Vụ giết người ở Bình Phước: Hủy án vì kết tội chưa vững chắc

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa tuyên hủy án sơ thẩm vụ bị cáo Điểu Phong (ngụ ấp Sóc Bưng, xã Thanh Phú, thị xã Long Bình, Bình Phước) giết người để điều tra, xét xử lại từ đầu. Theo tòa, vụ án có khá nhiều tình tiết mâu thuẫn, chứng cứ kết tội mơ hồ, chưa chắc chắn…

Giết bà chỉ vì một lời mắng?

Theo hồ sơ, chiều 9-10-2011, sau khi uống rượu tại nhà, Điểu Phong cùng em rể là Điểu Sớm tiếp tục rủ bạn bè qua nhà bà ngoại mình để nhậu. Tàn cuộc vui, mọi người về, anh em Phong và Sớm do quá say nên ngủ lại. Do quá chén, Phong nôn ói ra nhà. Thấy vậy, bà ngoại của Phong lớn tiếng chửi mắng làm Phong không vui, bỏ sang nhà một người bà con gần đó ngủ.

Gần sáng hôm sau, còn bực tức chuyện bị bà ngoại mắng, Phong lấy dao quay lại đâm nhiều nhát khiến nạn nhân gục ngã, bất tỉnh. Lúc này Sớm thức dậy đi vệ sinh sau vườn, thấy Phong chạy vội rồi mất dạng trong vườn điều, không biết chạy đi đâu. Nghe tiếng nạn nhân kêu la, Sớm và mọi người trong nhà chạy tới đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng vì vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong.

Vào cuộc, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước xác định Phong là kẻ thủ ác nên bắt, khởi tố về tội giết người. Sau đó, Sớm cũng bị khởi tố về tội không tố giác tội phạm vì cho rằng Sớm nhìn thấy Phong ôm, đâm nạn nhân nhưng không khai báo.

Bị cáo Điểu Phong sau phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: HY

Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 3 của TAND tỉnh Bình Phước, Phong liên tục kêu oan, rằng mình bị điều tra viên ép cung nên mới nhận tội. Tuy nhiên, tòa nhận định tại bản cung có luật sư, người phiên dịch cùng các bản tự khai do người cùng trại giam viết giùm (Phong không biết chữ - PV), bị cáo đều xác định không bị ép cung, nhục hình và thành khẩn nhận tội.

Kết quả thực nghiệm hiện trường cho thấy lời khai nhận tội của bị cáo là phù hợp. Đồng thời, bị cáo Sớm cũng xác nhận mình không có mâu thuẫn gì với Phong, lời khai nhìn thấy Phong ôm và đâm nạn nhân là chính xác.

Từ đó, tòa kết luận đủ cơ sở xác định Phong phạm tội giết người với hai tình tiết tăng nặng định khung là giết bà và có tính chất côn đồ (điểm đ và điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS). Tòa phạt Phong án tù chung thân, Sớm 17 tháng tám ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội không tố giác tội phạm. Sau đó, Phong kháng cáo kêu oan.

Thận trọng để tránh oan sai

Tại phiên tòa phúc thẩm, công tố viên đặt nghi vấn ở lời khai bất thường của bị cáo Sớm, nhân chứng khai Phong là kẻ thủ ác. Theo đó, trong bút lục ngay sau khi xảy ra vụ án một ngày, Sớm khai sáng 5 giờ 30 thức dậy cùng vợ thấy ngoại dậy đi ra ngoài khoảng 2 phút không quay lại, không thấy Phong giết bà. Nhưng 10 ngày sau, bị cáo này khai sáng dậy quan hệ với vợ xong (khoảng 5 giờ 30) rồi đi tiểu và thấy Phong kẹp vai ngoại. Theo kiểm sát viên, cần làm rõ từ giường ngủ đến chỗ Sớm đi tiểu là bao xa. Vì theo Sớm, lúc đó chỉ cách Phong 3 m nên nhìn rất rõ. Như vậy khoảng cách 3 m là rất gần mà Sớm không nghe thấy gì thì cần xem lại. Bởi khi kẻ thủ ác ra tay sát hại thì nạn nhân có sự chống đối, kêu la mà những người trong nhà không hay biết. Đến khi nạn nhân kêu “Chết tôi rồi!”, mọi người chạy ra và nạn nhân đã chết. Thời gian ẩu đả giữa bị cáo và nạn nhân lại nhanh chóng vậy sao?

Kiểm sát viên cũng yêu cầu triệu tập thêm hai nhân chứng đang bị giam cùng (một người viết lời khai giùm bị cáo, người kia khai nghe bị cáo kể lại việc giết người) để làm rõ tính xác thực và tính khách quan của lời khai.

Công tố viên cho rằng vụ án này phạm tội không quả tang, xảy ra trong nội bộ gia đình, bị cáo và nhân chứng... đều là người dân tộc. Chứng cứ duy nhất là lời khai Sớm nhìn thấy vụ việc xảy ra và lời nhận tội của Phong trong quá trình điều tra. Ngoài ra không có chứng cứ trực tiếp, chứng cứ vật chứng nào để quy kết vững chắc. Quá trình điều tra ban đầu cả Phong và Sớm đều không nhận tội. Sau đó Phong lại xin gặp trưởng trại để khai nhận tội, đến khi xét xử lại kêu oan. Gia đình bị cáo cũng đồng loạt kêu oan cho bị cáo.

Mặt khác, giai đoạn điều tra chưa chặt chẽ như có thu giữ con dao cho nhận dạng nhưng lại không tiến hành trưng cầu giám định cơ chế hình thành vết thương xem có phù hợp với thương tích trên người nạn nhân không... Từ đó, VKS yêu cầu tòa hủy án để điều tra làm rõ những mâu thuẫn trong hồ sơ và tránh oan sai.

Vợ nhân chứng tố chồng khai man

Sau phiên xử sơ thẩm, cha mẹ Phong kháng cáo kêu oan cho con. Theo đó, họ cho rằng lời khai của họ cùng các nhân chứng vụ án tại cơ quan điều tra lại khác hẳn so với lời khai có trong hồ sơ tại tòa. Lời khai của Sớm tại tòa bất nhất và không đúng sự thật, dường như có sự sắp đặt của ai đó.

Dì của Phong nói Phong không thể cầm dao sát hại bà vô cớ như vậy. “Khi nghe mẹ kêu la cầu cứu, tôi là người chạy ra ôm mẹ đầu tiên, không thấy bóng ai, còn Sớm chạy ra sau. Nên việc Sớm khai thấy Phong ôm và đâm ngoại là vô lý và khai man” - người dì bức xúc.

Đặc biệt, vợ của Sớm cho rằng chồng khai không trung thực và vu oan cho người khác. “Hôm xảy ra án mạng, hai vợ chồng tôi ngủ chung, sáng sớm dậy cùng trò chuyện rồi ân ái trên giường. Chỉ đến khi nghe tiếng kêu cứu cả hai mới cùng chạy ra khỏi phòng. Trong thời gian nói trên, chồng tôi không rời giường nửa bước thì làm sao thấy Phong ôm và đâm bà mình?” - vợ Sớm nói.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới