Ngày 1-4, một tòa nhà lãnh sự thuộc khu phức hợp Đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria) bị không kích. Vụ việc làm 7 người chết, trong đó có Tướng Mohamad Reza Zahedi - người giám sát các hoạt động quân sự bí mật của Iran ở Syria và Lebanon, 2 tướng lĩnh cấp cao khác, cùng một số cố vấn quân sự, theo tờ The New York Times.
Syria và Iran cáo buộc Israel là thủ phạm gây ra vụ tấn công trên.
Ngoại trưởng Iran - ông Hossein Amir-Abdollahian cho rằng Israel đã vi phạm nghĩa vụ và luật pháp quốc tế khi không kích toà nhà lãnh sự thuộc khu phức hợp Đại sứ quán Iran.
Israel không phủ nhận cũng không thừa nhận các cáo buộc này và tuyên bố không bình luận về vụ việc.
Các cơ sở ngoại giao luôn được bảo vệ đặc biệt. Vì vậy, các cuộc tấn công vào cơ sở ngoại giao là điều đặc biệt nghiêm trọng, cả về mặt luật pháp lẫn trong trí tưởng tượng của người dân.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, các chuyên gia cho rằng nếu Israel gây ra vụ tấn công Đại sứ quán Iran thì nước này có thể lập luận rằng hành động của họ không vi phạm luật pháp quốc tế về việc bảo vệ các cơ quan ngoại giao, theo The New York Times.
Không vi phạm công ước Vienna?
Trụ sở ngoại giao có quyền được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công hoặc các hình thức can thiệp khác của nước sở tại theo luật tập quán quốc tế, được quy định trong Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao và Lãnh sự.
Theo đó, Điều 22 của Công ước Vienna 1961 về Quan hệ Ngoại giao quy định: “Trụ sở của cơ quan đại diện là bất khả xâm phạm. Chính quyền nước tiếp nhận không được vào nơi đó nếu không có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan đại diện. Nước tiếp nhận có nghĩa vụ đặc biệt thi hành mọi biện pháp thích đáng để ngăn chặn việc xâm nhập hoặc làm hư hại trụ sở của cơ quan đại diện, việc phá rối sự yên tĩnh hoặc làm tổn hại đến phẩm cách của cơ quan đại diện”.
Những biện pháp bảo vệ này vẫn có hiệu lực ngay cả khi đại sứ quán được sử dụng cho mục đích tội phạm hoặc quân sự. Nước tiếp nhận có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao, hoặc thu hồi quyền miễn trừ ngoại giao của các cá nhân cụ thể và trục xuất họ khỏi quốc gia mình, nhưng vẫn phải “tôn trọng và bảo vệ” đại sứ quán và đồ đạc bên trong ngay cả sau khi cơ quan đại diện này đóng cửa.
Tương tự, trụ sở của lãnh sự quán cũng là nơi bất khả xâm phạm theo Điều 31 của Công ước Vienna 1963 về Quan hệ lãnh sự.
Mặc dù các quy tắc về quan hệ ngoại giao là nguyên tắc nền tảng của luật pháp quốc tế, nhưng các chuyên gia cho rằng chúng có rất ít giá trị trong trường hợp không kích ở Damascus hôm 1-4.
Lý do là những điều luật này chỉ đề cập trách nhiệm của “nước tiếp nhận”, mà trong trường hợp này là Syria và không nói gì về các cuộc tấn công của nước thứ ba trên lãnh thổ nước ngoài.
Ông Aurel Sari - GS luật quốc tế tại ĐH Exeter (Anh) nói với The New York Times rằng: “Israel là quốc gia thứ ba và không bị ràng buộc bởi các công ước về quan hệ ngoại giao nói trên, liên quan Đại sứ quán Iran ở Syria”.
Theo ông Sari, các nước tiếp nhận có nghĩa vụ bảo vệ đại sứ quán khỏi bị tấn công. Điều này về mặt lý thuyết có nghĩa là Syria có nghĩa vụ bảo vệ Đại sứ quán Iran nếu có thể. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những bước bảo vệ nào có thể được thực hiện trong trường hợp này.
Vụ tấn công có thể hợp pháp?
Ông Yuval Shany - GS luật quốc tế tại ĐH Hebrew (Israel) cho rằng: “Các đại sứ quán được bảo vệ khỏi những hành vi dùng vũ lực trong xung đột vũ trang, phần lớn không phải vì đó là đại sứ quán mà vì chúng là đối tượng dân sự. Vì vậy, về nguyên tắc, không được phép nhắm mục tiêu vào đại sứ quán giống như việc không được phép nhắm mục tiêu vào trường học”.
Tuy nhiên, đại sứ quán có thể mất những biện pháp bảo vệ đó nếu nó được sử dụng cho mục đích quân sự, như trường hợp nhà ở và các tòa nhà dân sự khác được quân đội trưng dụng trong thời chiến.
Người phát ngôn quân đội Israel - ông Daniel Hagari không xác nhận hay phủ nhận vai trò của Israel trong vụ tấn công nhưng nói với đài CNN rằng cuộc tấn công nhằm vào “một tòa nhà quân sự của Lực lượng Quds được ngụy trang thành tòa nhà dân sự ở Damascus”.
Thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran - quản lý Lực lượng Quds nói với The New York Times rằng cuộc tấn công này đã nhắm vào một cuộc họp trong đó các quan chức tình báo Iran và các nhân vật quân sự Palestine đang thảo luận về cuộc chiến ở Gaza. Trong số đó có các thủ lĩnh của nhóm Hồi giáo Palestine (Jihad) - nhóm được Iran tài trợ và trang bị vũ khí.
Theo ông Shany, nếu cuộc tấn công nhắm vào các cá nhân tham gia chiến dịch quân sự chống lại Israel, bao gồm việc qua một nhóm vũ trang ủy nhiệm, thì điều đó có thể có nghĩa là tòa nhà này là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Luật pháp quốc tế vẫn yêu cầu rằng khi tấn công thì lợi ích quân sự dự kiến sẽ phải lớn hơn tổn hại đối với dân thường và các vật thể dân sự. Đại sứ Iran tại Syria - ông Hossein Akbari phát biểu trên truyền hình rằng không có dân thường nào thiệt mạng trong vụ tấn công tòa nhà lãnh sự nằm trong khu phức hợp Đại sứ quán Iran.
Thủ phạm vẫn vi phạm luật?
Nếu Israel thực sự là thủ phạm vụ tấn công toà nhà lãnh sự nằm trong khu phức hợp Đại sứ quán Iran, trong trường hợp này, Israel đã sử dụng vũ lực chống lại hai quốc gia. Một là Iran - nơi có đại sứ quán và các tướng lĩnh bị nhắm mục tiêu và Syria - quốc gia nơi đặt đại sứ quán.
Ông Sari phân tích: “Một cuộc không kích của Israel được thực hiện ở Syria mà không có sự đồng ý của nước này sẽ vi phạm Điều 2(4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc về việc cấm một quốc gia sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào khác. Trừ khi Israel có thể chứng minh rằng việc không kích là hành động tự vệ, nếu không thì sẽ vi phạm luật quốc tế”.
Theo chuyên gia Shany, hiện tại vẫn còn sự tranh luận giữa các chuyên gia pháp lý về cách thức và thời điểm về việc thực hiện quyền tự vệ để bào chữa cho việc tấn công vào lãnh thổ của nước thứ ba.
“Đó vẫn là một câu hỏi trong luật pháp quốc tế. Ở mức độ nào thì bạn có thể toàn cầu hóa chiến dịch của mình và đưa nó đến lãnh thổ của các nước thứ ba? Bạn có thể nhắm mục tiêu vào tài sản quân sự ở các nước thứ ba ở mức độ nào? Ở một mức độ nào đó, những chiến dịch chống khủng bố toàn cầu cũng gặp những câu hỏi như vậy” - ông Shany nói.