Cưỡng hôn bị phạt 200 ngàn: Phải thêm luật có mức phạt nặng!

Liên quan đến vụ việc ông Đ.M.H cưỡng hôn nữ sinh P.H.V (20 tuổi) trong thang máy tại chung cư Golden Palm (Hà Nội), Công an quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) đã xử phạt hành chính đối với ông H.

Theo đó, ông H. bị xử phạt 200.000 đồng vì “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Đây là mức phạt trung bình, vì điều khoản trên quy định người vi phạm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Ngoài ra, công an cũng đã lập biên bản ngăn chặn, yêu cầu ông H. cam kết không tái phạm, không được có các hành vi tương tự.

Vượt ra ngoài cử chỉ, lời nói

Nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình về việc xử phạt này vì việc ngang nhiên sàm sỡ, gây xây xát cho nạn nhân của ông H. là rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm hơn. Bản thân chị V. cho biết cảm thấy buồn, không thỏa đáng trước mức phạt dành cho ông H. Cũng theo chị V., ngày 16-3 vừa qua, ông H. hẹn gặp chị tại Công an quận Thanh Xuân để xin lỗi nhưng không đến, cũng không có một lời xin lỗi.

Theo ThS Lê Nguyễn Nhật Minh, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, việc ông H. chỉ bị xử phạt 200.000 đồng là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Dù chưa đến mức xử lý hình sự nhưng tính chất nguy hiểm của hành vi trên hoàn toàn vượt xa câu, từ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 là “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

Theo đoạn băng ghi hình trong thang máy, chúng ta thấy rõ ông H. đã từng bước muốn đạt được mục đích của mình. Ban đầu là tiếp cận, bắt chuyện, rồi đến chặn cửa thang máy, ghì ôm và hôn chị V. Chỉ đến khi gặp phải sự chống trả của chị V. thì ông H. mới chấm dứt hành vi và từ bỏ ý định tiếp theo. Hành vi này nguy hiểm hơn một “cử chỉ thô bạo” được mô tả trong điều luật rất nhiều.

“Đây không đơn thuần là cử chỉ thô bạo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi này cũng không đơn thuần là chỉ xâm phạm đến trật tự công cộng. Đây là một hành động có chủ đích, cố ý, tuy chưa gây ra thiệt hại lớn nhưng đã xâm hại đến danh dự và thân thể của một cô gái, người được pháp luật đặc biệt bảo vệ” - ThS Minh nói.

Theo ThS Minh, chế tài tại Nghị định 167/2013 chưa bao hàm hết mức độ nguy hiểm và đủ mức nghiêm khắc để răn đe hành vi này. Cần cắt nghĩa rõ thế nào là hành vi quấy rối tình dục nhưng chưa đến mức xử lý hình sự để có quy định khác xử phạt hành chính cho phù hợp theo hướng tăng mức tiền xử phạt lên cao hơn.

Hình ảnh chị V. bị ông H. cưỡng hôn trong thang máy. Ảnh: INTERNET

Cần tăng mức phạt

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng mức phạt như trên là quá nhẹ và chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Video ghi lại cảnh ông H. đã cố thực hiện hành vi đến cùng dù nạn nhân đã phản kháng. Trong khi chị V. cho biết sự việc là một cú sốc, gần nửa tháng qua chưa hết bàng hoàng, sợ hãi, còn ông H. thì không có một biểu hiện nào hối lỗi. Vì thế cần sửa quy định về xử phạt theo hướng tăng mức phạt tiền.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 quy định việc xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín… mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Vì vậy, chị V. có thể khởi kiện đòi bồi thường về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm và buộc ông H. phải công khai xin lỗi tại nơi sinh sống và nơi bị sàm sỡ.

Đồng tình, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho rằng mức phạt trên chưa đủ răn đe so với hậu quả mà chị V. phải hứng chịu và không đủ ngăn chặn việc tái phạm. Để quấy rối tình dục không còn là vấn nạn thì pháp luật cần phải bổ sung quy định mới theo hướng nâng mức phạt và liệt kê chi tiết hơn các hành vi được coi là quấy rối tình dục.

Pháp luật khuyến khích người dân mạnh dạn tố giác hành vi quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em. Vì thế nếu việc xử lý không mạnh tay, không tương xứng thì không chỉ ảnh hưởng đến người bị hại mà còn tạo ra xã hội bất ổn.

Quấy rối tình dục ở các nước bị xử sao?

Malaysia: Bất kỳ ai xúc phạm phẩm giá phụ nữ bằng lời lẽ, cử chỉ hay phô bày đồ vật với ý định để người phụ nữ đó nghe và thấy lời nói, cử chỉ hay đồ vật này sẽ bị phạt tù mức cao nhất là năm năm, hoặc bị phạt tiền, hoặc bị phạt cả hai.

Singapore: Các hành vi hôn, đụng chạm thân mật hoặc giao cấu mà không có sự đồng ý của nạn nhân được xem là quấy rối tình dục. Ngoài hình phạt tù và phạt tiền, người phạm tội còn chịu phạt roi.

Canada: Điều 271 BLHS 1985 quy định bất kỳ ai quấy rối tình dục đều phạm tội. Đối với các hành vi quấy rối tình dục ít nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù với thời hạn tối đa không quá 18 tháng, hoặc nếu nạn nhân dưới 16 tuổi có thể bị phạt tù với thời hạn không quá hai năm và hình phạt tù tối thiểu có thời hạn sáu tháng.

Pháp: Người nào lạm dụng quyền lực đe dọa, ép buộc người khác quan hệ tình dục sẽ bị buộc tội quấy rối tình dục, bị phạt tù không quá một năm và phạt tiền.

Iceland: Người nào dùng quyền lực trong công việc để ép cấp dưới quan hệ tình dục sẽ bị phạt tù cao nhất đến ba năm. Các hình thức quấy rối tình dục khác có án phạt tù mức cao nhất là hai năm.

Mỹ: Là một trong những nước đầu tiên ban hành luật về quấy rối tình dục. Theo đạo luật Quyền công dân Liên bang năm 1964 của Mỹ, quấy rối tình dục là một trong các hình thức phân biệt giới tính. Luật định nghĩa quấy rối tình dục là dùng lời ve vãn tình dục, yêu cầu quan hệ tình dục trái ý muốn của người khác, dùng cử chỉ, lời nói gợi ý về tình dục…

Úc: Quấy rối tình dục là bất kỳ hành vi tình dục không mong muốn nào mà trong trường hợp đó một người bình thường sẽ có thể cảm thấy bị xúc phạm, bị sỉ nhục hoặc bị đe dọa; bao gồm các hành vi hướng tới quan hệ tình dục như đụng chạm vào cơ thể mà không được sự đồng ý.

ĐỖ THIỆN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm