Vụ ép hôn: Không sửa luật, dễ tiếp diễn Kiss Cam

Vụ ép hôn trong thang máy nhưng chỉ bị phạt 200.000 đồng đã gây bức xúc trong dư luận. Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 để xử phạt tuy không sai (nhưng cũng không đúng) cho thấy quy định pháp luật hiện hành liên quan đến hành vi quấy rối tình dục (QRTD) hiện còn bất cập. Vì vậy, nhiều chuyên gia pháp luật đề xuất cơ quan chức năng cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung quy định để phù hợp với thực tiễn nhằm trừng trị thích đáng hành vi này.

TS CAO VŨ MINH, ĐH Luật TP.HCM:

Nên quy định rõ các hành vi quấy rối tình dục

TS CAO VŨ MINH, ĐH Luật TP.HCM

Điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 quy định người nào “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; thì bị xử phạt 100.000 đến 300.000 đồng”. Hiện nay, chưa có bất kỳ chế tài hành chính nào đề cập chính xác về hành vi ép hôn như vụ việc vừa xảy ra ở Hà Nội cả. Do đó, việc xử phạt 200.000 đồng của Công an quận Thanh Xuân về hành vi ép hôn cô gái mang tính chất “mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý” hơn là để răn đe, phòng ngừa chung.

Rõ ràng ở đây ai cũng thấy mức phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Nhưng như đã nói, vì chưa có chế tài hành chính về hành vi ép hôn và ở đây người đàn ông đã có tác động vào thân thể của cô gái chứ không phải có hành vi như mô tả trong điều luật nói trên nên không thể kết luận quyết định xử phạt của Công an quận Thanh Xuân là đúng hay sai mà chỉ là chưa phù hợp.

Do đó theo tôi, Nhà nước cần mô hình hóa ngay (có thể dưới dạng liệt kê, mô tả) các hành vi có thể gọi là QRTD. Nghị định 167/2013 tồn tại nhiều bất cập, chưa theo sát được thực tiễn để hướng đến mục tiêu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay các bộ/ngành và địa phương đang phối hợp để xây dựng một dự thảo, tiến tới việc sửa đổi hoặc ban hành một nghị định mới thay thế cho Nghị định 167/2013. Nhưng trước mắt, cần sửa theo hướng tăng mức phạt đối với nhóm các hành vi vi phạm hành chính. Cũng không nhất thiết phải bêu tên người vi phạm mà cần hướng tới việc xử phạt sao cho họ nhận thức lỗi lầm của mình và có biện pháp khắc phục hậu quả tương xứng với hành vi đã gây ra.

TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG, ĐH Luật TP.HCM:

Đừng để tái diễn trào lưu Kiss Cam

TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG, ĐH Luật TP.HCM

Khảo sát toàn bộ nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, không chỉ hành vi ép hôn (thực chất quy định là có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác) có chế tài quá nhẹ mà nhiều hành vi khác cũng thế. Ví dụ, cố ý gây thương tích cho người khác cũng chỉ phạt 2-3 triệu đồng…

Tôi nghĩ nhất thiết phải sửa ngay nghị định này, vì nó đã tồn tại gần sáu năm và không còn phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng được nguyên tắc kịp thời và nghiêm minh của pháp luật. Cần tăng chế tài cho cả nhóm hành vi này theo hướng phân hóa chi tiết từng hành vi vi phạm, tránh như tình trạng quy định chung mức phạt (như trường hợp đã xảy ra là mua bán 100 USD có mức phạt như mua bán 10.000 USD).

Giả sử người đàn ông ở trong thang máy đó bị bệnh truyền nhiễm và sau khi hôn đã lây bệnh cho cô gái thì xử lý sao? Hoặc cô gái đó bị hoảng loạn về tinh thần rất nặng hoặc do bị “đè ép hôn” mà té gây tổn thương nhẹ thì xử phạt như thế nào cho hợp lý?

Đã từng có một thời (vào năm 2015) trào lưu Kiss Cam (đè người lạ hôn môi) biến tướng gây phản cảm và mất an ninh trật tự, gây sự lo lắng và phẫn nộ cho dư luận. Sau đó, do các nạn nhân không tố cáo và may mắn là trào lưu biến tướng này tự biến mất. Lần này, nếu không sửa luật để xử lý nghiêm khắc thì sẽ tạo tiền lệ xấu, có khả năng sẽ có người chịu phạt để hôn.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM:

Tăng mức xử phạt

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự

Trong vụ này, ta thấy không có dấu hiệu về hình sự, cụ thể không phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 BLHS) vì: Bị hại không phải là người dưới 16 tuổi (cô gái trong vụ này đã 20 tuổi) và không có hành vi dâm ô trong tình huống này. Hành vi ép hôn cũng không có dấu hiệu của tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS) vì hành vi này không phải là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Và do không có dấu hiệu tội phạm nên Công an quận Thanh Xuân đã xử phạt người đàn ông 200.000 đồng.

Từ vụ việc này cũng có ý kiến đề nghị bổ sung vào trong BLHS tội QRTD. BLHS năm 2015 chỉ tội phạm hóa hành vi QRTD dưới dạng hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, việc mở rộng tội phạm hóa hành vi QRTD là điều cần cân nhắc cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế ở nước ta. Và chúng ta cũng cần lưu ý rằng trong pháp luật hình sự có một nguyên lý là việc sử dụng biện pháp hình sự chỉ được coi là giải pháp cuối cùng khi các biện pháp xử lý hành chính, dân sự, giáo dục… không có hiệu quả.

Ở hướng này, tôi đồng ý với ý kiến cho rằng cần tăng mức xử lý hành chính đối với hành vi nêu trên ở các nội dung: (1) tăng mức phạt tiền - vì mức phạt tiền 100.000 đến 300.000 đồng là chưa hợp lý với tình hình hiện nay và không đủ để răn đe đối với hành vi vi phạm; (2) quy định thêm biện pháp khắc phục hậu quả.

Điểm chú ý trong vụ việc này là Công an quận Thanh Xuân đã xử phạt người đàn ông 200.000 đồng về hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 5 nghị định này không quy định biện pháp khắc phục hậu quả “buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu”. Do đó, về mặt pháp lý, cơ quan chức năng không thể buộc người vi phạm phải công khai xin lỗi nạn nhân.

Trên thực tế, để đáp ứng yêu cầu của dư luận xã hội, cơ quan chức năng đã “sáng tạo” xử lý tình huống bằng cách để các bên thỏa thuận về việc công khai xin lỗi nạn nhân (đây là sự thỏa thuận giữa các bên chứ không phải là biện pháp xử lý hành chính). Tuy nhiên, thực tế cho thấy người vi phạm liên tục thất hẹn và không chịu xin lỗi cô gái nên các cơ quan chức năng không thể làm gì được.

Do đó, ở hướng này cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về xử lý hành chính theo hướng: (1) cụ thể hóa hơn nữa các hành vi vi phạm pháp luật hành chính về xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; (2) tăng mức phạt tiền; (3) bổ sung thêm các biện pháp khắc phục hậu quả như “buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu”. Có như thế mới đáp ứng yêu cầu đấu tranh với các hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người, đặc biệt là với phụ nữ.

Cần mạnh tay hơn với nạn quấy rối tình dục

Nhiều nước trên thế giới quy định hành vi QRTD chỉ cần bằng lời nói đã đủ để khởi tố hình sự. Tuy nhiên, ở Việt Nam nếu chỉ dừng lại ở mức độ sàm sỡ, QRTD thì hiện tại việc tìm chứng cứ gặp nhiều khó khăn và thường không rõ ràng. Hiện nay, hành vi QRTD đối với người trên 16 tuổi chưa được quy định trong BLHS. Do đó, cơ quan chức năng không thể khép vào tội danh nào để xử lý khi người bị tố cáo chưa thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân. Muốn xử lý hình sự thì phải sửa luật hoặc có hướng dẫn thêm. Xuất phát từ thực tế nạn QRTD phổ biến, chúng ta nên có quy định cứng rắn hơn, mạnh tay hơn để làm cơ sở xử lý.

Pháp luật cần bảo vệ trẻ em và phụ nữ từ ban đầu, phải ngăn chặn trước nguy cơ chứ không nên đợi xảy ra hậu quả như bị sờ mó bộ phận sinh dục hay bị hiếp rồi mới xử lý tội tương ứng… Không phải mọi quy định của pháp luật khi ban hành đều nhận được sự đồng thuận của mọi người. Tuy nhiên, nếu cần thiết để bảo vệ người dân, bảo vệ phụ nữ và nhất là trẻ em thì cũng nên mạnh dạn bổ sung thêm tội danh tương ứng với hành vi QRTD này (chẳng hạn tội “có hành vi tấn công tình dục”). Trong đó, điều luật cần liệt kê chi tiết các hành vi khách quan của tội này như cố ý đụng chạm vào mông, ngực, đùi... hoặc hun vào má, tay... mà không có sự đồng ý của nạn nhân…

Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm