Chiều 28-5, phiên xử phúc thẩm vụ chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của năm công ty do Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm thực hiện bước vào phần tranh luận.
Trong vụ án, có một công ty không kháng cáo là Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên. Theo án sơ thẩm, Huyền Như đã dùng hợp đồng giả gồm chữ ký và con dấu để lừa Công ty Hưng Yên gửi tiền vào tài khoản mở tại VietinBank. Sau khi Công ty Hưng Yên gửi 537 tỉ đồng, Huyền Như đã dùng tiền chiếm đoạt từ các tổ chức, cá nhân khác để thanh toán gần 337 tỉ đồng nợ gốc, thanh toán lãi suất trong hợp đồng là 14% (khoảng 1,9 tỉ đồng) và gần 6,5 tỉ đồng lãi ngoài hợp đồng. Đáng lưu ý, khi Huyền Như chuyển trả tiền gốc, lãi trong hợp đồng và lãi ngoài hợp đồng thì người chuyển tiền đều là các tổ chức, cá nhân khác, không phải là VietinBank nhưng Công ty Hưng Yên hoàn toàn không nghi ngờ hoặc có ý kiến nào...
Theo bản án sơ thẩm, Huyền Như đã sử dụng tiền của mình (thực chất là chiếm đoạt của các tổ chức, cá nhân khác) để trả lãi ngoài hợp đồng và các khoản chi cho các cá nhân của năm công ty trên với tổng số tiền 90,7 tỉ đồng...
Hai bị cáo Huyền Như và Anh Tuấn.
Luật sư (LS) của Huyền Như đồng ý với việc đại diện VKS đề nghị bác các kháng cáo và y án sơ thẩm. LS cho rằng các công ty bị Như chiếm đoạt tiền thực chất là công ty "sân sau" do các ngân hàng lập nên để che đậy giao dịch gửi tiền bất hợp pháp nhằm kiếm lợi nhuận trái quy định. Các công ty này chỉ đứng tên, làm trung gian mở tài khoản thanh toán theo yêu cầu của các ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Thực chất đây là hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản, vi phạm pháp luật. Các công ty bỏ mặc lợi ích của chủ tài khoản, tạo điều kiện thuận lợi cho Như chiếm đoạt tiền...
Ngược lại, LS của SBBS không đồng tình với VKS và LS của Huyền Như. LS của SBBS cho rằng trong quá trình thụ lý vụ án, TAND TP.HCM từng ba lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số tình tiết liên quan đến việc định tội Huyền Như. Trong quyết định trả hồ sơ, tòa nhận định: "Chỉ sau khi năm công ty mở tài khoản tại VietinBank và gửi tiền, tiền được hạch toán đầy đủ trên hệ thống của ngân hàng thì Huyền Như mới giả chữ ký để chuyển tiền ra khỏi hệ thống của VietinBank Chi nhánh TP.HCM rồi chiếm đoạt”.
“Nhận định này của TAND TP.HCM là đúng với bản chất của vụ án. Tuy nhiên, sau đó không hiểu vì lý do gì, tòa này đã tuyên ngược lại với nhận định nêu trên dù kết quả điều tra bổ sung không có gì mới” - LS của SBBS nói.
Huyền Như được dẫn giải về trại sau phiên xử.
"Các công ty đã mở tài khoản hợp lệ trên hệ thống VietinBank, sau đó chuyển tiền vào hệ thống. Đại diện VietinBank cũng xác nhận sau khi khách hàng gửi tiền, hệ thống của VietinBank đã tự động cập nhật. Việc mở tài khoản giữa khách hàng và VietinBank đã phát sinh quan hệ dân sự giữa bên gửi tiền là khách hàng, bên nhận tiền và quản lý tiền là ngân hàng. Tính chất quan hệ dân sự đã được xác định rõ. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm đã lờ đi trách nhiệm của VietinBank để ngân hàng này không phải bồi thường" - LS phân tích.
LS cũng nhấn mạnh vào thời điểm năm 2011, hàng chục ngân hàng tiến hành huy động lãi suất vượt trần và pháp luật không cấm. Chính vì vậy không thể nói các công ty vì lòng tham mà gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao. Chính vì VietinBank là ngân hàng lớn nên khách hàng mới gửi tiền và khi tiền gửi vào ngân hàng vẫn chưa bị mất, cho đến khi bị Huyền Như chiếm đoạt. Từ đó LS kết luận: "VietinBank là nạn nhân của Huyền Như trong vụ án này và VietinBank có trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng".
Tương tự, LS của Công ty Toàn Cầu cũng cho rằng lỗi ở đây là hoàn toàn do sơ hở trong quản lý con người, trong cơ chế điều hành của VietinBank, gây thiệt hại cho chính VietinBank.
Trước đó, các LS có đề nghị thay đổi tư cách tố tụng của VietinBank phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Ngày mai (29-5), phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận trước khi HĐXX đưa ra phán quyết.