Đăng trên tạp chí Korea Observer, một bài viết nghiên cứu về chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên đã ước tính rằng: Chỉ cần được trang bị một đầu đạn hạt nhân nặng một tấn, loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bukkeukseong-1 (KN-11) của Triều Tiên sẽ có thể đặt toàn bộ lãnh thổ của Hàn Quốc vào tầm ngắm. Nghiên cứu được thực hiện bởi Theodore A. Postol, giáo sư danh dự tại Viện MIT và ông Markus Schiller, kỹ sư hàng không tại hãng phân tích ST Analytics.
Theodore A. Postol (giữa), giáo sư danh dự tại Viện MIT, cho rằng THAAD sẽ bị vô hiệu hóa bởi KN-11.
Hệ thống KN-11 được cho là có thể đạt tầm bắn 450 km nếu mang theo đầu đạn hạt nhân nặng 1,5 tấn và tầm bắn 600 km nếu mang đầu đạn nặng một tấn. Hai chuyên gia thừa nhận vẫn còn có quá nhiều bí ẩn về chương trình tên lửa KN-11, trong đó bao gồm cả tầm bắn tối đa của hệ thống này. Tuy nhiên, với những thông tin được phát hiện cho đến nay, Postol và Schiller cho rằng một khi KN-11 được chính thức triển khai trên các tàu ngầm điện diesel của Triều Tiên, nó “sẽ có tải trọng và tầm bắn đủ khả năng mang một đầu đạn hạt nhân hạng nặng cấp độ một”.
Cho đến nay KN-11 vẫn là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu về chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng. Hồi tháng 8-2016, một vụ thử tên lửa SLMB của Triều Tiên đã đạt được tầm bắn đến 500 km. Đây cũng là tầm bắn xa nhất mà KN-11 đạt được sau liên tiếp hai vụ thử thất bại vào tháng 4 và tháng 7 cùng năm. Ông Postol nhận định với một tên lửa đạn đạo phóng từ biển như thế, lá chắn tên lửa tối tân THAAD (hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) mà Mỹ đang triển khai lắp đặt tại Hàn Quốc sẽ bị vô hiệu hóa. THAAD chỉ được thiết kế để đánh chặn các tên lửa có khu vực xuất phát cụ thể chứ không phải các tên lửa có khả năng phóng đi từ mọi vị trí như SLBM.
Hình ảnh hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm KN-11 của Triều Tiên. Ảnh: RODONG SINMUN
Những nhận định của các chuyên gia đang khiến cho Hàn Quốc cực kỳ lo ngại. Ngay ngày 2-1-2017, hải quân Hàn Quốc đã tiến hành tập trận chống tàu ngầm trên vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên và biển Hoàng Hải, theo Yonhap. Còn tại bờ biển phía nam, hải quân Hàn Quốc cũng triển khai tập trận bảo vệ các cơ sở năng lượng hạt nhân, truy đuổi và bắt giữ các tàu có khả năng mang theo vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cuộc tập trận được giám sát bởi Tổng tham mưu trưởng hải quân Um Hyun-seong với sự tham gia của hơn 20 tàu chiến và máy bay quân sự, thông báo của hải quân Hàn Quốc cho biết. Trong khi đó, bộ binh và không quân Hàn Quốc cũng đồng loạt cho diễn tập kiểm tra mức độ sẵn sàng tác chiến của các lực lượng. Các cuộc tập trận đều chú trọng khả năng phòng không chống lại các tên lửa.
Theo Siegfried S. Hecker, thuộc Trung tâm An ninh và Hợp tác quốc tế của ĐH Standford, Triều Tiên đã tăng tốc mở rộng và nâng cấp kho nguyên liệu phóng xạ. Trong 10 năm qua, chính quyền Bình Nhưỡng đã tiến hành năm vụ thử hạt nhân. “Việc nâng cấp độ tinh vi của vũ khí, bao gồm khả năng thu nhỏ các thiết bị hạt nhân sẽ đòi hỏi nhiều vụ thử hạt nhân hơn nữa” - ông Hecker nhận định. “Quy mô của kho vũ khí còn nhỏ, chủ yếu vì trữ lượng nguyên liệu phân hạch như plutomihm và uranium được làm giàu vẫn còn hạn chế”. Theo hãng Yonhap, hiện Bình Nhưỡng đang có trong tay khoảng 20-40 kg plutonia cấp độ vũ khí, đủ để chế tạo khoảng bốn đến tám quả bom plutonium. Ông Hecker ước tính mỗi năm Triều Tiên sẽ sản xuất thêm được 6 kg plutonium. ________________________ 600 km là tầm bắn của hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm KN-11 của Triều Tiên có thể đạt được nếu mang theo đầu đạn hạt nhân nặng một tấn. Với tầm bắn này và sự cơ động của tàu ngầm, mọi nơi tại lãnh thổ Hàn Quốc đều nằm trong tầm ngắm. |