Vụ nhốt cán bộ thú y ở Bình Chánh: Chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm

Sáng 10-8, UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã có buổi làm việc với trạm thú y và các ban, ngành trong huyện để làm rõ vụ cơ sở giết mổ Thuận Lợi khóa cổng nhốt cán bộ thú y để tẩu tán thịt heo nghi nhiễm bệnh và nghi bơm nước.

Cán bộ thú y xin tạm nghỉ

Trong buổi làm việc, bà Đinh Thị Hồng Hạnh, Trưởng Trạm thú y huyện Bình Chánh, đã tường trình toàn bộ sự việc xảy ra vào rạng sáng 6-8. Theo bà, đây là hành động quá khích, chống người thi hành công vụ. “Tôi là trưởng trạm mà còn bị nhốt, huống hồ các cán bộ thú y của trạm. Tôi mong muốn cơ quan chức năng đánh giá đúng mức độ sai phạm của từng cá nhân và xử lý đúng luật. Nếu không xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhiệm vụ gác cổng vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành thú y” - bà Hạnh bức xúc.

Trước sự việc ngày càng trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến xã hội, UBND huyện Bình Chánh yêu cầu công an nhanh chóng điều tra, làm rõ hành vi sai phạm của từng cá nhân liên quan để có hướng xử lý.

Bà Hạnh cũng đề nghị UBND huyện cho phép tạm thời cán bộ thú y không làm việc tại cơ sở giết mổ Thuận Lợi nhằm “đảm bảo an toàn tính mạng”. Thực tế là sau ngày 6-8, cơ sở giết mổ Thuận Lợi cũng ngưng hoạt động vì không có nhân viên thú y, đồng thời thương lái cũng đưa heo qua các cơ sở giết mổ khác. “Đến bây giờ tôi vẫn phải nhờ người đưa đón đi làm, trên đường luôn phập phồng sợ bị trả thù” - bà Hạnh tâm sự.

Cán bộ thú y sẵn sàng hợp tác với công an

Bà Hạnh cho biết thêm, trong đêm xảy ra vụ nhốt nhân viên thú y, bà đã yêu cầu chủ cơ sở giết mổ là ông Thái Hoàng Tòng có mặt để phối hợp hỗ trợ giải quyết. Tuy nhiên, viện lý do tìm chủ hàng để ký biên bản, ông Tòng phóng xe đi luôn không quay lại.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Tòng nói lúc đi tìm chủ hàng ký biên bản, ông bị té xe, mất điện thoại di động... nên chạy về nhà luôn (?). “Tôi cũng đã làm tường trình gửi cơ quan chức năng. Tôi sẵn sàng hợp tác để làm rõ những gì xảy ra trong cơ sở giết mổ và những cá nhân liên quan. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể cung cấp thông tin ngay thời điểm tôi có mặt và biết được” - ông Tòng nói thêm.

Phó Chánh thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM Nguyễn An Hòa cho rằng chủ cơ sở là người tổ chức hoạt động kinh doanh nên phải có trách nhiệm đối với những vụ việc xảy ra ngay trong cơ sở.

Hiện Chi cục Thú y TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an TP.HCM để thống nhất hướng giải quyết.

Chưa rõ có hành vi bắt giữ người trái pháp luật hay không

Chiều 10-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết: “Tôi có đề nghị bên thú y báo cáo bổ sung. Với những hành vi vi phạm đó, về mặt quy định pháp luật của ngành thú y, căn cứ vào điều khoản nào, lĩnh vực nào và thẩm quyền của thanh tra thú y được xử lý đến đâu, công an huyện phải xác minh làm rõ và kết luận về ba việc: có hành vi bắt giữ người trái pháp luật không, có chống người thi hành công vụ không, có gây mất trật tự công cộng không và mức độ xử lý ra sao. Hiện chưa làm rõ được có hành vi bắt giữ người trái pháp luật hay không. Vì trong khuôn viên lò mổ có văn phòng làm việc của trạm thú y, trạm trưởng thú y không đi ra ngoài nên không thể nói bị nhốt lại... Sau khi trạm thú y và công an huyện báo cáo, tùy theo kết quả điều tra đến đâu sẽ xử lý đến đó”.

N.NAM

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới