Vụ nhận chìm:Bình Thuận mở hướng cứu Hòn Cau và ngư dân

Liên quan đến vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét xuống vùng biển cạnh Khu bảo tồn Hòn Cau (Tuy Phong, Bình Thuận), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhấn mạnh: “Quan điểm của tỉnh là việc xử lý vật chất nạo vét phải đảm bảo không tác động, không gây bất cứ tổn hại nào đến môi trường và tận dụng được hiệu quả kinh tế từ đó”. 

Đưa 1 triệu m3 bùn, cát về cảng tổng hợp Vĩnh Tân

Về hướng xử lý khối lượng bùn, cát trên, ông Hùng cho hay hiện nay cảng tổng hợp Vĩnh Tân có thể sẽ tiếp nhận khối lượng vật chất nạo vét này. Và để kịp tiến độ cho công trình trọng điểm này, theo ông Hùng có thể ưu tiên xem xét giải quyết gần 1 triệu m3 bùn, cát dự kiến cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm xuống vùng biển Tuy Phong theo hướng trên.

Đối với hồ sơ dự án của Tổng Công ty Phát điện 3 xin phép nhận chìm 2,4 triệu m3 bùn, cát nạo vét luồng và vũng quay tàu cho các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, 4 và 4 mở rộng, ông Hùng cho biết tỉnh Bình Thuận đã đề nghị trung ương nghiên cứu tận dụng tối đa vào mục đích san lấp mặt bằng các công trình lấn biển lân cận. “Có thể làm kè bằng bê tông cốt thép để đưa khối lượng này vào san lấp các khu vực ven biển của tỉnh hiện nay đang bị sạt lở nghiêm trọng hoặc cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn nhằm tận dụng tối đa vật liệu san lấp, thay cho phương án nhận chìm” - ông Hùng nói thế và cho hay đã ký văn bản gửi đến các cơ quan trung ương về hướng giải pháp này.

Về kinh phí xây kè lên hàng trăm tỉ đồng, theo ông Hùng, dự tính kinh phí là thế nhưng xây kè như thế nào các nhà chuyên môn sẽ tính toán, lựa chọn kết cấu kè phải phù hợp. “Kè phải đảm bảo tiếp nhận, lưu giữ vật chất nạo vét không thẩm thấu ra môi trường biển. Quan điểm của tỉnh là việc xử lý vật chất nạo vét phải đảm bảo không tác động, không gây bất cứ tổn hại nào đến môi trường và tận dụng được hiệu quả kinh tế từ khối lượng vật chất nạo vét”. Ông Hùng nói thế và cho hay nếu chọn phương án này thì cần cho các chuyên gia khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng kè biển nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thiết kế mới có thể tiến hành xây dựng.

Liên quan đến việc đề xuất các khu vực để tiếp nhận bùn, cát nạo vét từ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết Sở đã có báo cáo phương án tận dụng vật chất nạo vét sau khi đã làm việc với các ban ngành, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam và Ban quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng (giữa) cho hay tỉnh này đã đề xuất nhiều phương án xử lý chất nạo vét thay vì nhận chìm xuống biển. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Cứu Khu bảo tồn biển Hòn Cau và hàng vạn ngư dân

Bày tỏ ý kiến với chúng tôi về phương án mà tỉnh Bình Thuận đưa ra trên đây, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, luật sư Nguyễn Toàn Thiện, cho hay bản thân ông rất hoan nghênh đề xuất của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng. Theo ông Thiện, việc không sử dụng phương pháp nhận chìm trên biển mà đề xuất cho đổ vào dự án lấn biển của cảng tổng hợp Vĩnh Tân cạnh đó là rất khả thi.

Cùng ngày, ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận, cho biết Hội Nghề cá tỉnh rất vui mừng khi nhận được thông tin Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản đề xuất không nhận chìm bùn, cát nạo vét xuống biển.

“Hội Nghề cá chúng tôi tiếp tục đề nghị lãnh đạo tỉnh lắng nghe tâm nguyện của người dân, việc thay thế phương pháp nhận chìm ngoài việc giúp giữ vững môi trường sinh thái của Khu bảo tồn biển Hòn Cau mà còn giúp cho sinh kế của hàng vạn ngư dân hoạt động trên vùng biển này”. Ông Huy nói thế và cho hay Tổng cục Thủy sản vừa có thông báo ý kiến sẽ chọn Hòn Cau là một trong ba điểm của Việt Nam triển khai dự án bảo vệ nguồn lợi thủy sản di cư.

Theo ông Huy, đây là dự án của Việt Nam phối hợp với một số quốc gia trong khu vực ASEAN và sẽ triển khai trong ba năm từ 2017 đến 2020. Dự án này được sự tài trợ của Tổ chức Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC). “Với việc chọn lựa phương pháp xử lý vật chất nạo vét như hướng ra của bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã nói, Khu bảo tồn biển Hòn Cau ngoài việc không bị đe dọa mà còn sẽ mang lại sự hồi phục tích cực của nguồn lợi thủy sản của tỉnh trong những năm tới” - ông Huy khẳng định.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận, cho biết ông cùng Hiệp hội Tôm và các doanh nghiệp nuôi tôm giống ở Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ khi đón nhận thông tin đề xuất của Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận về thay đổi phương án xử lý bùn, cát nạo vét ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Theo ông Anh, ngành tôm Bình Thuận đang đứng trước thách thức rất lớn và sống còn khi dự án nạo vét và nhận chìm bùn, cát xuống biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 chuẩn bị hoạt động. “Việc nhận chìm sẽ ảnh hưởng đến thủy sinh và hoạt động nuôi tôm giống vì nạo vét sẽ làm tăng độ đục, tăng hàm lượng hóa chất độc hại. Do đó khi làm việc với các nhà khoa học của Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, chúng tôi đã yêu cầu phải ký quỹ trước khi thực hiện nhằm đảm bảo việc bồi thường khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, với đề xuất của tỉnh Bình Thuận, Hiệp hội Tôm và những doanh nghiệp nuôi tôm tại Vĩnh Tân đã phần nào yên tâm” - ông Anh nói.

Theo ông Anh, nếu môi trường biển thuận lợi không bị xâm hại thì ngành tôm Bình Thuận sẽ góp phần lớn vào mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra cho ngành tôm phải xuất khẩu đạt 10 tỉ USD.

Cần tạm dừng việc cấp phép cho nhận chìm

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong toàn bộ vụ việc này là phải bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường. Tỉnh đã có văn bản báo cáo trung ương, các bộ, ngành có liên quan và đề xuất trung ương cho chủ trương tạm dừng việc tiếp tục cấp phép nhận chìm vật chất nạo vét tại vùng biển tỉnh Bình Thuận; nghiên cứu, tìm phương án khả thi nhất để xử lý khối lượng vật chất nạo vét, kể cả các phương án khác thay cho phương án nhận chìm.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới