Quan hệ giữa nước này với Ấn Độ thời kỳ Chiến tranh Lạnh được ghi nhận bằng những cuộc đụng độ và xung đột vũ trang quy mô lớn trên dãy Himalayas - nơi hai bên cùng có tuyên bố chủ quyền với khu vực Aksai Chin và tiểu bang Arunachal Pradesh. Sau hàng loạt vụ đụng độ nhỏ tại đây và căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước từ năm 1953, Mao Trạch Đông và các đồng sự của ông đã quyết định phát động một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào Ấn Độ, ngày 20-10-1962, với hy vọng tạo ra “10 năm ổn định ở khu vực biên giới”. Sau một tháng giao tranh, Trung Quốc đơn phương tuyên bố ngừng bắn và rút quân khỏi các khu vực mà họ đã chiếm được.
Về sau hai bên còn xảy ra xung đột quân sự vào năm 1967, cũng do Trung Quốc chủ động. Hiện khu vực này vẫn tồn tại nhiều căng thẳng. Trung Quốc đang quản lý Aksai Chin và Ấn Độ quản lý tiểu bang Arunachal Pradesh - nơi Trung Quốc coi như thuộc về khu tự trị Tây Tạng.
Năm 1969, Trung Quốc và Liên Xô bất ngờ rơi vào xung đột quân sự tại khu vực đảo Zhenbao (theo cách gọi của Trung Quốc) hay Damansky (theo cách gọi của Liên Xô). Cuộc xung đột này thậm chí còn đẩy hai cường quốc xã hội chủ nghĩa khi đó đến khả năng chiến tranh hạt nhân. Tác giả M. Taylor. Fravel, trong bài viết đăng trên tạp chí của ĐH Johns Hopkins (Hoa Kỳ) năm 2008, cho rằng lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã phục kích lính biên phòng Liên Xô tại khu vực tranh chấp này.
Với Việt Nam, có ít nhất hai lần Trung Quốc đã chủ động sử dụng vũ lực để đánh chiếm các khu vực đảo, đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Tháng 1-1974, hải quân Trung Quốc gây ra trận chiến kéo dài 30 phút tại quần đảo Hoàng Sa - vốn thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, sát hại 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa và chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
14 năm sau, một cuộc tấn công tương tự cũng được hải quân Trung Quốc tiến hành tại bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cho đến nay, bãi đá Gạc Ma vẫn đang do Trung Quốc kiểm soát trên thực tế.
Với sự lớn mạnh nhanh chóng về mặt quân sự của mình, Trung Quốc ngày càng thể hiện xu hướng sử dụng vũ lực trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Từ đầu năm đến nay, họ liên tục đưa ra lời đe dọa sử dụng vũ lực với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
HOÀNG THƯ tổng hợp (Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu biển Đông)