Vụ ông Nguyễn Đức Chung: 'Thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi'

Trong số bốn bị can bị cáo buộc phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Theo kết luận điều tra, để nắm bắt thông tin về tiến độ điều tra vụ án xảy ra tại Nhật Cường Mobile, ông Chung nhờ Phạm Quang Dũng (37 tuổi, cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế - C03, Bộ Công an) cung cấp hàng loạt hồ sơ, tài liệu của vụ án này.

Với việc được trưng dụng hỗ trợ điều tra, ông Dũng dễ dàng đáp ứng các yêu cầu của cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội. Bị can này không những cung cấp các tài liệu mình được phép tiếp cận mà còn đánh cắp chìa khóa của trưởng phòng thuộc C03 để chụp trộm các báo cáo liên quan đến vụ án.

Từ tháng 8-2019 đến tháng 6-2020, ông Dũng năm lần chiếm đoạt chín tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước, trong đó hai lần cung cấp cho ông Chung với tổng số sáu tài liệu mật.

Cơ quan ANĐT xác định vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước xảy ra tại Hà Nội có tính chất rất nghiêm trọng, phức tạp. Tài liệu chiếm đoạt thuộc vụ án tham nhũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm, thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: D.T

Đặc biệt, các bị can là những cán bộ từng công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, có kinh nghiệm, am hiểu về pháp luật và công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. Do đó, thủ đoạn của các bị can là hết sức tinh vi, thể hiện qua việc triệt để lợi dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội, xóa dấu vết, che giấu tội phạm.

“Điều này đã gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án” – kết luận điều tra nhấn mạnh.

Cụ thể, sau khi lấy được tài liệu, bị can Dũng cung cấp cho bị can Chung thông qua ba hình thức: dùng ứng dụng Viber trên điện thoại di động để trao đổi, hoặc chuyển trực tiếp file ảnh chụp tài liệu qua Viber, hoặc thông qua người trung gian để cung cấp tài liệu bản giấy.

Việc sử dụng các phần mềm tiên tiến là Viber và Zalo để liên lạc và trao đổi tài liệu của bốn bị can nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện; bởi đây đều là các phần mềm có chức năng gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh khi có kết nối với internet.

Quá trình điều tra, bị can Dũng tự nguyện giao nộp cho cơ quan công an hai file ghi âm cuộc gọi trao đổi thông qua Viber với bị can Chung. Nội dung: ông Chung yêu cầu ông Dũng nắm thông tin về hướng điều tra vụ án Nhật Cường liên quan đến vợ chồng mình.

Đáng chú ý, theo kết luận điều tra, từ tháng 2 đến tháng 7, ông Chung đã có 20 lần trao đổi qua Viber với ông Dũng, thông qua hai số điện thoại khác nhau. Sau khi hai thuộc cấp là Nguyễn Hoàng Trung (37 tuổi, cựu chuyên viên) và Nguyễn Anh Ngọc (46 tuổi, cựu Phó trưởng phòng Thư ký biên tập – UBND TP Hà Nội) bị bắt, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội đã vứt bỏ chiếc điện thoại cùng thẻ sim.

Ông Nguyễn Đức Chung nhận tội.

Ông Nguyễn Đức Chung sinh năm 1967. Trước khi làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông từng là Giám đốc Công an TP với cấp bậc hàm Thiếu tướng.

Trước đó, ông từng là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự rồi Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội.

Bản kết luận điều tra nêu: ông Chung thừa nhận và khai báo rõ hành vi phạm tội của bản thân.

Cựu chủ tịch Hà Nội cũng có nhiều thành tích xuất sắc khi còn công tác, đặc biệt là được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, có tiền sử bị bệnh ung thư. Do vậy, cơ quan điều tra đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với bị can trong quá trình truy tố, xét xử.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới