các diễn biến gần đây ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Đồng thời Việt Nam cho rằng trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những câu trúc chưa có người ở tại biển Đông; hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực.”