“Lẽ ra sau khi xử phạt Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường, Sở TN&MT phải tăng cường giám sát và giám sát thường xuyên thì sẽ không xảy ra sự cố vỡ hồ” - ngày 17-6, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết như trên.
Khai thác khoáng sản khi chưa được phép
Cùng ngày, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc vỡ hồ chứa, gây lũ cát tại xã Thuận Quý của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường.
Theo đó, sáng 16-6, tại mỏ khai thác titan Nam Suối Nhum của Công ty Tân Quang Cường xảy ra sự cố vỡ hồ chứa nước tạo thành dòng chảy lớn gồm nước, cát, bùn tràn qua nhà ở của người dân. Một lượng lớn bùn cát vùi lấp khoảng 290 m đường ĐT 719 làm xe cộ không thể lưu thông…
Diện tích bị cát tràn lấp được xác định rộng gần 2 ha và nằm trong khu vực dự án resort Hiếu Nam. Qua kiểm tra cho thấy hồ nước bị vỡ rộng gần 3 ha, nguyên nhân là do Công ty Tân Quang Cường đã bơm tải nước về hồ nhưng không kiểm tra thường xuyên. Xung quanh hồ chứa đều là đất cát nên lâu ngày tạo thành dòng chảy ngầm dẫn đến vỡ hồ.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Công ty Tân Quang Cường tổ chức khai thác khoáng sản tại khu vực này là sai vì công ty này chưa được cấp phép khai thác tài nguyên, chưa được cấp phép xả thải vào nguồn nước, chưa được Bộ TN&MT xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường và chưa được Nhà nước có hợp đồng cho thuê đất. “UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Tân Quang Cường dừng ngay mọi hoạt động kể cả hoạt động xây dựng cơ bản và tập trung xử lý, khắc phục ngay khối lượng cát có nguy cơ sạt lở khi có mưa xuống” - ông Hòa nhấn mạnh.
Lượng cát khổng lồ từ trên cao đổ xuống vùi lấp cả lớp trên nền nhà người dân. Ảnh: PN
Sở TN&MT xử lý khó hiểu
Theo tài liệu chúng tôi có được thì phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn thuộc Sở TN&MT đã kiểm tra, lập biên bản, báo cáo cho Sở TN&MT về các vi phạm của Công ty Tân Quang Cường từ tháng 11-2015. Đó là vi phạm về việc xây dựng trái phép trạm bơm Suối Nhum, khai thác titan trái phép ở nhiều khu vực (trên tổng diện tích tác động hơn 10 ha), chưa được xác nhận hoàn thành kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án... Báo cáo cũng nêu công ty này còn đào hồ trái phép (là hồ chứa nước vừa bị vỡ - PV) không có trong thiết kế.
Trước hàng loạt vi phạm như thế nhưng Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận là “qua một số đợt kiểm tra chưa phát hiện Công ty Tân Quang Cường tiến hành khai thác”… Ngoài ra, hàng loạt vấn đề mà công ty này vi phạm đều được Sở TN&MT “hóa giải”. Bức xúc trước sự việc này, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, đã gửi kiến nghị đến UBND tỉnh và Tỉnh ủy Bình Thuận. Ông Tám cho rằng Sở TN&MT có dấu hiệu bao che, né tránh xử lý vi phạm của Công ty Tân Quang Cường.
Sau các kiến nghị này, ngày 30-3, Sở TN&MT mới tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định xử phạt Công ty Tân Quang Cường 84 triệu đồng về hai hành vi khai thác sử dụng nước và chiếm đất nông nghiệp trái phép.
Khi PV đặt vấn đề về các dấu hiệu cho thấy Sở TN&MT ưu ái cho Công ty Tân Quang Cường thì ông Hòa cho rằng chỉ do sở này không giám sát thường xuyên. “Sau khi xảy ra sự cố trên, tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT phân công ngay một phó giám đốc trực tiếp theo dõi, chỉ đạo kiểm tra, giám sát các hoạt động của công ty này” - ông Hòa nói.
Xác định nguyên nhân, khắc phục sự cố trước ngày 21-6 Trưa 17-6, tổ công tác của Bộ TN&MT đã vào tỉnh Bình Thuận để xác định nguyên nhân, xử lý sự cố. Tổ này vào hiện trường là theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Theo chỉ đạo của Bộ TN&MT, tổ này sẽ phối hợp với tỉnh Bình Thuận yêu cầu tạm dừng ngay mọi công việc sản xuất của Công ty Tân Quang Cường để điều tra nguyên nhân sự cố. Trường hợp nếu phát hiện có vi phạm nghiêm trọng hoặc có sự buông lỏng trong quản lý thì tổ cần đình chỉ hoạt động, đề nghị xem xét thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản… Đ.TRUNG |