Sáng 23-12, nhiều học sinh của hai trường cấp I, cấp II xã Ninh Hiệp vẫn tiếp tục bỏ học để cùng với gia đình tập trung phản đối dự án xây trung tâm thương mại (TTTM) tại bãi để xe chợ Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đây là ngày thứ ba liên tiếp, các em bỏ học theo yêu cầu của gia đình để phản đối dự án trên…
Không muốn mất bãi đậu xe
Ngày 23-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà V. - một tiểu thương tại chợ Nành, cho hay bà con tiểu thương chợ Nành đã nhiều lần kiến nghị phản đối việc xây dựng TTTM tại bãi đỗ xe chợ Nành nhưng không ai giải quyết. Cực chẳng đã họ mới phải ra bãi đỗ xe “ăn nằm tại chỗ”, thậm chí kéo các đứa nhỏ đang tuổi ăn tuổi học đi theo.
“Chúng tôi mất từ mấy chục đến vài trăm triệu đồng/năm mới thuê được các ki-ốt vài m2 để bán hàng. Chợ có mỗi cái bãi đỗ xe cũng bị lấy để xây TTTM rồi, làm ăn sao được nữa” - bà V. nói. Theo bà V., hiện chợ Nành, chợ đầu mối bán vải, quần áo cho toàn miền Bắc hiện có duy nhất một bãi đỗ xe. Nếu lấy bãi đỗ xe này để xây TTTM thì không có ai vào chợ để mua hàng nữa. Vì thế khoảng một tuần nay, hàng ngàn tiểu thương chợ Nành đã ra tập trung tại bãi đỗ xe của chợ để phản đối.
Theo quan sát của chúng tôi, ngay đối diện với bãi đỗ xe, nơi sắp xây TTTM có hai TTTM khác đã được xây dựng từ năm đến sáu năm nay gồm TTTM Sơn Long cao năm tầng và TTTM Phúc Điền cao ba tầng. Cả hai TTTM này chỉ có khu vực tầng một là có ki-ốt hàng, các tầng trên hầu như bỏ trống. Các tiểu thương chợ Nành cho hay các ki-ốt tại hai trung tâm thương mại trên đều có giá hàng chục tỉ đồng/9-10 m2.
Các em học sinh cùng người dân tiếp tục phản đối việc xây trung tâm thương mại. Ảnh: TP
Sẽ xin ý kiến TP để giải quyết
Chiều 23-12, ông Hoàng Anh Tú, Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Lâm, cho biết: “Việc xây dựng trung tâm thương mại trong chợ là chủ trương đã có từ lâu, được UBND TP phê duyệt. Mọi thủ tục đều được thực hiện công khai minh bạch. Thẩm quyền phê duyệt, quyết định dự án này đều nằm ở cấp thành phố. Huyện và xã chỉ là đơn vị thực hiện”.
Theo ông Tú, vào ngày 15-9-2012, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho Công ty TNHH đầu tư thương mại và phát triển Vĩnh Phát thuê gần 5.000 m2 đất tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) để thực hiện dự án xây dựng hạng mục chợ và dịch vụ thương mại theo dự án được UBND TP Hà Nội cấp giấy phép đầu tư vào tháng 2-2015. Thời gian thuê đất đến ngày 12-2-2065. Diện tích trên bao gồm 2.600 m2 đất hiện là bãi đỗ xe của chợ Nành. Toàn bộ diện tích đất này thuộc đất công ích của địa phương. Căn cứ vào đó, ngày 9-12, Công ty Vĩnh Phát đã có thông báo khởi công công trình, sau đó thì gặp sự phản đối của người dân.
“Mấu chốt tiểu thương chợ Nành phản đối dự án này nằm ở chỗ dự án đã lấy mất phần đất làm bãi đỗ xe của chợ Nành. Người dân đã kiến nghị về việc này từ hai năm nay. Chính quyền địa phương đã nhiều lần gặp gỡ đối thoại nhưng bà con không chịu” - ông Tú nói.
Ông Tú cho biết để giải quyết việc này địa phương cũng đã quy hoạch một bãi đỗ xe khác nằm sau hai TTTM Phúc Điền và Sơn Long (cách bãi đỗ xe cũ khoảng 300 m). Bãi đỗ xe mới được triển khai xây dựng cùng với bãi đỗ xe cũ.
“Chiều nay (23-12), UBND huyện cũng đã tổ chức họp với các thôn, xã Ninh Hiệp. Ngày mai huyện sẽ có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hà Nội về hướng giải quyết vụ việc vì hiện thẩm quyền quyết định cho triển khai dự án hay không là ở cấp TP. Trước mắt, huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tuyên truyền vận động bà con, tìm cách đưa học sinh đi học lại và tìm sự đồng thuận giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp…” - ông Tú nói.
Cũng theo ông Tú, chợ Nành được xây dựng trên diện tích 6.000 m2, thiết kế ban đầu có quy mô cho khoảng hơn 400 hộ tiểu thương kinh doanh vải, quần áo. Tuy nhiên, do nhiều tiểu thương tự ý mua đi, bán lại nên tổng số hộ kinh doanh tại chợ đã lên đến hơn 1.300 hộ. Chợ hiện quá tải, có nguy cơ mất an toàn cháy nổ cao. Đầu tháng 12-2015, UBND huyện Gia Lâm đã làm việc với các sở, ngành của Hà Nội để xin ý kiến về việc cải tạo, mở rộng chợ Nành để bà con có chỗ buôn bán an toàn.
Giáo viên vẫn đứng lớp Theo Phòng GD&ĐT Gia Lâm, trong ngày 23-12, số học sinh bỏ học đi với cha mẹ đã ít hơn. Trường cấp 2 với tổng số 940 học sinh đã có khoảng 30% học sinh đến trường, còn trường cấp 1 tổng số 1.600 học sinh đã có khoảng 60 học sinh tới lớp. “Đỉnh điểm nhất là ngày 21-12, cả trường chỉ có một vài em đến lớp. Sáng sớm hôm đó, nhiều người lớn đã tập trung trước cổng trường không cho các cháu vào học, giáo viên chúng tôi phải thuyết phục mãi họ mới cho vào trường. Mấy hôm nay, chúng tôi ai cũng lo lắng, bất an” - cô giáo NTMH, giáo viên Trường THCS Ninh Hiệp, cho hay. Theo cô giáo H., đa phần học sinh nghỉ học là do người lớn ép buộc. Do vụ việc xảy ra đột ngột nên mọi kế hoạch của trường bị đảo lộn. Ban giám hiệu nhà trường suốt mấy ngày nay đều phải lên Phòng GD&ĐT huyện để họp, rồi “báo cáo lên, báo cáo xuống”. “Hiện nhà trường mới chỉ áp dụng biện pháp tuyên truyền, vận động gia đình cho các cháu đi học lại, đồng thời có thư ngỏ gửi gia đình học sinh thông qua Hội Phụ huynh của trường. Bên cạnh đó, giáo viên của trường đều đứng lớp cho dù chỉ có 1-2 em học sinh đến học” - cô giáo H. cho hay. |