Vụ ‘đòi đền cánh tay’: Tòa kiên trì hòa giải

TAND TP.HCM vừa mở lại phiên xử phúc thẩm vụ anh Trần Xuân Trì (SN 1987) kiện Công ty CP SX Ninh Phát (Công ty Ninh Phát) yêu cầu bồi thường một cánh tay bị mất sau tai nạn lao động.

Đổ lỗi cho người lao động

Trước đó, ngày 29-1, tòa mở phiên xử phúc thẩm. Giám đốc Công ty Ninh Phát không đến mà ủy quyền cho người em tham gia tố tụng.

Sau phần thủ tục, chủ tọa hỏi thăm về công việc, sức khỏe và tình trạng cánh tay anh Trì. Anh chậm rãi nói: “Có người quen nhận tôi vào làm nhưng giờ chỉ có một tay nên lương thấp hơn người khác. Cái tay giờ không biết sao nữa, nó đau hoài à! Cùi xương này nhọn cứ đâm ra khó chịu lắm. Bác sĩ nói phải mổ lại mà tôi chưa có tiền”…

Anh Trì vò cùi tay cụt ngủn, nghẹn ngào nói tiếp: “Hồi đó máy cuốn đứt lìa cánh tay, ông Nguyễn Quang Vinh (con trai giám đốc Công ty Ninh Phát - NV) đưa tôi đi bệnh viện. Người khác ở lại tháo máy, lấy cánh tay tôi ra ướp đá đem tới bệnh viện nhưng nó nát hết rồi, không nối lại được”.

Cả phòng xử im lặng, không khí nặng nề.

Chủ tọa hỏi đại diện bị đơn vì sao người làm công của mình bị tai nạn mà bỏ mặc, người này đáp đã đưa đi bệnh viện và trả viện phí rồi. “Hôm đó công ty nghỉ Tết rồi. Các công nhân… tự vào vận hành máy chứ công ty không yêu cầu. Anh Trì chỉ làm thời vụ thôi chứ không phải lao động chính thức, anh ấy toàn phá thôi chứ không làm… Chúng tôi đòi mua bảo hiểm, đòi ký hợp đồng mà anh Trì không chịu… Anh ấy xin cho ở lại rồi tự vào chứ không ai yêu cầu” - đại diện bị đơn nói.

Anh Trần Xuân Trì đang yêu cầu Công ty Ninh Phát bồi thường tai nạn lao động. Ảnh: T.VÂN

Công ty quyết không bồi thường

Chủ tọa phiên tòa thắc mắc: “Người lao động đã bỏ công sức lao động ra, góp phần sinh lợi cho công ty thì bị nạn, công ty phải có trách nhiệm chứ. Anh Trì bị mất một cánh tay, lại là tay phải, giờ muốn chạy xe cũng không chạy được, còn nuôi vợ nuôi con”...

“Nói về chuyện về nhân văn trong cuộc sống. Công ty làm như thế tôi thấy có cái hậu không tốt. Người ta vào làm cho mình thì đủ hai tay, ra về chỉ còn một tay mà công ty còn đuổi việc. Thay vì thấy người ta như vậy, cho người ta làm một chân bảo vệ hay việc gì đó nhẹ nhàng, phù hợp hơn… Cấp sơ thẩm giải quyết như vậy chưa hẳn là đúng đâu, công ty đừng tự mãn. Tòa sơ thẩm chưa ngó ngàng gì tới quyền lợi của người lao động hết” - chủ tọa nói.

Đại diện bị đơn vẫn khăng khăng không bồi thường. Một thẩm phán khác khuyên: “Hai bên đều xa xứ lập nghiệp, hãy biết cảm thông cho nhau. Khi sự việc mới xảy ra, có thể vì bất ngờ nên hai bên bấn loạn, không biết cách xử lý. Có thể vì lời ăn tiếng nói thế nào đó mất lòng nhau mà kéo đến hôm nay. Giờ thì hai bên đều đã có nhiều thời gian để bình tâm hơn, hãy thương lượng với nhau cùng khắc phục hậu quả”.

Anh Trì đề nghị bị đơn hỗ trợ 150 triệu đồng. Đại diện bị đơn đề nghị nhận anh trở lại làm việc, ngoài ra không đồng ý hỗ trợ bất cứ khoản chi phí nào. Anh Trì không đồng ý.

Vợ ông Vinh có mặt tại phiên tòa (dự khán) xin trình bày ý kiến. Theo bà, sau khi anh Trì nghỉ thì chuyện làm ăn của Công ty Ninh Phát gặp rất nhiều khó khăn, gần như phá sản. “Anh Trì quá đáng lắm, chồng tôi bị tai nạn gần chết, gãy tay, gãy chân, gãy xương mặt..., anh Trì đưa thông tin này lên mạng chúc mừng, nói đây là quả báo. Vì anh ấy không có lương tâm nên giờ chúng tôi không hỗ trợ” - bà này nói.

Một thẩm phán phân tích rằng “anh Trì có cái oán của anh ấy không trách được, công ty hãy cư xử nhân văn trước”. “Bà cứ nghĩ duy tâm một chút, bà làm việc gì đó tốt cho anh Trì thì bệnh tình của chồng bà có khi tốt hơn nhiều rồi” - thẩm phán nói. Tuy nhiên, phía công ty vẫn nhất quyết không bồi thường.

“Đến báo để được tư vấn miễn phí”

Sau rất nhiều nỗ lực hòa giải không thành, một thành viên HĐXX phúc thẩm đã khuyên bị đơn một câu cuối cùng rằng “nếu bị đơn không hiểu biết pháp luật thì hãy tìm luật sư hoặc đến báo Pháp Luật TP.HCM để được luật sư tư vấn miễn phí”.

“Ở góc độ lương tâm, ông có suy nghĩ gì?”

HĐXX tạm ngưng phiên tòa phúc thẩm và mở lại mới đây. Tại buổi xét xử này, ông Nguyễn Quang Vinh chống nạng đến dự. HĐXX tiếp tục khuyên nhủ ông này: “Đấy ông nhìn đi, một con người lành lặn giờ đứng trước mặt ông tay ngắn, tay dài thế kia. Nhìn cánh tay của anh Trì thật lòng chúng tôi đau xót lắm! Ông từng bị tai nạn, từng cảm nhận được thế nào là đau đớn. Ở góc độ lương tâm, ông có suy nghĩ gì?”.

Đáp lại, ông Vinh khẳng định mình không có trách nhiệm gì, các công nhân tự vào vận hành máy nên ông không đồng ý bồi thường. Khi người làm chứng (một công nhân có mặt trong ngày tai nạn) kể lại sự việc, ông Vinh quay lại cự cãi với người này. HĐXX phải nhiều lần đề nghị ông Vinh giữ trật tự, nếu không sẽ mời ra ngoài phòng xử.

Nhận định vụ án có một số chứng cứ cần thu thập nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi phiên tòa có diễn tiến mới.

Làm thêm theo yêu cầu, bị mất cánh tay?

Theo đơn khởi kiện của anh Trần Xuân Trì, tháng 9-2013, anh vào làm nhân viên kỹ thuật, sửa chữa và bảo trì máy tại Công ty Ninh Phát. Hai bên không ký hợp đồng lao động nhưng anh vẫn lưu trú tại nhà tập thể của công ty. Hằng tháng công ty trả lương 6 triệu đồng, không đóng thêm bất kỳ khoản tiền bảo hiểm nào.

Ngày 5-2-2016, công ty tổ chức tất niên và cho công nhân nghỉ Tết. Do có máy móc cần sửa nên ông Nguyễn Quang Vinh (con bà Phạm Thị Định, giám đốc công ty) yêu cầu anh Trì cùng một số công nhân ở lại làm thêm một ngày. Anh Trì đồng ý ở lại làm việc, đến chiều thì xảy ra tai nạn lao động làm anh phải cưa cánh tay phải, suy giảm khả năng lao động đến 65%.

Theo anh Trì, sau tai nạn công ty đóng viện phí cho anh số tiền khoảng 14 triệu đồng. Đến tháng 8-2016, công ty đuổi việc anh. Anh đã nhiều lần làm đơn xin công ty hỗ trợ thêm 40 triệu đồng nhưng công ty từ chối. Vì vậy, anh khởi kiện yêu cầu TAND huyện Bình Chánh buộc công ty bồi thường cho anh hơn 200 triệu đồng. Xử sơ thẩm hồi tháng 10-2017, TAND huyện Bình Chánh đã bác yêu cầu của anh vì cho rằng ông Vinh không có chức vụ, quyền hạn gì trong công ty.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới