‘Siêu lừa’ Huyền Như tham ô chứ không lừa đảo?

LTS: Trong và sau phiên xử sơ thẩm vụ án Huyền Như chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng của khách hàng gửi tiền tại VietinBank (tháng 2-2018), có nhiều ý kiến khác nhau về tội danh cũng như trách nhiệm dân sự của Huyền Như và VietinBank trong vụ việc này. Mới đây Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều ý kiến phân tích, bàn luận về vấn đề này. Chúng tôi giới thiệu để rộng đường dư luận.

Ngày 28-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xử phúc thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank Chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng của Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya cùng bốn công ty khác.

Trước đó, tháng 2-2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã phạt Huyền Như tù chung thân, Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ VietinBank Chi nhánh TP.HCM) bảy năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buộc hai bị cáo liên đới bồi thường cho một công ty, buộc Huyền Như bồi thường cho bốn công ty còn lại. Sau phiên xử, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc và chuyên gia cho rằng về mặt pháp lý, hành vi của Huyền Như là tham ô tài sản mới đúng.

Huyền Như tham ô tài sản?

Theo cựu Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế, việc không xử lý Huyền Như về tội tham ô tài sản là chưa thấy rõ bản chất của vụ án. VietinBank có trách nhiệm quản lý, khai thác tiền khách hàng gửi vào VietinBank và có nghĩa vụ trả lãi cùng gốc cho khách hàng. Không ai phủ nhận Huyền Như có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, phải coi tiền của khách hàng đã gửi vào VietinBank là tiền mà VietinBank quản lý. Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình tại VietinBank để chiếm đoạt tiền do VietinBank quản lý nên có dấu hiệu tham ô.

Luật sư (LS) Nguyễn Hoàng Nam (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng: cáo trạng kết luận Huyền Như chủ ý lừa đảo từ đầu nhằm chiếm đoạt tiền của năm công ty thông qua việc dẫn dụ trả lãi suất cao, trả hoa hồng để họ gửi tiền. Đúng là Huyền Như có ý thức gian dối nhằm chiếm đoạt tiền nhưng là chiếm đoạt tiền của VietinBank. Huyền Như dẫn dụ khách hàng gửi tiền với lãi suất cao nhưng khách hàng không gửi tiền cho cá nhân Huyền Như mà gửi vào VietinBank (do Huyền Như đại diện đi kêu gọi thu hút vốn). Các khách hàng tin tưởng thương hiệu, uy tín của VietinBank mà gửi tiền vào VietinBank chứ không gửi tiền cho cá nhân Huyền Như.

Hồ sơ cho thấy toàn bộ tiền của khách hàng nộp vào tài khoản được mở tại VietinBank, được hạch toán, báo số dư và trừ phí tài khoản đầy đủ. Các sai sót, thiếu sót về nghiệp vụ quản lý của VietinBank là nguyên nhân khiến Huyền Như chiếm đoạt tiền chứ không liên quan tới năm công ty gửi tiền. Việc Huyền Như chiếm đoạt tiền là trách nhiệm của VietinBank trong việc quản lý tài sản của khách hàng mở tại VietinBank. Theo quy định, VietinBank quản lý, sử dụng tiền trong tài khoản của khách hàng mở tại VietinBank, có nghĩa vụ bảo vệ và chịu trách nhiệm nếu phát sinh rủi ro từ tài khoản do mình quản lý. Các yếu tố này dẫn tới kết luận là Huyền Như chiếm đoạt tiền của VietinBank thông qua việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn tại VietinBank để làm giả hồ sơ, chứng từ rút tiền.

Hai bị cáo Huyền Như, Anh Tuấn tại phiên tòa tháng 2-2018. Ảnh: PL

VietinBank phải bồi thường?

Về phần dân sự, TS-LS Bùi Quang Tín (giảng viên ĐH Ngân hàng (NH)) nhận xét VietinBank phải bồi thường thiệt hại cho năm công ty.

Theo TS Tín, thứ nhất phải khẳng định năm công ty mở tài khoản tại VietinBank đúng quy định. Thứ hai, năm công ty đã chuyển tiền vào tài khoản của năm công ty tại VietinBank đúng quy định. Tài khoản của năm công ty tại VietinBank đã hiển thị số dư. Đến bước này, giữa hai bên đã phát sinh quyền và nghĩa vụ liên quan. VietinBank có trách nhiệm bảo vệ an toàn tiền trong tài khoản của khách.

“Cần lưu ý sau khi tiền của năm công ty đã vào tài khoản của năm công ty tại VietinBank thì Huyền Như mới làm giả chữ ký, làm giả con dấu của NH, của khách hàng để chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng tại VietinBank sang các tài khoản của Huyền Như. Đây là việc trong nội bộ của NH, rủi ro đạo đức và tác nghiệp của NH. Do đó, NH phải tự đi đòi tiền lại từ Huyền Như” - TS Tín phân tích.

Mặt khác, nếu Huyền Như không phải là người của VietinBank thì có thể lấy được tiền của khách hàng không? Xét về khía cạnh này, VietinBank có lỗi trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng, có lỗi trong việc quản lý cán bộ, nhân viên, buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát để Huyền Như phạm tội, gây thiệt hại trực tiếp đến khách hàng.

Theo TS Tín, nhận định của tòa sơ thẩm hồi tháng 2-1018 không xem xét Điều 12 Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại NH Nhà nước và tổ chức tín dụng ban hành kèm Quyết định số 1284/2002 của NH Nhà nước (về trách nhiệm của NH) mà chỉ căn cứ vào Điều 13 (về nghĩa vụ của khách hàng) là không phù hợp.

Theo Điều 12 quy chế này, NH có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, kịp thời các lệnh thanh toán, các yêu cầu sử dụng tài khoản của khách hàng phù hợp với quy định hoặc thỏa thuận giữa NH và khách hàng. Kiểm soát các lệnh thanh toán của khách hàng, đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký…

Thực tế vụ án cho thấy VietinBank không kiểm soát và phát hiện các lệnh thanh toán giả, không lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, khớp đúng với các yếu tố do chủ tài khoản đã đăng ký hợp pháp tại VietinBank, để Huyền Như dễ dàng thực hiện các thủ đoạn gian dối để chuyển tiền.

- Tháng 9-2011, Huyền Như cùng đồng phạm bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

- Tháng 10-2013, VKSND Tối cao truy tố Huyền Như lừa đảo 4.000 tỉ đồng và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

- Tháng 1-2014, TAND TP.HCM xử sơ thẩm phạt Huyền Như tù chung thân về hai tội danh trên.

- Tháng 1-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hủy phần án sơ thẩm liên quan đến 1.085 tỉ đồng của năm công ty, cho rằng Huyền Như có dấu hiệu tham ô tài sản.

- Tháng 12-2016, VKSND Tối cao truy tố Huyền Như và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, TAND TP.HCM hai lần trả hồ sơ yêu cầu làm rõ dấu hiệu tham ô của Huyền Như.

- Tháng 11-2017, VKSND Tối cao truy tố Huyền Như và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Tháng 2-2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm kết án Huyền Như và Võ Anh Tuấn về tội danh trên. 

Các bên liên quan nói gì?

Sau phiên xử sơ thẩm hồi tháng 2-2018, các công ty kháng cáo cho rằng họ không phải là nguyên đơn dân sự mà chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Huyền Như không chiếm đoạt tiền của họ mà chiếm đoạt tiền của VietinBank. VietinBank có lỗi trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng, trong quản lý nhân viên, buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát để Huyền Như và đồng phạm phạm tội, gây thiệt hại trực tiếp cho khách hàng. Theo các công ty, Huyền Như phạm tội tham ô tài sản. Do đó, các công ty đề nghị tòa phúc thẩm xác định VietinBank là nguyên đơn dân sự và buộc VietinBank bồi thường thiệt hại cho họ...

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về các vấn đề này, Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết không nên bình luận bởi tất cả vấn đề đều phải giải quyết dựa trên kết luận của cơ quan pháp luật. “Quan điểm của VietinBank là phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đối với vụ việc này đã có đủ cơ sở pháp lý cho nên phải tuân thủ theo các kết luận của cơ quan pháp luật” - ông Thọ nói.

Trong các phiên tòa trước đây, đại diện VietinBank đều đề nghị bác bỏ yêu cầu bồi thường của năm công ty đối với VietinBank. Các LS của VietinBank cũng cho rằng không thể buộc VietinBank trả lại số tiền Huyền Như chiếm đoạt của năm công ty…

Những quan điểm trái chiều

Quá trình điều tra vụ án Huyền Như giai đoạn 1, VKSND Tối cao từng nhận định CQĐT xác định Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không đúng tội danh nên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, sau đó VKSND Tối cao lại truy tố Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tháng 1-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy một phần bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM để điều tra lại đối với Huyền Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng của năm công ty vì có dấu hiệu tham ô tài sản...

Sau đó, kết luận điều tra và cáo trạng vụ án Huyền Như giai đoạn 2 xác định có lỗi của năm công ty khi thực hiện thỏa thuận trái pháp luật với Huyền Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định... và xét cả quá trình từ khi Huyền Như hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, xuyên suốt là hành vi lừa đảo. Thụ lý vụ án, TAND TP.HCM từng hai lần trả hồ sơ yêu cầu làm rõ dấu hiệu tham ô tài sản của Huyền Như nhưng VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm.

Tháng 2-2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm nhận định từ khi Huyền Như hình thành ý thức chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của năm công ty đến khi tội phạm hoàn thành là hành vi lừa đảo. Huyền Như lợi dụng việc năm công ty muốn nhận lãi suất cao để thỏa thuận trái pháp luật, dẫn dụ gửi tiền vào VietinBank, sau đó Huyền Như lập chứng từ, ký giả chữ ký chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng tại VietinBank để chiếm đoạt...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm