Vụ va chạm giữa chiếc Toyota Vios và xe máy tại TP Vinh (Nghệ An) vẫn đang khiến nhiều người xôn xao bởi hành vi của tài xế xe máy.
Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 13-3, một nam thanh niên điều khiển xe máy Honda Air Blade BKS 37N9 - 6899 đi vào vòng xuyến Lê Nin, bất ngờ va chạm giao thông với ô tô Toyota Vios.
Vụ va chạm khiến người đi xe máy ngã xuống đường, sau đó nam thanh niên liền cởi mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính ô tô, rồi tiếp tục ném mũ bảo hiểm vào người lái ô tô.
Được biết, người lái xe máy BKS 37N9-6899, tên Bình (sinh năm 1984, trú TP Vinh, Nghệ An). Chiếc xe được đăng ký bởi chủ xe có tên là Phạm Hải B. Xe này sản xuất năm 2009.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Vụ việc cũng khiến nhiều người xôn xao rằng người lái xe máy sẽ phải đối mặt với mức phạt ra sao.
Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Cơ quan chức năng sẽ giám định việc huỷ hoại tài sản, nếu giá trị tài sản trên 2 triệu đồng thì người này có thể bị khởi tố”.
Theo Luật sư Tuấn, Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm”.
“Hành vi hủy hoại tài sản, tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là vi phạm pháp luật, trên cơ sở quy định của pháp luật, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng sẽ ban hành hướng xử lý trách nhiệm tùy thuộc vào các yếu tố liên quan như khách quan, chủ quan của hành vi”- Luật sư Tuấn nói thêm.
Theo đó, vị Luật sư phân tích hủy hoại tài sản là hành vi làm cho tài sản của người khác bị thiệt hại đến mức làm mất hẳn giá trị hoặc mất hẳn công năng, giá trị sử dụng hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn. Cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm tài sản của người khác bị mất một phần hoặc giảm giá trị hoặc giảm giá trị sử dụng nhưng ở mức độ có thể khôi phục, sửa chữa lại được.
“Như vậy, hủy hoại tài sản là hành vi làm cho tài sản của người khác bị thiệt hại đến mức làm mất hẳn giá trị hoặc mất hẳn công năng, giá trị sử dụng hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn. Cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm tài sản của người khác bị mất một phần hoặc giảm giá trị hoặc giảm giá trị sử dụng nhưng ở mức độ có thể khôi phục, sửa chữa lại được”- luật sư nói.
Đối với việc người điều khiển xe máy không chính chủ, Luật sư cho rằng sau khi xác minh theo quy định của pháp luật hiện hành tại Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) thì có thể lỗi không chính chủ là việc chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được mua hay được cho hay được tặng xe.
“Như vậy, theo Nghị định 100/2019 không có lỗi nào được gọi là lỗi đi xe không chính chủ mà chỉ quy định về việc xử phạt với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên theo quy định của pháp luật”- Luật sư Tuấn nhận định.
Cũng theo Luật sư, quy định cụ thể tại khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019 thì việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định về sang tên xe chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe. Tuỳ theo vụ việc như thế nào thì cơ quan công an giải quyết xử phạt.
“Việc người tham gia giao thông sử dụng ô tô, xe máy của người thân, bạn bè, xe đi thuê thì sẽ không bị CSGT xử phạt về lỗi xe không chính chủ. Nếu vi phạm bị tạm giữ xe để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt, thì sau khi chấp hành xong quyết định này sẽ được nhận lại xe (điểm a khoản 2 điều 16 Nghị định 138 năm 2021)”- Luật sư Bùi Quốc Tuấn nói thêm.