Xử Huyền Như: Nhân viên công ty bị hại căng băng rôn trước tòa

Phiên tòa phúc thẩm được mở sau khi có kháng cáo của bị cáo Võ Anh Tuấn và bốn nguyên đơn dân sự là các công ty CP Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Chứng khoán Phương Đông, Đầu tư và thương mại An Lộc.

Xử Huyền Như: Nhân viên công ty bị hại căng băng rôn trước tòa ảnh 1
Huyền Như tại tòa sáng nay. Ảnh: HY

HĐXX phúc thẩm do thẩm phán Đặng Văn Thành làm chủ tọa cùng hai thẩm phán phụ xử, kiểm sát viên cao cấp là ông Hồ Sỹ Hoàn.
Ngay trước giờ mở phiên xử, bị cáo Huyền Như có chút khá lạ. Dù đã hầu tòa từ lúc sinh con đến lúc con đã sáu tuổi nhưng không như những lần trước, hôm nay bị cáo Huyền Như có phần lẩn tránh ống kính của các nhà báo.
Ngoài ra, trước tòa cũng có nhân viên một công ty bị hại của vụ án căng băng rôn thể hiện mong muốn đối với phiên xử này.

Nhân viên một công ty bị hại của vụ án căng băng rôn trước tòa. Ảnh: HY

Theo quyết định đưa ra xét xử, tòa đã triệu tập năm nguyên đơn dân sự là các công ty SBBS, Bảo hiểm Toàn Cầu, Chứng khoán Phương Đông, An Lộc và Hưng Yên, cùng 18 cá nhân, pháp nhân khác với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong đó có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của VietinBank Chi nhánh TP.HCM: ông Trương Minh Hoàng (phó giám đốc), ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên giám đốc), bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên phó giám đốc).
Cũng như giai đoạn xét xử sơ thẩm, ông Sẽ và bà Hương có đơn xin vắng mặt vì đang đi chữa bệnh ở nước ngoài. Theo thống kê của thư ký, 13/18 người, đơn vị liên quan vắng mặt sáng nay.
Các luật sư đề nghị tòa triệu tập năm người nguyên là lãnh đạo VietinBank Việt Nam và Chi nhánh TP.HCM, đại diện Ngân hàng Nhà nước và thay đổi tư cách tố tụng đối với VietinBank phải là nguyên đơn dân sư.
Đối với các yêu cầu triệu tập luật sư nêu, VKS cho rằng không cần thiết bởi qua nhiều cấp xét xử hồ sơ đã có lời khai đầy đủ của họ để xem xét...
HĐXX sau khi thảo luận đã quyết định việc triệu tập người liên quan và những người luật sư cho rằng có liên quan thì trong quá trình điều tra, tố tụng sơ đến phúc thẩm đã làm rõ nên không đồng ý với đề nghị của luật sư.
Các đề nghị khác HĐXX cũng thống nhất với ý kiến của VKS.
Hiện chủ tọa đang tóm lược lại nội dung vụ án trước khi bắt đầu vào phần xét xử...
Ngày 9-2, sau hai ngày xét xử, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Huyền Như tù chung thân, Anh Tuấn bảy năm tù cùng về tội lừa đảo.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc Huyền Như bồi thường cho bốn công ty: Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty CP Đầu tư và thương mại An Lộc; buộc Huyền Như và Anh Tuấn bồi thường cho Công ty CP Đầu tư Hưng Yên.
Hai bị cáo này từng bị truy tố về tội lừa đảo trong đại án 4.000 tỉ đồng mà TP.HCM xử năm 2014. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao (nay là TAND Cấp cao) tại TP.HCM nhận định hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 1.085 tỉ đồng của năm công ty có dấu hiệu của tội tham ô tài sản nên đã hủy phần này để điều tra, xét xử lại.
Quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra xác định có lỗi của năm công ty khi thực hiện thỏa thuận trái pháp luật với Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định của Nhà nước. Xét cả quá trình từ khi Huyền Như hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, xuyên suốt vụ án Huyền Như là hành vi lừa đảo. Vì vậy, VKS vẫn tiếp tục truy tố Như về tội lừa đảo như trên.
Bản án sơ thẩm mới nhận định số tiền trên 1.085 tỉ đồng của năm công ty, qua hồ sơ, chứng cứ và diễn biến phiên tòa có đủ cơ sở khẳng định Huyền Như đã chiếm đoạt. HĐXX nhận thấy từ khi Huyền Như hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành là hành vi lừa đảo. Bản án nêu Huyền Như đã lợi dụng các cá nhân, đơn vị muốn nhận lãi suất cao (một số cá nhân là người môi giới, đại diện các đơn vị gửi tiền có ý thức tư lợi cá nhân) để thỏa thuận trái pháp luật, dẫn dụ gửi tiền vào VietinBank. Sau đó Huyền Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống được trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho Huyền Như. Bằng thủ đoạn này, từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2011 Huyền Như đã chiếm đoạt được hơn 1.085 tỉ đồng từ tài khoản của năm công ty tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM.
Trước đó, ngày 7-1-2015, Huyền Như đã bị TAND Cấp cao xử phúc thẩm tuyên y án tù chung thân và bản án đó đang có hiệu lực, Huyền Như đã thi hành gần hai năm. Nay thêm bản án mới này nếu có hiệu lực thì tổng hợp bị cáo phải chấp hành chung vẫn là tù chung thân... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm