Vũ khí khiến quân đội Ukraine e ngại hơn cả xe tăng Nga

(PLO)- Các loại pháo cỡ nòng trung bình từ 20 mm – 40 mm được trang bị trên phương tiện chiến đấu bộ binh, phương tiện phòng không và các hệ thống khác đang gây ra tổn thất lớn cho lực lượng bộ binh cũng như các mục tiêu khác ở Ukraine.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khi xe tăng và những khẩu pháo hạng nặng đang nhận được sự chú ý lớn tại Ukraine thì một loại vũ khí khác cũng tỏ ra nguy hiểm không kém, đó là các loại pháo cỡ nòng trung bình từ 20 mm – 40 mm, theo trang Business Insider.

Uy lực pháo cỡ nòng trung bình

Các loại pháo cỡ nòng trung bình từ 20 mm – 40 mm được trang bị trên phương tiện chiến đấu bộ binh, phương tiện phòng không và các hệ thống khác đang gây ra tổn thất lớn cho lực lượng bộ binh cũng như các mục tiêu khác của Ukraine.

xe-chien-dau-bo-binh.jpg
Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Nga. Ảnh: Military-Today.com

Chuyên gia về chiến tranh mặt đất Sam Cranny-Evans - học giả nghiên cứu tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI, tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh tại London, Anh) - cho hay tại chiến trường Ukraine, cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng pháo tự động 2A42 cỡ nòng 30 mm có từ thời Liên Xô – loại pháo được lắp trên các phương tiện do Nga thiết kế như xe chở bộ binh BMP-2, BMP-3 và BMD-4M cũng như các phiên bản BTR-3 và BTR-4 của Ukraine.

Những khẩu pháo trên được sử dụng rộng rãi, sở hữu hỏa lực mạnh mẽ và đã định hình sức mạnh chiến đấu của lực lượng Nga và Ukraine, ông Cranny-Evans nhận xét

Ông Cranny-Evans tiết lộ một binh sĩ Ukraine hồi năm ngoái phàn nàn rằng các xe bọc thép chở quân của Nga “đáng sợ hơn cả xe tăng” vì các khẩu pháo trang bị trên những phương tiện này khai hỏa nhanh hơn.

“Vết thương do các hệ thống này gây ra thật khủng khiếp. Trúng một phát đạn là cơ thể người đó gần như nổ tung” – binh sĩ Ukraine trên nói.

Binh sĩ này nói thêm rằng xe bọc thép của Nga dễ dàng phá hủy nhưng không dễ đối phó khi giao tranh trực tiếp.

Pháo cỡ nòng trung bình có thể tấn công bộ binh từ xa hoặc thậm chí phá hủy xe tăng. Cả hai khả năng này đang được tận dụng tại Ukraine và dường như các đội hình bộ binh khó có thể đối phó những khẩu pháo trên nếu họ không được hỗ trợ, ông Cranny-Evans nói.

Chuyên gia này nói thêm rằng những khẩu pháo này cũng đóng vai trò quan trọng trong tác chiến đô thị.

Chưa chắc khẩu pháo lớn sẽ có hỏa lực tốt nhất

Thường thì mọi người coi những khẩu pháo lớn nhất sẽ có hỏa lực tốt nhất nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Một xe tăng chiến đấu chủ lực như M-1 của Mỹ hay T-72 do Liên Xô thiết kế được trang bị pháo cỡ nòng 120 mm hoặc 125 mm có thể phá hủy những xe tăng khác cách xa hàng km. Dù vậy, những xe tăng này chỉ có thể mang số lượng pháo hạn chế và khẩu pháo chính của chúng cũng chỉ có tốc độ bắn giới hạn.

xe-cho-quan-BTR82.jpg
Xe bọc thép chở quân BTR-82A của Nga. Ảnh: TASS

Thêm vào đó, các khẩu pháo chính nói trên không phù hợp với nhiều mục tiêu trên chiến trường. Trong Thế chiến thứ nhất, 80% mục tiêu của xe tăng M4 Sherman của Mỹ là những mục tiêu mềm như lực lượng bộ binh, súng chống tăng và boong ke. Việc triển khai xe tăng để đối phó các mục tiêu phân tán như bộ binh cũng giống như việc săn thỏ bằng một khẩu lựu pháo.

Đó là lý do tại sao các xe tăng có súng máy cỡ nòng 12,7 mm và 7,62 mm khi muốn tấn công lực lượng bộ binh hoặc phương tiện như xe tải lại không cần đến các khẩu pháo lớn.

Những vũ khí trên cũng có thể phóng nhiều loại đạn khác nhau, kể cả đạn xuyên giáp và đạn nổ cao. Súng xích M242 Bushmaster cỡ nòng 25 mm gắn trên phương tiện chiến đấu bộ binh M2 Bradley của Mỹ thậm chí có thể bắn đạn uranium nghèo chống lại xe tăng. Xe chiến đấu bộ binh Bradley từng nổi tiếng với việc sử dụng pháo cỡ nòng 25 mm để ngăn chặn xe tăng T-72 của Iraq, qua đó câu giờ để phá hủy xe tăng này bằng tên lửa chống tăng TOW của M2.

Điều này không có nghĩa là các phương tiện chiến đấu bộ binh, nếu được lựa chọn, sẽ chiến đấu với xe tăng bọc thép hạng nặng, song một khẩu pháo cỡ nòng trung bình đã cho thấy giá trị của chúng.

sung-xich-M242.jpg
Binh sĩ Mỹ khai hỏa súng xích M242 Bushmaster từ phương tiện chiến đấu Bradley M2A3 trong cuộc tập trận bắn đạn thật ở Syria tháng 3-2022. Ảnh: William Gore/U.S. Army

Hiện nay, việc sử dụng phương tiện chiến đấu bộ binh và phương tiện trinh sát mang pháo – vốn là vũ khí chính của xe tăng trong những năm đầu Thế chiến thứ hai - trở nên phổ biến. Các phương tiện tương lai có lẽ vẫn sẽ được trang bị pháo cỡ nòng trung bình với một số cải tiến.

Mỹ và Nga đang xem xét các loại pháo cỡ nòng 50 mm hoặc 57 mm sử dụng loại đạn đặc biệt gọi là Supershot. Lục quân Mỹ cũng có kế hoạch trang bị cho xe chiến đấu bọc thép Stryker pháo cỡ nòng 30 mm. Trong khi đó, Pháp và Anh đặt hàng pháo cỡ nòng 40 mm của công ty vũ khí, an ninh và hàng không vũ trụ BAE Systems cho xe bọc thép hạng nhẹ.

Tuy nhiên, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga và Trung Quốc chủ yếu vẫn sử dụng pháo cỡ nòng trung bình được thiết kế trong những năm 1970.

Chiến trường Ukraine đang trở thành “phòng thí nghiệm” cho thấy những gì xảy ra khi các quân đội cơ giới hiện đại gặp nhau trên chiến trường. Hiệu quả của pháo cỡ nòng trung bình cho thấy trong khi phương tiện bọc thép không ngừng phát triển thì những khẩu pháo này vẫn là một phần không thể thiếu trong trang bị vũ khí của chúng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm