Như PLO đã thông tin, chiều ngày 30-7, một người đàn ông chạy xe máy mang theo can nhựa, nghi chứa xăng đến châm lửa đốt cây xăng Mả Vòng ở TP Nha Trang.
Hình ảnh từ camera an ninh tại cây xăng cho thấy, ngay khi vào gần một trụ xăng, người này xuống xe, mở nút can rồi đổ chất lỏng bên trong ra sàn và trụ xăng rồi châm lửa đốt.
Ngọn lửa bùng phát, khói đen bốc ngùn ngụt khiến những người đang đổ xăng chạy tán loạn.
Sau khi sự việc xảy ra, nhiều bạn đọc thắc mắc, pháp luật quy định chế tài ra sao đối với hành vi nguy hiểm nêu trên? Nếu người đó bị "ngáo đá", không ổn định tinh thần,... thì xử lý ra sao?
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thị Kim Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hành vi châm lửa đốt cây xăng là cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho tính mạng và tài sản của rất nhiều người. Theo pháp luật Việt Nam, hành vi này có thể bị xử lý theo các quy định sau:
Nếu hành vi này gây ra hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" quy định tại Điều 178 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Tùy thuộc vào giá trị tài sản bị hư hỏng, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi các khung hình phạt khác nhau được quy định tại Điều 178 nêu trên. Cụ thể:
Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, cổ vật.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; tài sản là bảo vật quốc gia; dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
Về dân sự, người gây ra thiệt hại có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan, bao gồm cả chi phí sửa chữa, thay thế tài sản và các tổn thất khác.
Theo Điều 21 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng này, sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người này có thể bị áp dụng các biện pháp chữa bệnh bắt buộc.
Trong trường hợp người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích,... thì người này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 13 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).