Vụ phá xe trên quốc lộ và một số vấn đề pháp lý

(PLO)- Theo chuyên gia, hành vi của nhóm người phá xe, vẽ bệnh trong loạt phóng sự của báo Pháp Luật TP.HCM có dấu hiệu phạm tội theo Điều 174, Điều 178 BLHS 2015. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo Pháp Luật TP.HCM vừa đăng tải loạt phóng sự điều tra “Chiêu trò phá xe của khách trên các quốc lộ” phản ánh các chủ tiệm sửa xe đã phá hỏng xe của khách rồi "vẽ bệnh" để bắt thay, sửa với giá tiền cao.

Sau khi loạt bài được đăng tải, nhiều bạn đọc cho biết họ từng là nạn nhân và mong rằng cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm, trong đó nhiều ý kiến cho rằng phải xử lý hình sự các đối tượng có hành vi bất lương.

Trao đổi với PLO, TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng: Những chủ tiệm xe, nhân viên... mà loạt phóng sự phản ánh đã có các hành vi cố ý rạch vỏ xe, ruột xe, chọc cao su đùm hoặc làm hư hỏng một số thiết bị khác của xe, làm cho xe không thể hoạt động như bình thường. Đây là hành vi cố ý làm cho tài sản mất đi một phần giá trị sử dụng, tức hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản).

Nhiều tình tiết tăng nặng với nhóm phá xe Quốc lộ 51
Nhóm phá xe Quốc lộ 51 sử dụng trẻ em để thực hiện hành vi phá xe khách đi đường ghé ăn uống, nghỉ ngơi. Ảnh: NHÓM PV

Bên cạnh đó, những người này còn thực hiện hành vi tháo mobin sườn để xe không hoạt động, sau đó lại nói với nạn nhân là xe hỏng dây curoa, bộ nồi, mobin sườn… làm cho nạn nhân tin tưởng và buộc họ phải thay bằng các thiết bị, phụ tùng trôi nổi để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

"Đây bị coi hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của nạn nhân theo quy định của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS)", TS Trần Thanh Thảo nhận định.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP thì trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm.

Do đó, nếu thuộc trường hợp này thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự những người nêu trên về Tội cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 BLHS) và Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS) khi tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm được xác định là từ 2 triệu đồng trở lên.

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải loạt bài điều tra “Chiêu trò phá xe của khách trên các quốc lộ”, nhiều người gửi mail, comment yêu cầu xử lý nghiêm những người vi phạm này. Nhiều bạn đọc cho rằng hành vi của những người này đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 178 BLHS hoặc điểm c khoản 1 Điều 174 BLHS.

Nói cách khác, dù tài sản làm hư hỏng hoặc chiếm đoạt trị giá dưới 2 triệu đồng thì hành vi của những người này vẫn đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

TÒA SOẠN PLO

Cũng theo TS Trần Thanh Thảo, để xác định hành vi phạm tội có thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức hay không, đòi hỏi phải chứng minh dấu hiệu “có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”.

Dựa theo tinh thần tại Nghị quyết 02/1988 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì có 3 trường hợp bị xem là phạm tội có tổ chức, trong đó có trường hợp “Những người đồng phạm đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước”.

Do đó, chỉ trong trường hợp chứng minh được những người này đã lên kế hoạch từ trước đó, thống nhất thực hiện theo kế hoạch này và thực hiện tội phạm nhiều lần thì mới có thể xem là phạm tội có tổ chức. Tình tiết này nếu được áp dụng sẽ là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm a khoản 2 Điều 178 và điểm a khoản 2 Điều 174 BLHS.

Cấm sử dụng trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật

Theo Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, khoản 5 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định nghiêm cấm hành vi “sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”.

Điều 24 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt gấp đôi so với cá nhân.

Trường hợp “hành vi vi phạm pháp luật” đã đến mức cấu thành tội phạm thì người có hành vi sử dụng, xúi giục trẻ em thực hiện tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm cụ thể đó với vai trò chủ mưu, người xúi giục, người thực hành.

Người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp theo Điều 325 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt thấp nhất từ 01 năm đến 05 năm tù; mức phạt cao nhất lên đến 07 năm tù; ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

NGUYỄN TÂN - NGUYỄN YÊN - PHẠM HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm