Vụ đòi bồi thường oan 10,9 tỉ: Rút yêu cầu còn 3,6 tỉ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-3, TAND tỉnh Bình Dương xử vụ ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng "nhỏ", sinh năm 1961, ngụ huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) kiện VKSND tỉnh Tây Ninh yêu cầu bồi thường oan.

Ông Dũng (đứng) rút yêu cầu đòi bồi thường oan từ 10,9 tỉ xuống còn hơn 3,6 tỉ đồng. Ảnh: LÊ ÁNH

Phiên tòa này được mở lần đầu vào ngày 15-4-2020 nhưng phải hoãn. Tiếp đó, phiên tòa bị tạm hoãn nhiều lần đến nay mới xét xử lại.

Tại phiên xử, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Dũng cùng người đại diện đã rút lại một số danh mục yêu cầu bồi thường. Từ đó, số tiền ban đầu đòi bồi thường oan là 10,9 tỉ đã rút lại còn hơn 3,6 tỉ đồng.

Cụ thể, phía nguyên đơn rút lại yêu cầu bồi thường về tài sản và sức khỏe. Ngoài ra, các danh mục khác cũng giảm số tiền bồi thường.

Mặc dù, nguyên đơn đã rút yêu cầu đòi bồi thường khoảng 7 tỉ đồng, nhưng phía VKS tỉnh Tây Ninh vẫn không chấp nhận. Ảnh: LÊ ÁNH

Tại phiên xử, đại diện phía VKS tỉnh Tây Ninh không đồng ý với yêu cầu bồi thường từ phía nguyên đơn. Phía VKS tỉnh Tây Ninh cho rằng toàn bộ chi phí bồi thường phía VKS đã tính tất cả có thể, với số tiền theo quyết định bồi thường trước đây là hơn 1 tỉ đồng.

Ngoài ra, phía VKS cũng cho biết nếu nguyên đơn chấp nhận sẽ tiến hành bồi thường như quyết định trước đây theo đúng quy định.

Tuy nhiên, phía nguyên đơn không chấp nhận và đề nghị tòa tuyên buộc phía VKS bồi thường số tiền hơn 3,6 tỉ đồng.

HĐXX quyết định nghị án kéo dài, dự kiến sẽ tuyên án vào cuối tháng 3-2022.

Đại diện nguyên đơn chất vất bị đơn một số nội dung liên quan tại phiên tòa. Ảnh: LÊ ÁNH

Như PLO đã đưa tin, ông Dũng là một trong bảy nạn nhân của một gia đình bị oan suốt 40 năm trong vụ án cướp tài sản riêng của công dân xảy ra tại Tây Ninh.

VKS tỉnh Tây Ninh thừa nhận vụ án của ông Dũng oan sai. Sau thời gian dài trải qua nhiều thủ tục, đến ngày 31-10-2019, VKSND tỉnh Tây Ninh mới tổ chức buổi xin lỗi công khai bảy người bị oan tại UBND xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng là nơi vụ án xảy ra.

Đồng thời, VKS tỉnh đã bồi thường cho các nạn nhân mỗi người hơn 1 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, ông Dũng không đồng ý mức bồi thường và không thương lượng được nên khởi kiện ra tòa. Theo đơn khởi kiện ban đầu, ông Dũng yêu cầu VKS tỉnh Tây Ninh phải bồi thường tổng cộng 10,9 tỉ đồng gồm thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, chi phí kêu oan, mất thu nhập, mất tài sản.

Ông Dũng cho rằng VKSND tỉnh Tây Ninh đã bỏ qua thời gian 40 năm ông mang thân phận bị can và không giải quyết các thiệt hại về tài sản rất lớn của gia đình mình. Vì vậy, ông kiện ra tòa yêu cầu VKS thực hiện đúng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. 

Bắt oan bảy người trong một gia đình

Tối 26-7-1979, tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt được một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt bảy người trong gia đình cụ Võ Thị Thương (sinh năm 1925) bị bắt đưa về công an huyện điều tra

Hơn bốn năm bị giam cầm nhưng CQĐT tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của cụ Thương và gia đình. Đến ngày 11-5-1983 VKS tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và trả tự do cho họ. 

Tuy vậy, những quyết định về việc đình chỉ vụ án, dù đã có, vẫn không được trao cho bà và các thành viên khác trong gia đình. Riêng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng "lớn") là người duy nhất nhận được quyết định đình chỉ. Sau đó, ông Dũng đã được VKS tỉnh Tây Ninh công khai xin lỗi và bồi thường 615 triệu đồng. 

Tới ngày 4-4-2019, VKS tỉnh Tây Ninh mới trao quyết định đình chỉ điều tra cho bảy người còn lại trong gia đình bà Thương và sau đó tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường cho những người còn lại. Tuy nhiên, ông Dũng '"nhỏ" không chấp nhận và khởi kiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm