Trên số báo ngày 16-5, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin về vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang (Công ty Luật) với ông Ly Sam (Việt kiều Mỹ).
Hiện vụ việc đang có bất đồng quan điểm giữa tòa và viện khi VKS kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM.
Cụ thể, TAND TP.HCM tuyên ông Ly Sam có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Luật 968 triệu đồng tiền thù lao luật sư (LS), sau khi đã trừ đi khoản tiền cọc trước đó. Bản án không chấp nhận yêu cầu phạt hợp đồng của phía Công ty Luật.
Pháp Luật TP.HCM đã thông tin về vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang (Công ty Luật) với ông Ly Sam (Việt kiều Mỹ). |
Tuy nhiên, viện trưởng VKSND TP.HCM đã ban hành kháng nghị, đề nghị xử phúc thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu đòi tiền phạt vi phạm hợp đồng với số tiền hơn 233 tỉ đồng.
Số báo này, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc ý kiến của một số chuyên gia về vụ tranh chấp này.
Đồng tình với bản án sơ thẩm
LS Nguyễn Quốc Cường (Đoàn LS TP.HCM), giảng viên tại Học viện Tư pháp, cho biết đây là một tình huống pháp lý khá thú vị.
Theo ông, hợp đồng tư vấn và tố tụng là một hợp đồng dân sự chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự và Luật LS, được giao kết tự nguyện, hợp pháp nên có sự ràng buộc pháp lý với cả hai bên.
Theo đó, Công ty Luật đã thực hiện các công việc theo thỏa thuận tại hợp đồng, kết quả thể hiện tại bản án sơ thẩm của TAND quận 1, TP.HCM. Việc ông Sam rút yêu cầu khởi kiện dẫn đến đình chỉ giải quyết vụ án là quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, không thể cho rằng ông Sam rút yêu cầu khởi kiện là vi phạm hợp đồng.
Tuy nhiên, ông Sam phải có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ tiền thù lao, phí dịch vụ LS vì hợp đồng hai bên ký kết đã hoàn thành kể từ thời điểm TAND TP.HCM ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nói trên.
Vì vậy, LS Cường cho rằng bản án sơ thẩm tuyên ông Sam có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Luật 968 triệu đồng tiền thù lao LS (sau khi đã trừ đi khoản tiền cọc trước đó) là thấu lý, đạt tình.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo TAND cấp huyện tại TP.HCM cho biết ông Sam đưa ra nhiều lý do cho rằng mình bị lừa dối khi ký hợp đồng. Để được HĐXX xem xét chấp nhận, theo luật thì ông Sam phải đưa ra được những chứng cứ chứng minh điều mình nói.
Việc ông tự ý rút đơn kháng cáo, khởi kiện làm vụ kiện kết thúc, nhiệm vụ LS coi như hoàn thành. Tức thù lao LS tư vấn và tố tụng ông Sam có nghĩa vụ phải thanh toán.
Hợp đồng có điều khoản phạt là không phù hợp!
Theo một thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM, trong các hợp đồng dịch vụ pháp lý thường có khoản hứa thưởng ngoài thù lao phải trả khi thắng kiện. Còn việc ký hợp đồng có khoản phạt ông cho rằng không phù hợp.
Từ đó, ông cũng đặt ra vấn đề về sự công bằng giữa khách hàng và LS. Cụ thể, nếu có điều khoản phạt khách hàng thì ngược lại cũng phải có điều khoản khách hàng phạt LS khi không hoàn thành công việc như ý muốn.
Cần rõ ràng, minh bạch khi ký hợp đồng
Từ vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý nêu trên, TS - LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM) làm rõ thêm câu chuyện giữa khách hàng và LS.
Theo ông, hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được ký kết một cách tự nguyện, điều khoản của hợp đồng phải rõ ràng, minh bạch (đầy đủ nội dung thông tin các bên, nội dung dịch vụ, các khoản chi phí, thù lao, trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng…) để các bên hiểu rõ tất cả quyền và nghĩa vụ của mình trước khi đặt bút ký kết.
Đồng thời hợp đồng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức nghề LS.
LS Trạch cho biết thêm trên thực tế, các vụ việc mà tổ chức hành nghề LS, LS hoạt động nghề nghiệp với tư cách cá nhân khởi kiện chính thân chủ của mình hoặc ngược lại cũng không phải là hiếm. Hợp đồng dịch vụ pháp lý bản chất cũng là hợp đồng dân sự bao hàm quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia. Một khi quyền và lợi ích của một bên bị xâm phạm thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, bảo vệ cho mình.
Vì vậy, về phía khách hàng, trước khi đặt bút ký hợp đồng, khách hàng nên đọc thật kỹ, hiểu thật rõ mọi điều khoản; yêu cầu LS, tổ chức hành nghề LS làm rõ, giải thích các điều khoản của hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Bởi lẽ khi ký kết hợp đồng này, khách hàng tự nguyện chịu ràng buộc bởi các điều khoản trong hợp đồng và phải chịu trách nhiệm đối với cam kết của mình.
Việc khách hàng đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng sẽ góp phần hạn chế xảy ra tranh chấp giữa LS, tổ chức hành nghề LS với khách hàng.
Căn cứ số tiền 55,5 triệu USD để phạt vi phạm là không hợp lý!
ThS - LS Nguyễn Văn Dũ |
Hợp đồng dịch vụ pháp lý để tư vấn, bảo vệ quyền lợi trong vụ án dân sự được điều chỉnh bởi BLDS, BLTTDS, Luật LS và Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam.
Theo đó, nguyên đơn được quyền chủ động rút toàn bộ hoặc một phần yêu cầu khởi kiện mà không bị lệ thuộc bởi bất cứ thỏa thuận nào với tổ chức hành nghề LS trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Như vậy, việc khách hàng rút đơn khởi kiện, đề nghị tòa án đình chỉ giải quyết vụ án là những hành vi tố tụng được pháp luật đảm bảo thực hiện thì không được coi đó là hành vi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý. Kể cả trong trường hợp khách hàng đã ủy quyền cho LS toàn quyền trong vụ kiện thì cũng không có nghĩa là khách hàng mất quyền tố tụng.
Về căn cứ phạt vi phạm, hợp đồng lấy số tiền ông Sam kiện đòi 55,5 triệu USD làm căn cứ phạt vi phạm là không hợp tình, hợp lý. Thông thường, căn cứ tính phạt vi phạm là dựa vào số tiền mà khách hàng được nhận qua hòa giải hoặc được nhận theo tòa án tuyên.
Ở đây, tuy ban đầu khách hàng kiện đòi số tiền 55,5 triệu USD nhưng theo luật định, trong quá trình giải quyết vụ việc, khách hàng có thể thỏa thuận thành với bị đơn ở mức thấp hơn hoặc rút bớt yêu cầu khởi kiện.
Trong khi hợp đồng thể hiện mức phạt 20% của 55,5 triệu USD, tương đương hơn 233 tỉ đồng. Nếu trường hợp này khách hàng vi phạm sẽ phải bỏ thêm tiền để đền cho Công ty Luật.
Ở chiều ngược lại, việc ông Sam không trả thù lao cho LS là vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên bản án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ.
ThS - LS NGUYỄN VĂN DŨ
(MINH CHUNG ghi)