Mới đây, TAND tỉnh Cà Mau đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp đòi lại tài sản (đòi lại nhà) giữa nguyên đơn là bà N, bà D và bị đơn là cha con ông H do có kháng cáo của bị đơn.
Đòi lại nhà đã hùn tiền xây cho mẹ ở
Theo hồ sơ, bà D trình bày, khi bà còn ở Hàn Quốc, anh ruột bà là ông K (chồng bà N) đang nuôi mẹ nên anh em bà cùng thỏa thuận hùn tiền xây nhà cho mẹ ở để tiện phụng dưỡng mẹ. Vì vậy, bà đã nhờ con gái gửi tiền từ Hàn Quốc cho ông K ba lần, tổng cộng 23.700 USD, tức khoảng 500 triệu đồng.
Do bà đang ở Hàn Quốc nên chỉ gửi tiền về cho ông K xây nhà. Người thầu xây nhà và nấu cơm thợ là vợ chồng con gái của ông H (là một người anh khác của bà D). Hai bên không làm hợp đồng, khi xây xong căn nhà có trả cho thầu 115 triệu, người nấu cơm 25 triệu, trả làm nhiều lần, khi trả tiền không làm giấy tờ và không ai chứng kiến. Năm 2017 căn nhà xây xong, giá trị là 850 triệu.
Tháng 9-2021, ông K qua đời nên anh em thống nhất cho ông H về nuôi mẹ nhưng ông H không nuôi mà để cho con gái về nuôi. Vì vậy căn nhà này có vợ chồng con gái ông H và mẹ bà sinh sống đến tháng 8-2023 thì mẹ bà qua đời.
Từ đó, bà khởi kiện đòi lại nhà; yêu cầu ông H và vợ chồng người con phải di dời, trả lại căn nhà có diện tích hơn 120 m2 cho bà và bà N. Bà N cũng thống nhất lời khai như bà D.
Ông H cho rằng bà D nói không đúng. Ông là người đã nuôi mẹ từ năm 2001, đến năm 2016, ông và vợ chồng con gái hùn tiền xây nhà cho mẹ ở. Năm 2018, do tình hình sức khỏe nên ông kêu vợ chồng con gái về sinh sống lo cho mẹ ông. Ông K đi làm, đến cuối năm 2017 nghỉ hưu nên có tới lui về sinh sống cùng gia đình ông.
Ông H cho rằng không có việc ông K và bà D hùn tiền cất nhà. Trên căn nhà này chỉ có vợ chồng con gái ông sống cùng mẹ ông đến khi mẹ ông qua đời, ông sống ở nơi khác. Vì vậy, ông không đồng ý yêu cầu đòi lại nhà của nguyên đơn. Người con gái thống nhất lời trình bày của ông H.
Một người anh em ruột của bà D, ông K, ông H khai rằng ông H không trực tiếp nuôi mẹ, chỉ tới lui chăm sóc. Sau khi ông K qua đời thì vợ chồng con gái ông H về chăm sóc là đúng. Đối với căn nhà là do ông K và bà D xuất tiền ra cất chứ không phải do ông H và con gái.
Sơ thẩm chấp nhận, phúc thẩm bác toàn bộ
Xử sơ thẩm, TAND huyện Cái Nước chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi lại nhà của nguyên đơn, buộc ông H và vợ chồng người con gái phải tách rời kết cấu nhà sắt tiền chế (mái che) hơn 40 m2 ra khỏi vách tường căn nhà và di dời các tài sản khác ra khỏi nhà để trả nhà cho bà N, bà D… Sau đó các bị đơn kháng cáo.
Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Cà Mau nhận định, các đương sự đều thống nhất căn nhà được xây dựng vào năm 2016, mục đích xây nhà cho mẹ ở. Nguyên đơn thì nói nguồn tiền do bà D góp 500 triệu, còn lại do vợ chồng bà N góp. Bị đơn thì xác định nguồn tiền do cha con bị đơn góp, trong đó có 40 triệu của người mẹ được hưởng gia đình chính sách…
Từ đó tòa cho rằng có cơ sở xác định căn nhà do các con góp xây dựng trên phần đất của người mẹ nhằm mục đích cho người mẹ ở nên tài sản này là của người mẹ. Khi người mẹ qua đời, tài sản trên được xác định là của người mẹ để lại.
Theo tòa, án sơ thẩm xác định căn nhà là tài sản riêng của nguyên đơn để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn giao trả là chưa phù hợp. Trong khi đó, căn nhà xây dựng trên phần đất mà người mẹ đã cho ông H theo di chúc năm 2001, nếu buộc bị đơn trả nhà nhưng diện tích đất gắn với căn nhà ông H không được quản lý sử dụng cũng không phù hợp.
Ngoài ra, tòa cho rằng ngoài căn nhà đang tranh chấp, bị đơn còn đầu tư xây dựng mái che tiền chế gắn liền với nhà chính, hàng rào, cổng.
“Nếu căn nhà là tài sản riêng của bà N và bà D thì vì sao ông H và vợ chồng con gái đầu tư xây dựng những công trình phụ trên đó?” – bản án nêu.
Từ đó, tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi lại nhà của nguyên đơn.