Cuối tuần qua, báo Pháp Luật TP.HCM có phản ánh vụ việc nhóm học sinh lớp 6, 7 Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12 đánh bạn học dã man vì lý do ghen tuông. Sau khi báo phát hành, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc tỏ ra phẫn nộ với hành vi của các cháu. Và bạn đọc cũng đặt vấn đề quản lý lỏng lẻo của nhà trường và trách nhiệm của ban giám hiệu, cụ thể là hiệu trưởng.
Đánh trong giờ học, nhà trường chỉ rút kinh nghiệm!
Đoạn clip được quay vào lúc 10 giờ 45 ngày 19-4, và kéo dài hơn 6 phút, thời điểm này học sinh vẫn còn ở trường. Nhóm học sinh này đã vào lớp điều em H. lên phòng thí nghiệm vật lý để đánh bạn. “Vào thời điểm trước khi quay, nhóm học sinh này phải mất ít nhất 10 phút để đưa bạn vào phòng vắng đánh đập” - một giáo viên của trường phân tích. Thế nhưng khi sự việc xảy ra lại không một học sinh, giáo viên nào hay biết.
Theo lời em H., nhóm này đánh em ít nhất là bốn lần suốt hai tháng qua, có bạn thấy được vào can ngăn nhưng không hề báo với giáo viên. Và bản thân em H. cũng không dám tố cáo vì khiếp sợ. Hiện sức khỏe H. tạm ổn nhưng em vẫn còn lo lắng, sợ các bạn trả thù. Chị Trần Thị Hồ, mẹ H., cho biết: “Mấy ngày nay, ban giám hiệu đình chỉ học tập nhóm học sinh trên nên cháu vào lớp học, đi thi có vẻ ít sợ hơn nhưng giờ tan học tôi phải nhờ người nhà đưa đón và có sự can thiệp của công an địa phương để bảo vệ cháu”.
Môi trường học đường cần sự đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Trong ảnh: Một giờ học kỹ năng lãnh đạo lớp tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều. Ảnh: TƯ LIỆU
Được biết sau khi sự việc được phát giác, ban giám hiệu Trường Nguyễn Hiền đã họp và rút kinh nghiệm. Hiệu trưởng Cao Ngọc Anh cũng đã phê bình cấp dưới mình là thầy Nguyễn Hiếu Trí, Phó Hiệu trưởng, trưởng ban kỷ luật nhà trường vì đã để vụ việc xảy ra.
Ông Ngô Ngọc Sơn, cảnh sát khu vực khu phố 4 phường Tân Thới Hiệp, quận 12, cho biết: Công an quận đã chỉ đạo, giao công an địa phương giám sát, ngăn chặn không để nhóm học sinh trên có cơ hội đánh bạn với bất kỳ lý do gì. Trong thời gian cháu học ở trường, nhà trường phải bảo vệ cháu, nếu có sự việc gì thì gọi báo công an phường can thiệp.
Xem xét lại hệ thống Đoàn, Đội các trường
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV (Sở GD&ĐT TP.HCM), nhấn mạnh: Sở sẽ chỉ đạo Phòng Giáo dục quận 12 xem xét lại hệ thống hoạt động Đoàn, Đội của các trường, phân tích vụ việc cụ thể này. Tại sao phòng thí nghiệm vật lý của trường mở cửa và ai trông coi trong thời gian đó. Hoạt động Đoàn, Đội như thế nào, công tác giám thị ra sao mà học sinh bị đánh từ trong trường quần áo xộc xệch, đầu tóc bù xù mà không một ai phát hiện.
Mẹ cháu H. cho biết: Mấy ngày nay, cô hiệu trưởng chỉ gọi điện thoại kêu chị dẫn cháu đi khám, thuốc men điều trị và nhớ mang hóa đơn về để phụ huynh bốn học sinh kia chi trả. “Tôi không đòi hỏi nhà trường phải bồi thường thiệt hại vật chất hay tinh thần gì, chỉ mong nhà trường và công an giải quyết thỏa đáng, tạo môi trường học đường trong sạch. Cuối cùng nếu họ không làm được việc này thì tôi sẽ kiện nhà trường với lý do quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, khiến con tôi bị hành hạ thể xác lẫn tinh thần” - chị Hồ nói.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết: “Phụ huynh cháu H. có thể khởi kiện đòi nhà trường bồi thường thiệt hại do sự quản lý lỏng lẻo của mình khiến học sinh bị xâm hại về thể xác và tinh thần. Bởi lẽ theo Điều 621 Bộ luật Dân sự, người dưới 15 tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nếu trường học chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi phải bồi thường” - luật sư Hồng Liên phân tích.
Ngăn chặn từ chuyện nhỏ để tránh bạo lực Tất cả học sinh trường tôi đều ký cam kết “nói không với bạo lực học đường” và giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt phải nhắc đi nhắc lại việc này thường xuyên. Khi nghe học sinh nói gì, bàn tán gì, tố cáo bạn như thế nào, giáo viên chủ nhiệm không được bỏ qua dù chuyện nhỏ. Mặt khác, nhà trường có ký kết với công an phường, khi có sự việc xảy ra, chúng tôi báo họ tới để hỗ trợ, giải quyết. Học sinh nào bị bạn đe dọa đánh, báo với nhà trường thì có công an viên đến đưa về nhà an toàn và làm việc với những học sinh tổ chức đánh bạn, báo gia đình cùng tham gia giáo dục. Thầy LÊ VĂN QUANG, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Chính Thắng 1, Hóc Môn Nhà trường có thể ngăn chặn được bạo lực Trách nhiệm của nhà trường chủ yếu ngăn ngừa, phòng chống là chính. Với trường trung học, cần một chuyên viên tư vấn tâm lý, nơi các em có thể tin tưởng, giãi bày bức xúc khi không tiện nói với gia đình, thầy cô giáo trong nhà trường, đặc biệt tâm lý sợ hãi khi bị trả thù vì đã cung cấp thông tin. Thầy cô giáo bộ môn, giáo viên chủ nhiệm sâu sát trong từng tiết dạy, kịp thời nắm bắt diễn biến tâm sinh lý học sinh từng giai đoạn như sa sút trong học tập, ngủ gục, bỏ tiết, tụ tập sau giờ về để kịp thời phối hợp với phụ huynh chấn chỉnh kịp thời. Giám thị không thể quán xuyến hết học sinh trong giờ chơi nên việc quản lý thông qua đội sao đỏ gắn với tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh thu hút sự hiếu động của các em như: văn nghệ, xem phim, thư viện lưu động... Khi đó học sinh không hoặc ít cơ hội (vì đông người), sẽ hạn chế các hành vi bạo lực. Thầy NGUYỄN VĂN VƯỢNG, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình |
QUỐC VIỆT