Vụ kiện đơn giản, 6 phiên tòa xử chưa xong

Chị Hoành đi kiện - Ảnh: Vũ Toàn

ưChị Nguyễn Thị Hoành (42 tuổi, trú tại xóm 7, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), người bị kiện trong vụ án trên, cho biết: cha mẹ chồng của chị là ông Lê Sĩ Trọng và bà Lê Thị Xuân có tám con trai, hai con gái. Do gia đình đông con nên năm 1978, hợp tác xã nông nghiệp xã Hưng Thông cấp cho ông bà thửa đất 545m2 để tách hộ cho con ra ở riêng.

Chủ tịch UBND xã: Tòa xử sai rồi

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Thanh Hải - chủ tịch UBND xã Hưng Thông - khẳng định: “Tòa xử chia tài sản thừa kế thửa đất 545m2 là sai. Vì đây là đất dãn dân, hợp tác xã cấp cho ông Trọng để tách hộ cho con ra ở riêng, đã có bìa đỏ nên không thể gộp vào thành tài sản thừa kế được. Sáu phiên xét xử, chủ tịch UBND xã các thời kỳ từ năm 1993 đến nay đều dành thời gian đi dự để làm chứng cho cái đúng vì đó là quyền lợi xác đáng của người dân”.

Năm 1993, xã Hưng Thông thực hiện thí điểm nghị định 64/CP của Chính phủ, ông Trọng đến gặp ban thực hiện nghị định đề nghị kê khai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 545m2 đất cho con là Lê Sĩ Thân và con dâu Nguyễn Thị Hoành. Năm 1995, vợ chồng chị Hoành được cấp sổ đỏ. Năm 2001, ông Trọng qua đời (bà Xuân mất năm 1992) thì từ năm 2002-2005 vợ chồng chị Hoành liên tục bị kiện đòi lại đất.

1. Theo bản sơ thẩm ngày 20-11-2007 về “tranh chấp tài sản thừa kế” của TAND huyện Hưng Nguyên, nguyên đơn là ông Lê Sĩ Nam (anh chồng của chị Hoành) cho rằng cha mẹ ông để lại khối tài sản gồm hai ngôi nhà gỗ trên thửa đất đã sử dụng lâu đời và thửa đất 545m2 được hợp tác xã Hưng Thông cấp năm 1978.

Do cha mẹ không để lại di chúc nên ông Nam yêu cầu tòa án chia thừa kế theo pháp luật. Mặc dù trong phiên tòa, đại diện Viện KSND huyện Hưng Nguyên đề nghị hội đồng xét xử bác yêu cầu của nguyên đơn nhưng hội đồng xét xử vẫn quyết định chia tài sản thừa kế.

Ngày 30-11-2007, Viện KSND huyện Hưng Nguyên ra kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện. Lý do tòa xác định thửa đất 545m2 đã được cấp bìa đỏ cho vợ chồng chị Hoành là di sản thừa kế do ông Trọng để lại và đem chia thừa kế là không đúng với quy định tại điều 634, 169 Bộ luật dân sự.

2. Phúc thẩm lần 1 ngày 22-5-2008, TAND tỉnh Nghệ An tuyên hủy án.

3. Phiên tòa sơ thẩm lần 2 ngày 15-9-2009, TAND huyện Hưng Nguyên vẫn tuyên “chia thừa kế theo pháp luật với di sản thừa kế của ông Lê Sĩ Trọng”. Viện KSND huyện Hưng Nguyên lại ra kháng nghị.

4. Phiên tòa phúc thẩm lần 2 ngày 14-6-2010, TAND tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm lại tuyên hủy toàn bộ bản án. Lý do: “Sau khi thụ lý lại vụ án để giải quyết, cấp sơ thẩm vẫn tiếp tục có những thiếu sót về tố tụng như xác định tư cách tố tụng chưa chuẩn xác làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết nội dung vụ kiện”.

5. Phiên sơ thẩm lần 3, TAND tỉnh Nghệ An xử ngày 22-9-2011. Trước phiên tòa, vợ chồng chị Hoành đã gửi đơn đề nghị thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Thời điểm này do vợ chồng chị Hoành phải chạy lũ nên xin hoãn phiên tòa nhưng phiên tòa vẫn không thay đổi thẩm phán và vẫn xét xử vắng mặt hai bị đơn.

Phiên tòa tuyên: “Xử phân chia tài sản”. Lý do: “Theo quy định của pháp luật về Luật thừa kế và Luật đất đai thì việc chuyển quyền sử dụng đất cho người khác bằng hình thức di chúc, tặng, cho... phải bằng văn bản, bút tích của người chuyển quyền, có xác nhận của chính quyền địa phương”.

Hội đồng xét xử cho rằng việc chuyển quyền sử dụng thửa đất 545m2 giữa ông Trọng, bà Xuân cho vợ chồng chị Hoành không có văn bản, bút tích gì nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng chị Hoành là không hợp pháp theo quy định của pháp luật.

6. Phúc thẩm lần 3 ngày 20-4-2012, TAND tối cao tuyên hủy án. Lý do: “Việc xét xử vắng mặt bị đơn trong khi hai đương sự này chưa biết yêu cầu xin thay đổi thẩm phán chủ tọa của mình có được chấp nhận hay không là không đảm bảo quyền lợi tại phiên tòa của đương sự và đặc biệt là quyền bảo vệ của đương sự được quy định tại điều 9, điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự. Đây là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng”.

Theo hội đồng xét xử, khi xác định thửa đất 545m2 là di sản của ông Trọng, bà Xuân, tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành thu thập chứng cứ, xác minh xem người mất có để lại di sản có các loại giấy tờ, tài sản trên đất hay không. Tại phiên tòa, các đương sự khác đều không có mặt, tòa án không thể kiểm tra, xác minh những chứng cứ mới.

7. Phiên tòa sơ thẩm lần 4 dự kiến mở ngày 30-10-2012 đã bị hoãn do chị Hoành yêu cầu vì chồng chị bị bệnh.

Quyền sử dụng đất của vợ chồng chị Hoành là hợp pháp

Theo nội dung vụ việc thì vợ chồng ông Lê Sĩ Trọng và bà Lê Thị Xuân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 1987, năm 1993. Theo nguyên tắc sử dụng đất trước khi có Luật đất đai năm 1993 thì Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Khi nhu cầu không còn nữa thì hộ gia đình, cá nhân đó phải giao trả đất lại cho Nhà nước để phân phối cho đối tượng khác sử dụng. Pháp luật đất đai thời điểm này không thừa nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới mọi hình thức.

Theo thông tin trong bài báo, sau khi bà Xuân mất, ông Trọng có cho phần đất này cho con mình là vợ chồng chị Hoành. Tuy nhiên, việc cho tặng này chỉ bằng miệng và không có bất cứ giấy tờ gì thể hiện, nhưng chính quyền thôn, xã đều biết rõ. Do đó có thể nói có tồn tại “hợp đồng miệng” chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tặng cho đất bằng miệng). Trong trường hợp này, nếu tòa án xác định có việc tặng cho miệng diễn ra (thông qua những người làm chứng biết việc tặng cho), thì theo các tiểu tiết b1 tiết b điểm 2.2; hoặc tiểu tiết b2 tiết b điểm 2.3 thuộc mục 2 phần II của nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quyền sử dụng đất của vợ chồng chị Hoành là hợp pháp và phải được tòa án công nhận.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG

Theo VŨ TOÀN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới