Sáng 6-9, tại Bến Tre, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị “Phát triển chăn nuôi heo ATSH và chăn nuôi gia cầm đảm bảo tính bền vững ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Từ tháng 2-2019, bệnh DTHCP xảy ra và đến nay vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và xã hội. Để đảm bảo chủ động nguồn thực phẩm cuối năm 2019, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định chăn nuôi theo hướng ATSH sẽ góp phần đảm bảo nhu cầu thịt heo đến cuối năm, góp phần kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: Từ tháng 2 đến ngày 3-9-2019, DTHCP đã xảy ra trên 7.000 xã thuộc hơn 600 huyện của 63 tỉnh, thành của cả nước. Hiện ngành chức năng và các địa phương đã tiêu hủy 4,7 triệu con với tổng trọng lượng 270.000 tấn, khoảng 7% trọng lượng thịt heo cả nước.
Nguyên nhân là do DTHCP hiện nay chưa có vaccine phòng trị. Ngoài ra, đa phần hộ chăn nuôi ở nước ta hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, một số nơi có mật độ chăn nuôi cao nên việc thực hiện các biện pháp ATSH, ngăn chặn lây lan dịch bệnh là rất khó khăn.
Để giảm thiểu đến mức thấp về thiệt hại do loại dịch bệnh này, Bộ NN&PTNT khuyến cáo người dân chăn nuôi theo hướng ATSH cộng với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm và tăng cường nuôi trồng thủy sản. Theo Cục trưởng Cục Thú y: “Giải pháp hạn chế DTHCP là áp dụng biện pháp chăn nuôi ATSH. Đây là “vũ khí” số 1 để phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời thường xuyên tổ chức phun xịt, khử trùng diệt mầm bệnh, kết hợp với sử dụng các chế phẩm ATSH trong chăn nuôi” .
Tiêu hủy đàn heo bị nhiễm bệnh DTHCP tại Bến Tre.
Tính đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, tình hình DTHCP đã có những dấu hiệu khả quan. Nhận định về tình hình DTHCP, Cục trưởng Cục Thú y cho biết thêm, số xã và số heo buộc phải tiêu hủy ngày càng giảm. Theo đó, một số nguyên nhân có thể kể đến như: các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có heo bị bệnh đã được tiêu hủy, các hộ nuôi chưa tái đàn, xuất bán nên mật độ giảm, các hộ nuôi đã nhận thức rõ hơn và áp dụng các biện pháp ATSH phòng, chống dịch bệnh này.
Tính đến 1-7, tổng đàn heo cả nước đã giảm 18,5% so thời điểm cuối năm 2018, đạt trên 22,2 triệu con. Trong đó đàn heo mẹ là 3,2 triệu con, giảm khoảng 20% và tổng sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng là 2,1 triệu tấn, giảm khoảng 6,5%.
Bộ NN&PTNT khuyến cáo nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, phòng chống DTHCP.
Theo thống kê của ngành chức năng, xu hướng chăn nuôi heo theo quy trình ATSH, VietGAP ngày càng tăng cả về số lượng hộ lẫn trang trại nuôi. Năm 2016, cả nước chỉ có 174 trang trại, hơn 18.000 hộ chăn nuôi áp dụng VietGAP thì đến năm 2018, có 282 trang trại và 22.700 hộ chăn nuôi theo hình thức này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định chăn nuôi ATSH đóng góp một tỉ trọng quan trọng trong ngành. Và thực tế đã có những mô hình thực tế có những cơ sở khoa học để chăn nuôi heo ATSH trong điều kiện DTHCP và những quy trình, tiêu chuẩn cho ATSH đã được thiết lập. “Tôi chắc chắn rằng nếu chúng ta chăn nuôi đảm bảo ATSH như các doanh nghiệp, một số vùng nông dân đã làm thì chúng ta hoàn toàn phát triển chăn nuôi heo một cách bền vững và đáp ứng được phần thực phẩm cho những tháng cuối năm, góp phần vào đảm bảo đà tăng trưởng cũng như giảm thiểu mức tăng của CPI” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, khi xảy ra DTHCP, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất để bù đắp lại phấn thiếu hụt sản lượng thịt heo khoảng 7%.
Riêng về đàn gia cầm, theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, trong ba năm gần nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân của đàn vật nuôi đạt 6,33%/năm. Đến cuối năm 2018, tổng đàn gia cầm cả nước đạt 409 triệu con. Hiện nay, dịch cúm gia cầm được kiểm soát tương đối tốt. Từ đầu năm đến nay cả nước mới xảy ra 16 ổ dịch, tiêu hủy 29.000 con. Dịch bệnh trên đàn gia cầm trong thời gian tới có thể diễn phức tạp và nguy cơ xảy ra cao do nhiều nguyên nhân như: vận chuyển nhiều, thời tiết thay đổi,… |