TAND Tối cao đề xuất không áp dụng thời hiệu khởi kiện đòi lại tài sản đặt cọc

(PLO)- Đây là nội dung tại Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao vừa ban hành Công văn số 70 gửi TAND các cấp về việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về đặt cọc.

Theo TAND Tối cao, đây là một nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật nên đề nghị TAND các cấp nghiêm túc thực hiện việc đóng góp ý kiến cho dự thảo.

Ban hành kèm theo Công văn 70 là dự thảo Nghị quyết và Tờ trình dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc.

Dự thảo gồm 9 điều, hướng dẫn về hình thức đặt cọc, hiệu lực của đặt cọc, vật có giá trị khác, tài sản đặt cọc, phạt cọc và không phạt cọc, thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc, thời hiệu khởi kiện.

Liên quan đến vấn đề thời hiệu khởi kiện, dự thảo Nghị quyết quy định tranh chấp về đặt cọc thì áp dụng thời hiệu theo quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Cụ thể, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 33 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015 về việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp “Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu”, dự thảo quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu trả lại tài sản đặt cọc. Đây là một nội dung đáng chú ý.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc, trên cơ sở những vướng mắc của một số Tòa án địa phương đề nghị xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp đặt cọc, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc được thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trường hợp bên đặt cọc hoặc bên nhận đặt cọc chỉ yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng hợp đồng đặt cọc vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng có trụ sở quy định tại điểm m khoản 2 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm